Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, nhân dịp 75 năm Quốc khánh Việt Nam 2/9 và dịp kỷ niệm 57 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ai Cập (1/9/1963-1/9/2020), Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã tổ chức sự kiện quảng bá văn hóa và hình ảnh đất nước con người Việt Nam với truyền thông và bạn bè nước bạn.
Đại sứ Trần Thành Công đã chủ trì cuộc tiếp xúc báo chí và giới thiệu về những nét đẹp văn hóa, ẩm thực của Việt Nam với truyền thông và bạn bè Ai Cập.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Trần Thành Công đã điểm lại những thành tựu nổi bật về kinh tế-xã hội của Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng như những dấn ấn quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Ai Cập trong suốt những năm qua.
Theo Đại sứ Trần Thành Công, đây là hai sự kiện rất có ý nghĩa, diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập tổ chức sự kiện này để ôn lại lịch sử, để các cán bộ công nhân viên, cộng đồng người Việt Nam tại Ai Cập, bạn bè Ai Cập và quốc tế hiểu rõ chiến thắng vĩ đại, lịch sử của Việt Nam.
Đây cũng là nét văn hóa, truyền thống của người Việt Nam chúng ta vào mỗi dịp này để cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, bài học quý giá, đồng thời cũng là để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước ngày càng tốt đẹp hơn.
[Báo Ai Cập đánh giá cao những thành tựu kinh tế-xã hội của Việt Nam]
Đại sứ Trần Thành Công nhấn mạnh: “Đặc biệt trong năm nay, cũng vào ngày này, chúng ta kỷ niệm 57 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ai Cập. Đây là một chặng đường lịch sử rất dài mà hai nước đã cùng vun xới và vun đắp và đạt nhiều thành công, thành tựu tốt đẹp như ngày hôm nay. Cũng cần nhắc lại chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đến Việt Nam năm 2017 và chuyến thăm Ai Cập của nguyên Chủ tịch nước Trần Đại Quang năm 2018. Đây là dấu mốc lịch sử trong quan hệ giữa hai nước và qua hai chuyến thăm này chúng ta đã ký hơn 20 văn bản hợp tác, trong đó đặc biệt là lĩnh vực phát triển kinh tế, giáo dục, hợp tác giữa các địa phương.
Đây là những bước đi rất quan trọng trong lịch sử quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi dịch COVID-19 đang hoành hành ở nhiều nước, đặc biệt là châu Phi.
Đây là nơi có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu thốn nhiều điều kiện, song chúng ta vẫn có hợp tác chặt chẽ với phía Ai Cập. Mới đây, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry.
Hai bên đã thảo luận các cách thức hợp tác trong thời kỳ dịch COVID-19 và tìm hướng đi mới trong quan hệ giữa hai nước."
Đại sứ Trần Thành Công cho rằng trong thời gian tới, triển vọng trong quan hệ giữa hai nước sẽ phát triển tốt đẹp, hai nước sẽ tiếp tục thực hiện những cam kết mà lãnh đạo hai nước đã thống nhất trong năm 2017 và 2018 và sẽ triển khai có hiệu quả những cam kết này.
Ông cho biết thêm trong những dịp như thế này, việc tổ chức sự kiện như trên cũng nhằm giúp người dân Ai Cập hiểu hơn về Việt Nam, đặc biệt là những thành công mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, trang mạng Diplomatic Society của Nam Phi ngày 1/9 đăng bài của Tổng biên tập trang mạng này Kirtan Bhana điểm lại những điểm nội bật trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh Việt Nam.
Theo tác giả bài viết, ngày 2/9/1945, hàng triệu người Việt Nam đã tập trung tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội chứng kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố Việt Nam là một quốc gia tự do và độc lập.
Đến nay, 75 năm đã trôi qua, ngày này được ghi nhớ và kỷ niệm là Ngày Quốc khánh Việt Nam.
Ngày nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất toàn cầu.
Chính sách Đổi mới với tầm nhìn sâu rộng của Đảng Cộng sản Việt Nam được thực hiện cách đây 35 năm đang cho thấy những thành công.
Nền kinh tế Việt Nam đang đạt tốc độ tăng trưởng ổn định hợp lý, kinh tế vĩ mô ổn định và mang lại lợi ích cho khu vực. Sản phẩm của Việt Nam đã có mặt tại thị trường của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ ở hầu khắp các châu lục.
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng và toàn diện hơn vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu./.