Kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Ấn Độ, Venezuela, Chile, LHQ

Nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021), ngày 19/5, tại Ấn Độ, Venezuela, Chile và Phái đoàn Thường trực Việt Nam ở Liên hợp quốc tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm.
Hội thảo kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ấn Độ. (Ảnh: Huy Lê/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021), ngày 19/5, Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam bang Tây Bengal, Ấn Độ, tổ chức hội thảo về Người theo hình thức trực tuyến; Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela và Chile tổ chức lễ dâng hoa tại Tượng Bác; còn tại Phái đoàn Thường trực Việt Nam ở Liên hợp quốc có buổi tọa đàm trực tuyến với nhà thơ Trần Đăng Khoa với những câu chuyện đầy ý nghĩa về Bác, về tư tưởng và tầm nhìn uyên bác cũng như phong cách sống giản dị của Người.

Tham dự hội thảo hội thảo kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ấn Độ có các học giả, nhà nghiên cứu, nghệ sỹ, nhà văn hóa của hai nước, các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán cùng đông đảo bạn bè quốc tế, những người yêu mến và ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, tại hội thảo, thông qua những vần thơ, những giai điệu lắng đọng cảm xúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh do các tác giả Ấn Độ sáng tác, các đại biểu đã bày tỏ lòng kính yêu và khâm phục sâu sắc với vị cha già dân tộc của Việt Nam, một đời tận tụy hy sinh, đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc, mưu cầu hạnh phúc ấm no cho nhân dân; nêu bật tư tưởng vĩ đại của Người, soi đường dẫn lối cho cách mạng Việt Nam và định hướng cho công cuộc xây dựng-phát triển đất nước.

Phát biểu tại hội thảo, cựu Giám đốc khu vực của Hội đồng quan hệ văn hóa Ấn Độ (ICCR), ông Gautam De chia sẻ: “Đối với tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhân cách nổi bật nhất của thế kỷ. Ông là một người cộng sản xuất chúng và lỗi lạc. Cá nhân tôi cũng như nhiều người ở Kolkata luôn dành tình cảm mến yêu sâu sắc đối với Bác Hồ, cũng giống như khẩu hiệu ‘Tomar nam, Amar nam, Vietnam, Vietnam’ (Tên bạn, tên tôi, Việt Nam, Việt Nam - khẩu hiệu trong những năm 1960 tại Tây Bengal như một cách để bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống đế quốc), vẫn còn vang vọng cho đến ngày nay ở Kolkata.”

Theo nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa-xã hội Anita Sharma, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một nhà văn hóa, nhà trí thức vĩ đại. Ông đã viết nhiều sách, báo và sáng tác thơ bằng tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc.

Cuộc đời và sự nghiệp của Người là biểu tượng sáng ngời về ý chí, nghị lực rèn luyện, vượt qua mọi gian lao, thử thách. Về quan hệ Ấn Độ-Việt Nam, bà Anita Sharma cho rằng hai nước đã có quan hệ truyền thống gắn bó lâu đời từ khi đạo Phật và đạo Hindu được truyền bá vào Việt Nam, và mối quan hệ ấy đã tiếp tục phát triển lên những tầm cao mới nhờ nền tảng vững chắc do các lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh, Mahatma Gandhi và Jawaharlal Nehru gây dựng.

Các đại biểu tại hội thảo khẳng định mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng tên tuổi, sự nghiệp của Người sẽ còn mãi với đất nước và nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản tư tưởng quý báu, một tấm gương đạo đức và lối sống sáng ngời.

Tại hội thảo, các đại biểu không chỉ tổ chức các hoạt động tưởng nhớ ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn bày tỏ tình đoàn kết, sự sẻ chia, tái khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống gắn bó giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành trên khắp Ấn Độ, gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội sâu sắc tại nước này.

[Mừng sinh nhật lần thứ 131 của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp]

Cùng ngày 19/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela tổ chức lễ dâng hoa tại Tượng Bác đặt tại Đại lộ Bolivar, trung tâm thủ đô Caracas.

Buổi lễ có sự tham dự của đại diện Bộ Ngoại giao, Tổng Vụ trưởng phụ trách châu Á, Trung Đông và châu Đại Dương Pedro Rodríguez Aray, đại diện chính quyền Quận Libertador, các vị Đại sứ, Đại biện Cuba, Ấn Độ, Indonesia, Nicaragoa, Malaysia, Hội Hữu nghị Venezuela-Việt Nam (CAVV), Phòng Thương mại Venezuela-Việt Nam (CAVENVIET), bạn bè Venezuela và cán bộ Đại sứ quán, Cơ quan Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Venezuela.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Lê Viết Duyên đã điểm lại những mốc son trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôn vinh những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam.

Đại sứ nêu rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản hết sức quý báu, đó là tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do,” là Tư tưởng Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là bản Di chúc bất hủ để lại cho muôn đời con cháu.

Đại sứ nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, góp phần vào cuộc đấu tranh của các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Tên tuổi của Người sống mãi trong lòng mỗi người Việt Nam, trong lòng bạn bè và nhân dân trên thế giới.

Trong khi đó, đại diện Bộ Ngoại giao Venezuela, Hội Hữu nghị Venezuela-Việt Nam phát biểu bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tấm gương cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã soi đường cho Cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi to lớn, xây dựng nên nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng và phát triển mạnh mẽ ngày nay.

Trước đó, trong khuôn khổ triển khai Đề án Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng Giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, Đại sứ quán đã khánh thành Không gian trưng bày tư liệu, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước, con người Việt Nam tại trường Đại học Rómulo Gallegos, bang Guárico.

Đại sứ Lê Viết Duyên trân trọng cảm ơn Ban giám hiệu trường Đại học Rómulo Gallegos đã tạo điều kiện khai trương Triển lãm không gian Việt Nam và bày tỏ mong muốn giới thiệu đến nhân dân Venezuela hình ảnh một Việt Nam hòa bình, thân thiện, hiện đại với một kho tàng văn hóa tiên tiến, đậm đàm bản sắc dân tộc, được UNESCO đánh giá là một trong những nền văn hóa đặc sắc nhất thế giới.

Những vật phẩm trưng bày tại không gian bao gồm tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh, ảnh chân dung Bác Hồ, các ấn phẩm nói về sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người, về đất nước, con người Việt Nam, nón lá, tài liệu du lịch và bản đồ Việt Nam...

Đại sứ cũng đề xuất sẽ phối hợp cùng trường kết nối với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh của Việt Nam để tăng cường và nâng cao các hoạt động hợp tác nghiên cứu về Tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như tổ chức những buổi trao đổi, nói chuyện về Tư tưởng của Người trong thời gian tới.

Tập thể cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và đại diện Bộ Ngoại giao Venezuela tại lễ dâng hoa. (Ảnh: TTXVN phát)

Cũng trong ngày, Đại sứ quán Việt Nam tại Chile cũng đã tổ chức Lễ dâng hoa tại Tượng đài Hồ Chí Minh, đặt tại Công viên Hồ Chí Minh, quận Cerro Navia, thành phố Santiago.

Tham dự buổi lễ có ông Mauro Tamayo, Quận trưởng quận Cerro Navia, người vừa được bầu lại là Quận trưởng của quận này trong đợt bầu cử địa phương ngày 17/5 vừa qua.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại biện lâm thời Hoàng Kim Anh đã chúc mừng ông Mauro Tamayo đã tái đắc cử Quận trưởng quận Cerro Navia với sự ủng hộ và tín nhiệm rất cao của người dân. Quận trưởng Mauro Tamayo khẳng định tượng đài Hồ Chí Minh đặt tại Công viên Hồ Chí Minh, mãi mãi là biểu tượng cao đẹp thể hiện tình hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc.

Còn tại Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, những câu chuyện đầy ý nghĩa về Bác, về tư tưởng và tầm nhìn uyên bác cũng như phong cách sống giản dị, thấm đẫm tình người của Bác đối với những số phận khốn khổ nhất trong xã hội đã được chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến với nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý chủ trì sự kiện với sự tham gia của toàn thể cán bộ nhân viên phái đoàn, các cơ quan đại diện bên cạnh Liên hợp quốc và nhiều sứ quán Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới.

Sau nhiều năm nghiên cứu và sáng tác về Bác, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết ông rất ấn tượng với cách dùng người tài tình, kỳ diệu của Bác, mà ví dụ đặc sắc nhất chính là khi Bác chọn và phong cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cấp bậc cao nhất trong quân đội. Tại thời điểm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất thân là thầy giáo dạy sử và chưa hề được đào tạo qua trường lớp về các chiến lược cầm quân.

Nhà thơ kể lại rằng trước những chiến thắng vang dội của Quân đội Việt Nam dưới tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà báo Mỹ Lady Borton đã từng hỏi Bác về tiêu chí khi đề bạt Tướng Giáp, một câu hỏi tưởng chừng như rất hóc búa đã được Người hóa giải thành câu trả lời thật giản dị và tự nhiên: “Chúng tôi đánh giặc theo kiểu du kích thì chúng tôi phong hàm cũng theo lối du kích. Tướng Giáp của chúng tôi đã thắng tất cả các vị tướng của Pháp, ông ấy phải là Đại tướng.”

Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định Bác là đề tài lớn trong sáng tác văn học, nghệ thuật, kể cả trong tiểu thuyết cũng như âm nhạc và hầu hết các tác phẩm khi “chạm” tới Bác đều rất hay và rất sâu sắc.

Theo ông, người sáng tác được nhiều tác phẩm thơ để đời về Bác nhất và cho người nghe cảm nhận được một bức tranh toàn cảnh về Bác nhất chính là nhà thơ Tố Hữu. Tuy nhiên, có lẽ bài thơ hay nhất về Bác lại thuộc về tác giả Việt Phương, đó là bài “Muôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương.”

Toàn cảnh buổi giao lưu với sự tham gia của các cơ quan đại diện Việt Nam trên khắp thế giới. (Ảnh: Khắc Hiếu/TTXVN)

Trần Đăng Khoa cũng cho rằng nhà thơ nước ngoài viết thơ về Bác hay nhất là cố nhà thơ Cuba Felix Pita Rodriguez.

Với riêng nhà thơ Trần Đăng Khoa, một trong những sáng tác đầu tiên của ông khi còn là cậu bé 8 tuổi học lớp 2 chính là bài “Ảnh Bác” về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giọng thơ trong sáng, giản dị, trẻ con hồn nhiên của ông đã thực sự chinh phục hàng triệu độc giả trên khắp đất nước ngay sau khi được đăng tải trên báo thời đó.

Nhà thơ cũng chia sẻ những kỷ niệm về một quãng tuổi thơ đáng yêu của ông và các bạn cùng trang lứa gắn với hình ảnh Bác Hồ gần gũi đến mức “làm được việc gì tốt cũng viết thư kể với Bác Hồ, bố mẹ mắng oan cũng… viết thư cho Bác.”

Và có lẽ chính vì vậy mà tập thơ của Trần Đăng Khoa thời đó với vô số lỗi chính tả được tác giả, khi đó là cậu bé 10 tuổi, gửi qua bưu điện với niềm tin ngây thơ sẽ tới tay Bác, đã tới tay Bác thật và được Bác đọc. Đó cũng là tập thơ duy nhất của Trần Đăng Khoa còn lưu được bản thảo gốc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đến nay.

Nhưng có lẽ với cá nhân Trần Đăng Khoa, bài thơ ông sáng tác đúng vào ngày Bác mất khi ông đang điều trị tại viện để lại trong ông niềm xúc động không thể nào quên. Quả thật, khi ông đọc lại những vần thơ đó, tất cả các cán bộ đang có mặt tại buổi tọa đàm trực tuyến đều thấy cay nơi khóe mắt, cảm nhận được cảm giác đau đớn, mất mát của nhà thơ khi Bác ra đi vào thời điểm đó.

Đại sứ Đặng Đình Quý chia sẻ rằng với những người thuộc thế hệ sinh ra trong thập niên 60 của thế kỷ trước như ông, những bài thơ về Bác của nhiều tác giả, đặc biệt của Trần Đăng Khoa, luôn mang lại những xúc cảm đẹp nhất và không thể quên, bất chấp thời gian.

Đại sứ cũng chia sẻ rằng tại Liên hợp quốc, nơi có 193 nước thành viên trên khắp thế giới, có thể nói không ai là không biết Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại nhiều nước có mặt tại buổi tọa đàm trực tuyến cũng chia sẻ những cảm nhận của chính mình về tư tưởng của Bác, đặc biệt trong lĩnh vực đối ngoại cũng như những giai thoại hết sức đời thường về Người mà các Đại sứ có dịp được đọc hoặc nghe kể lại từ những nhân chứng lịch sử.

Những câu chuyện về cuộc đời của Bác là động lực lớn lao để rất nhiều con cháu nước Việt, đặc biệt là các cán bộ đang làm nhiệm vụ đại diện cho Tổ quốc Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới có thêm động lực không ngừng phấn đấu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, đóng góp tích cực cho quan hệ hữu nghị hợp tác với thế giới./.

Tin cùng chuyên mục