Kỷ niệm chiến thắng Phátxít: Truyền thống “Phiên gác Ký ức” tại Belarus

Việc thực hiện “Phiên gác Ký ức” giúp thế hệ trẻ Belarus hiểu rõ quá khứ của dân tộc cũng như những chiến công của cha ông mình, những người đã hy sinh trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.
Ở Brest, mỗi trường phổ thông có nhiệm vụ canh gác và đổi gác một lần mỗi năm, kéo dài trong một tuần. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)

Nếu đến thăm Quảng trường Chiến thắng hay Quảng trường Nghi lễ của khu phức hợp tưởng niệm “Pháo đài Anh hùng Brest” ở Thủ đô Minsk của Belarus, bạn sẽ bắt gặp các em học sinh phổ thông Belarus mặc quân phục đứng gác và đổi gác gần ngọn lửa vĩnh cửu trên quảng trường.

Những nghi thức gác và đổi gác này ở Belarus được gọi là “Phiên gác Ký ức.”

Nhiệm vụ danh dự trên được học sinh 35 trường phổ thông ở Minsk thực hiện từ ngày 3/7/1984. Từ tháng Chín đến tháng Năm hằng năm, có khoảng 900 học sinh tham gia.

Các em gác từ thứ Năm đến Chủ Nhật, từ 10h đến 12h30 và trong mọi điều kiện thời tiết. Hằng ngày, đội gác chính gồm 25 em.

Mục đích của việc canh gác tại Tượng đài Chiến thắng là để tưởng nhớ các chiến sỹ đã hy sinh trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

Sau hàng thập niên, đến nay, nhiều người thuộc thế hệ cựu chiến binh tham gia Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại đã không còn hoặc ở độ tuổi “xưa nay hiếm.”

Việc thực hiện các “Phiên gác Ký ức” sẽ giúp thế hệ trẻ Belarus hiểu rõ quá khứ của dân tộc mình cũng như những chiến công của cha ông mình.

Nhiều em học sinh cũng có cha mẹ từng đứng gác và đổi gác trong những năm đi học; nay những bậc cha mẹ như vậy đến quảng trường để hỗ trợ con em mình vào thời điểm quan trọng khi thực hiện nghi lễ trên quảng trường.

Để trở thành thành viên của đội tưởng niệm của cơ sở giáo dục, các em học sinh cần phải vượt qua một quá trình tuyển chọn. Trong số các tiêu chí, các em có thành tích học tập tốt, tích cực tham gia vào các hoạt động ở trường sẽ được chọn.

Các em cũng phải đảm bảo đủ sức khỏe để có thể thực hiện các nghi thức này. Ngoài ra cũng có yêu cầu về ngoại hình đối với các em.

Tại Minsk, nghi lễ danh dự "Phiên gác Ký ức" được các học sinh thực hiện từ ngày 3/7/1984. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)

Trước khi thực hiện các nghi lễ đứng gác và đổi gác, các em học sinh phải rèn luyện rất nhiều, hoàn thiện từng bước đi và động tác.

Ở mỗi cơ sở giáo dục có vinh dự gửi học sinh tham gia đội danh dự, các lớp huấn luyện được tổ chức ít nhất ba lần trong một tuần trong một tháng rưỡi đến hai tháng.

Sau đó, theo lịch trình, hai tuần trước khi tham gia đội danh dự, họ đến Quảng trường Chiến thắng và các buổi diễn tập được tổ chức ở đó. Ở mỗi trường, một giáo viên chịu trách nhiệm chuẩn bị cho học sinh được phân công vào đội tưởng niệm.

Nghi lễ trông có vẻ đơn giản những thực tế đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ các em vì đây là công việc tập thể, trong đó tính mạch lạc, đồng bộ, khả năng bước theo nghi thức, điều khiển chuyển động của tay và giữ vững liên kết rất quan trọng.

Những em xuất sắc nhất sẽ được thực hiện các nghi thức gác và đổi gác vào ngày 9/5 - Ngày Chiến thắng.

Tại khu tưởng niệm “Pháo đài Brest Anh hùng,” tính đến năm 2022, thời điểm tròn 50 năm các học sinh tham gia “Phiên gác Ký ức,” trên Quảng trường Nghi lễ của khu tưởng niệm, hơn 98.000 lượt các em học sinh đã tiến hành các nghi lễ này.

Ở thành phố Brest mỗi trường phổ thông có nhiệm vụ canh gác và đổi gác mỗi năm một lần trong một tuần. Không có thời gian nghỉ, kể cả vào cuối tuần hoặc ngày lễ, trừ trường hợp thời tiết khắc nghiệt.

Những hoạt động này rất có ý nghĩa và thiết thực đối với các em học sinh, vì tình yêu dành cho quê hương của các em, được hình thành trong những năm tháng tuổi trẻ sẽ giúp các em tìm thấy chính mình và chọn ra con đường đúng đắn trong cuộc sống tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục