Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng

Cách đây 90 năm, đêm 28/10/1929, tại Làng 3, Đồn điền Cao su Phú Riềng, thuộc địa bàn xã Thuận Lợi, Đồng Phú, Bình Phước, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ được thành lập.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tập đoàn Cao su Việt Nam. (Ảnh: K GỬIH-TTXVN)

Ngày 26/10, tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao su Phú Riềng (xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, Bình Phước), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và tỉnh Bình Phước tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Phú Riềng và Ngày truyền thống ngành Cao su Việt Nam (28/10/1929-28/10/2019).

Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Trăm và lãnh đạo bộ, ngành, tổ chức Trung ương cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh. Cùng dự có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các đồng chí lão thành cách mạng ngành cao su...

Giữ gìn, phát huy truyền thống Phú Riềng Đỏ

Cách đây 90 năm, vào đêm 28/10/1929, tại Làng 3, Đồn điền Cao su Phú Riềng, thuộc địa bàn xã Thuận Lợi (nay là xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ được thành lập với sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự.

Chi bộ gồm 6 thành viên, do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm Bí thư.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc bãi công của công nhân Cao su Phú Riềng đã giành thắng lợi. Đây là cuộc bãi công lớn nhất trong số các cuộc đấu tranh của quần chúng công nhân lúc đó, gây tiếng vang trong cả nước và thế giới đã làm nên Phú Riềng Đỏ anh hùng.

Trải qua lịch sử 90 năm, Phú Riềng Đỏ là một địa danh lịch sử của đất nước, góp phần tô thắm thêm truyền thống đấu tranh cách mạng vì độc lập tự do của dân tộc. Phú Riềng Đỏ mãi mãi trở thành niềm tự hào, là trang sử vàng của nhân dân Bình Phước và của công nhân ngành cao su Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trân trọng bày tỏ lòng kính trọng đến các thế hệ cán bộ, công nhân viên lao động ngành cao su qua các thời kỳ, đã đấu tranh, bảo vệ, xây dựng và cống hiến để ngành cao su Việt Nam không ngừng phát triển, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và công cuộc đổi mới, phát triển của đất nước.

[Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam kỷ niệm 85 năm truyền thống]

Phó Thủ tướng đề nghị ban lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Bình Phước; các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và tỉnh Bình Phước tiếp tục có các việc làm kịp thời và cần thiết nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống ngành cao su; truyền thống Phú Riềng Đỏ vào sự nghiệp phát triển ngành cao su và của tỉnh Bình Phước trong thời đại mới.

Phó Thủ tưởng mong và tin rằng, các thệ hệ cán bộ, đảng viên, công nhân, lao động ngành cao su Việt Nam và tỉnh Bình Phước hiện nay và mai sau, biết tự hào, trân trọng những di sản mà các thế hệ cha anh để lại; kế thừa và cụ thể hóa những giá trị truyền thống đó vào sự nghiệp xây dựng ngành cao su Việt Nam và tỉnh Bình Phước ngày càng phát triển vững mạnh.

Xây dựng ngành cao su phát triển bền vững

90 năm qua, dù trải qua bao thăng trầm biến đổi, dòng nhựa trắng cao su - dòng chảy cuộc sống, vẫn luôn tuôn chảy, không ngừng được bồi đắp và kết tinh thành những giá trị truyền thống đặc sắc của ngành cao su, hòa vào dòng chảy của thời cuộc, của dân tộc, của đất nước, tạo thành sức mạnh trường tồn…

Có mặt tại buổi lễ, nguyên Bí thư Đảng ủy Công ty cao su Đồng Phú, Nguyễn Ngọc Sơn, hiện nay đang ở huyện Đồng Phú chia sẻ sự xúc động khi dự lễ và tự hào vì đã góp một phần công sức để xây dựng tượng đài Phú Riềng Đỏ đầu tiên cũng như tự hào có Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng.

Năm 2019 đánh dấu cột mốc 122 năm cây cao su có mặt ở Việt Nam 1897-2019. Tính đến năm 2019, Việt Nam có khoảng 1 triệu ha cao su, phân bố rộng khắp trên nhiều vùng miền của đất nước, từ Đông Nam bộ, lên Tây Nguyên, ra Duyên hải miền Trung và miền núi phía Bắc.

Hiện Bình Phước được mệnh danh là “thủ phủ” cao su cả nước với tổng diện tích hơn 220.000 nghìn ha cao su, chiếm 22% diện tích cao su toàn quốc, thuộc 7 công ty cao su nhà nước xen lẫn cao su tiểu điền.

Ngoài những lợi ích kinh tế, đóng góp ngân sách hàng đầu cho địa phương, nâng cao thu nhập và đời sống dân trí, cây cao su trên đất Bình Phước còn góp phần thực hiện việc chuyển đổi diện tích rừng nghèo kiệt, phủ xanh đất trống đồi trọc. Các doanh nghiệp cao su nhà nước trên địa bàn tỉnh hiện giải quyết việc làm cho gần 24.000 lao động.

Lĩnh vực cao su luôn đóng góp khoảng 30- 40% nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận kêu gọi toàn thể cán bộ công nhân viên chức lao động ngành cao su tự hào kế thừa truyền thống hào hùng của ngành, phát huy tinh thần Phú Riềng Đỏ, đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm lao động sản xuất; xây dựng ngành cao su phát triển bền vững, xứng đáng với công lao to lớn của các thế hệ tiền bối đã tạo dựng.

Dịp này, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho tập thể Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và tập thể Công đoàn Cao su Việt Nam.

Ngoài ra, còn có 15 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất - Nhì - Ba vì có nhiều đóng góp xuất sắc vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong đó có 1 Huân chương hạng Nhất; 5 Huân chương hạng Nhì và 9 Huân chương hạng Ba.

Chính phủ tặng Cờ Thi đua xuất sắc cho 4 tập thể thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục