Ngày 29/8, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) đã trang trọng kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam với sự tham dự của các cán bộ, nhân viên ngoại giao, cán bộ biệt phái của các Bộ, ngành đang công tác nhiệm kỳ tại phái đoàn, cùng đại diện một số cơ quan có trụ sở tại Geneva.
Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sáng lập ra nền ngoại giao của nước Việt Nam hiện đại.
Phát biểu chào mừng kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao sau nghi lễ chào cờ, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai khẳng định dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ ngoại giao đã không ngừng đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần phát triển đất nước, cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Mới đây, tại buổi gặp thân mật và làm việc với Bộ Ngoại giao về triển khai đường lối đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhân kỷ niệm 77 năm thành lập ngành Ngoại giao, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh trong môi trường đối ngoại rất phức tạp và khó lường, ngành Ngoại giao cũng đã triển khai đồng bộ, phối hợp chặt chẽ hiệu quả giữa 3 trụ cột đối ngoại, đóng góp quan trọng vào thành tựu đối ngoại và phát triển kinh tế-xã hội, củng cố cục diện và môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai điểm lại những hoạt động của Phái đoàn Việt Nam tại Geneva thời gian qua, cảm ơn các đồng chí biệt phái của các bộ, ngành đang công tác nhiệm kỳ tại Phái đoàn cùng các bộ, ngành hữu quan đã tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ đối ngoại tại địa bàn Geneva.
Các cán bộ Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đại diện cho Đảng và Nhà nước đã và đang đẩy mạnh đối ngoại của Việt Nam tại trung tâm của đối ngoại đa phương, khẳng định rõ Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Ngoại giao đã góp phần quan trọng trong việc mở rộng và đưa vào chiều sâu quan hệ đối ngoại với các nước, tham gia và đóng góp tích cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách.
Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia trên thế giới, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước; có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ; đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới; là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng…
Việt Nam đã trúng cử, chỉ định, tham gia rất nhiều cơ chế, diễn đàn của Liên hợp quốc như tái đắc cử vị trí thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2027, trúng cử vào Hội đồng chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2021-2025, được bầu vào Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), trúng cử thành viên Hội đồng Khai thác Bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới.
[77 năm ngoại giao Việt Nam: Tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân]
Thực hiện chỉ thị số 15-CT/TW về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, các cán bộ phái đoàn tại Geneva đã nỗ lực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, tích cực vận động, thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Phái đoàn đã chủ động mở rộng, làm sâu sắc hơn hợp tác khoa học-công nghệ, tiếp tục đa phương hoá, đa dạng hoá thị trường. Trong giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19, thế giới có nhiều biến động, phái đoàn tiếp tục nỗ lực đóng góp đẩy mạnh và nâng tầm sự tham gia của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương ở Geneva nói chung trên nhiều lĩnh vực như ngoại giao vaccine, ngoại giao kinh tế... được lãnh đạo và cac cơ quan chức năng ghi nhận.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai bày tỏ hy vọng tập thể các cán bộ tiếp tục phát huy tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, ý thức hơn nữa trách nhiệm của bản thân, đóng góp tích cực cho công tác đối ngoại đa phương, kết hợp với đối ngoại song phương tại địa bàn.
Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh phái đoàn tiếp tục đẩy mạnh cải tiến, tăng cường công tác cộng đồng, kết nối và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cộng đồng người Việt Nam ở Geneva và các bang nói tiếng Pháp để có hỗ trợ, phản hồi kịp thời, đồng thời vận động bà con cộng đồng hướng về quê hương, nâng cao hình ảnh văn hóa Việt Nam ở nước sở tại.
Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu cùng điểm lại chặng đường 77 năm lịch sử, cùng xem những thước phim ghi lại những mốc chính trong sự phát triển của ngành, đồng thời bày tỏ tin tưởng ngành Ngoại giao Việt Nam tiếp tục gặt hái thành công, giúp duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Nhân dịp này, Đại sứ cũng đã đọc Thư Chúc mừng của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gửi tới toàn thể cán bộ, nhân viên Ngành Ngoại giao đang công tác ở trong và ngoài nước./.