Kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên: Tự hào đại biểu dân cử

Các đại biểu của nhân dân bày tỏ niềm xúc động lớn lao và chia sẻ những suy nghĩ, mong đợi của mình về cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên: Tự hào đại biểu dân cử ảnh 1 Quang cảnh phiên họp khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I ngày 2/3/1946. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã đánh dấu sự khai sinh Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trải qua 70 năm hình thành và phát triển, Quốc hội ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Vinh dự và tự hào về Thủ đô, Nhà Quốc hội dự ngày hội lớn của dân tộc, các đại biểu của nhân dân đã bày tỏ niềm xúc động lớn lao và chia sẻ những suy nghĩ, mong đợi của mình về cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Tự hào là đại biểu dân cử, ông Nguyễn Viết Chức bộc bạch, kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên là một ngày vô cùng đặc biệt trong lịch sử Việt Nam.

“Tôi nhớ ngày đi bầu cử Quốc hội, Bác Hồ đã có bài viết trên Báo Cứu quốc với tiêu đề "Ngày mai là một ngày sung sướng." Có nghĩa cách đây 70 năm, ngày này là một ngày rất hạnh phúc. Bởi, chúng ta bầu cử ra Quốc hội trong điều kiện đất nước vô cùng khó khăn. Sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 thì 3/9 là ngày Chính phủ lâm thời họp. Với tư cách là Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Bác Hồ đã đề nghị Tổng tuyển cử càng sớm càng tốt. Tổng tuyển cử thì người dân mới thực hiện được quyền của mình, quyền bầu ra những người đại diện cho mình. Tổng tuyển cử đã diễn ra thắng lợi. Cuộc bầu cử ấy đã bầu ra Quốc hội đại diện cho một Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, khẳng định một ý chí, nguyện vọng, mục tiêu cao cả là đất nước, Chính phủ, Nhà nước đều của dân, do dân và vì dân,” ông Chức chia sẻ.

Ông Nguyễn Viết Chức đánh giá Quốc hội Việt Nam đến nay đã trải qua 13 khóa với rất nhiều đổi mới, từ việc tổ chức cho đến hoạt động. Quốc hội đã thực hiện tốt các chức năng của mình là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Qua đó, nhân dân ngày càng hiểu hơn vai trò của Quốc hội và có trách nhiệm hơn trong việc lựa chọn, bầu ra những người đại diện xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng của mình.

“Đây chính là những cái mới, tích cực, nhất là gần đây Quốc hội khóa XIII đã tổ chức tốt các kỳ họp. Mặt khác, nhân dân hiểu đã hiểu hơn về Quốc hội và đại biểu cũng thấy trách nhiệm của mình nặng nề hơn. Cho nên muốn đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đòi hỏi đại biểu Quốc hội phải có trình độ, có tâm, có tầm và trách nhiệm,” ông Chức nhấn mạnh.

Xúc động trở về ngôi Nhà Quốc hội tham dự cuộc gặp mặt đại diện các thế hệ đại biểu Quốc hội về tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước, ông Ngô Quang Xuân chia sẻ: "Chúng tôi là những đại biểu Quốc hội, ai cũng đều biết rằng, ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên được tổ chức và khóa I Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa bầu được 333 đại biểu. Đến nay, tổng số đại biểu Quốc hội qua XIII khóa đã là 5.976 đại biểu."

Vinh dự là đại biểu của dân cử, ông Xuân cho biết nhìn lại quá trình phát triển từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, sau đó là Hiến pháp đầu tiên do Quốc hội thông qua năm 1946, nội dung đó vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. 70 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã thực hiện tốt chức năng của mình, đó là lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Đồng thời, Quốc hội làm tốt công tác ngoại giao, đối ngoại Nghị viện.

“Chúng ta biết rằng khi thông qua Hiến pháp năm 1946, nước Việt Nam xuất hiện trên bản đồ thế giới. Công sức của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân qua 13 khóa Quốc hội đã góp phần tô đậm màu cờ, sắc áo của hình ảnh đất nước trên bản đồ thế giới. Đặc biệt, năm 2015, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) 132 đã diễn ra tại ngôi nhà mới của Quốc hội. Đại hội đã đi vào lịch sử của ngoại giao Nghị viện bởi vì chúng ta đã được cả thế giới thống nhất "Tuyên bố Hà Nội" như là cam kết của tất cả các nghị sĩ, đại biểu của dân cử, thành viên Liên minh Nghị viện quốc tế," ông Xuân nhấn mạnh.

Đại biểu mong muốn thời gian tới, Quốc hội tiếp tục đổi mới, xứng đáng là một cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp cách mạng mới. “Trong thời kỳ hội nhập, cơ hội và thách thức rất rõ, những vấn đề chúng ta chưa đạt được vẫn còn nhiều do đó sự đóng góp của Quốc hội ngày càng trở thành quan trọng. Bởi vì hệ thống luật pháp của chúng ta đã được đề cao nhưng còn chưa hoàn thiện, đặc biệt những biện pháp thực thi bộ luật hay các quy định về luật pháp cả trong xã hội và phát triển kinh tế bền vững vẫn còn là khoảng cách,” đại biểu phân tích.

Bà Phạm Thị Trân Châu tâm sự: “Tôi rất vui khi được gặp lại các đại biểu Quốc hội, nhất là những người cùng khóa. Tôi cảm thấy rất thân thiết như người trong nhà xa nhau rất lâu bây giờ mới gặp lại. Trước khi là đại biểu Quốc hội, tôi nghĩ đây là đợt sinh hoạt chính trị gì đó, nhưng sau khi trở thành đại biểu của đoàn Hà Nội và công tác ở Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường, thấy môi trường đó cũng như môi trường mình đang sống. Vì vậy, tôi thích nghi nhanh và có những tình cảm rất tốt đẹp đối với các đại biểu Quốc hội thời bấy giờ.”

Đại biểu Châu mong muốn Quốc hội khóa tới sẽ tiếp tục lựa chọn được những đại biểu ưu tú, xuất sắc, hoàn thành được nhiệm vụ mà nhân dân tin tưởng, giao phó. Quốc hội cần tổ chức bồi dưỡng thêm kiến thức về luật pháp cho đại biểu, để không ngừng nâng cao chất lượng công tác lập pháp, phục vụ nhân dân và đất nước ngày một hiệu quả hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục