Kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

Với những đóng góp và cống hiến khoa học to lớn, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý.
Kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Sáng 2/12, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (2/12/1953-2/12/2013).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Tham dự lễ kỷ niệm có ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan, ban, ngành Trung ương và nhiều địa phương trong cả nước; đại diện các đơn vị trực thuộc cùng đông đảo các nhà khoa học, cán bộ, công chức, viên chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam qua các thời kỳ.

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã đọc diễn văn ôn lại quá trình 60 năm thành lập và phát triển của Viện.

Ngày 2/12/1953, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đang ở giai đoạn quyết liệt, với tầm nhìn xa rộng, chuẩn bị cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước sau hòa bình, Đảng ta đã quyết định thành lập Ban nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn học (tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ngày nay), đặt nền móng cho sự hình thành, xây dựng và phát triển nền khoa học xã hội của nước nhà.

Đến nay, hệ thống tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tương đối hoàn chỉnh với 35 viện và trung tâm nghiên cứu chuyên ngành, tạp chí, nhà xuất bản, bảo tàng, học viện... với đội ngũ cán bộ nghiên cứu gần 2.000 người.

Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ khoa học, viên chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tập trung nghiên cứu những vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách về lý luận và thực tiễn của đất nước; tổng kết thực tiễn góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công cuộc đổi mới đất nước.

Viện đã đẩy mạnh nghiên cứu và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần nâng cao dân trí, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ và nhân dân. Quan hệ hợp tác nghiên cứu của Viện Hàn lâm với các ban, bộ, ngành, tỉnh, thành phố trong cả nước cũng như với các nước và tổ chức quốc tế không ngừng được mở rộng.

Đến nay, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã có quan hệ hợp tác nghiên cứu, đào tạo cán bộ, trao đổi thông tin khoa học với hơn 50 nước và các tổ chức khoa học xã hội trên thế giới. Viện đã công bố hàng chục nghìn công trình, bài báo khoa học trên các tạp chí trong và ngoài nước, hơn 7.000 đầu sách, trong đó có 20 công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 24 công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước.

Nhiều công trình khoa học khác là các nguồn tri thức căn bản, chỉ dẫn và định hướng các hoạt động kinh tế-xã hội, giải quyết các vấn đề thực tiễn, thúc đẩy xã hội vận động theo chiều tốt đẹp, mở mang dân trí, làm phong phú đời sống tinh thần xã hội...

Với những đóng góp và cống hiến khoa học to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Viện đã vinh dự được trao tặng những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước như Huân chương Độc lập Hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng.

Tuy nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vẫn còn một số mặt hạn chế. Nhiều vấn đề lý luận về phát triển, nhất là các vấn đề mới nảy sinh trong bối cảnh mới vẫn chưa được kiến giải một cách đầy đủ và thuyết phục... Sản phẩm nghiên cứu tuy nhiều về số lượng, nhưng còn ít những công trình có giá trị cao về lý luận và thực tiễn; đội ngũ các nhà khoa học chủ chốt vẫn còn mỏng, mức đầu tư cho nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu còn thấp so với yêu cầu, đồng thời còn dàn trải...

Trước yêu cầu phát triển của thời kỳ mới, khoa học xã hội trở thành công cụ không thể thiếu của mọi chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển. Bởi vậy, Viện tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản, cung cấp luận cứ khoa học trong xây dựng chiến lược phát triển và tham mưu chính sách cho Đảng, Nhà nước; tiếp tục làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cho cả nước; có những công trình nghiên cứu trọng điểm có giá trị cao để khẳng định vai trò, uy tín và tầm ảnh hưởng của Viện đối với đời sống khoa học nước nhà...

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những kết quả, thành tích và đóng góp quan trọng của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam qua các thời kỳ. Viện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, xứng đáng là một cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội đầu ngành của cả nước.

Tuy nhiên, bối cảnh tình hình trong nước và thế giới đang đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với khoa học xã hội và nhân văn; nhiều vấn đề lý luận cơ bản về sự phát triển của đất nước đang cần tiếp tục được làm sáng tỏ, cần có câu trả lời chính xác, trước hết là từ những người làm công tác khoa học xã hội.

Tổng Bí thư chỉ rõ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cần tiếp tục phát huy truyền thống và thành tích đã đạt được trong 60 năm qua, đổi mới toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện tốt chức năng là cơ quan nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội.

Viện cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu các lĩnh vực cụ thể, chuyên ngành của khoa học xã hội, kết hợp nghiên cứu cơ bản, hàn lâm với nghiên cứu triển khai, ứng dụng; nghiên cứu đa ngành và nghiên cứu liên ngành; nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng, từ kinh tế, chính trị, triết học, lịch sử, văn hóa đến đất nước, con người, dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, văn học... làm sáng tỏ những vấn đề chưa rõ hoặc do thực tiễn mới đặt ra, làm cơ sở cho việc giáo dục, nâng cao nhận thức, định hướng tư tưởng, bồi dưỡng tình cảm đúng đắn cho toàn dân; chú trọng nghiên cứu dự báo xu hướng phát triển, thể hiện tầm nhìn xa; kết hợp nghiên cứu các vấn đề ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đến năm 2030, năm 2050.

Trước mắt, Viện cần tham gia tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn 30 năm đổi mới do Bộ Chính trị giao; tập trung vào các vấn đề: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển văn hóa, xây dựng con người; giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường; chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát huy dân chủ, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại...

Đặc biệt, Viện cần tập trung làm rõ và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn được nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011; đồng thời khẳng định, bảo vệ những quan điểm đúng đắn; uốn nắn những nhận thức lệch lạc; phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch. Đây không chỉ là nhiệm vụ khoa học mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặt ra đối với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Bên cạnh đó, Viện cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác xuất bản, thông tin, truyền thông khoa học xã hội; công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng, phát triển một đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học xã hội vừa hồng, vừa chuyên, vừa có hiểu biết rộng, sâu, vừa có tính nhân văn, óc thực tiễn, đủ sức giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đặt ra, vừa là những nhà khoa học có tài năng, đồng thời có ý thức trách nhiệm công dân cao, và hơn thế là người chiến sỹ trên mặt trận chính trị, tư tưởng, văn hóa.

Tổng Bí thư lưu ý Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cần quan tâm xây dựng môi trường làm việc dân chủ, đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương; thật sự phát huy tự do sáng tạo trên cơ sở phương pháp luận biện chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm cơ bản của Đảng, đồng thời phải tuân thủ pháp luật của Nhà nước.

Tổng Bí thư nhấn mạnh nghiên cứu khoa học xã hội là công việc rất khó và nhạy cảm, đòi hỏi mỗi người phải hết sức tâm huyết, say mê, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe, học hỏi và tôn trọng lẫn nhau.

Lãnh đạo Viện phải có kế hoạch đổi mới mạnh mẽ tổ chức và cơ chế hoạt động của Viện, thường xuyên chăm lo xây dựng cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc; chăm lo bảo đảm đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, có chính sách, biện pháp thu hút các nhà khoa học có trình độ cao ở trong và ngoài nước, trọng dụng nhân tài, tạo sức mạnh tổng hợp để đưa nền khoa học xã hội Việt Nam tiến lên một bước mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục