Kỷ niệm 30 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO tôn vinh

Triển lãm "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất" diễn ra tại Phủ Chủ tịch, trưng bày 250 ảnh, tư liệu quý khắc họa hình ảnh của vị Lãnh tụ vĩ đại.
Kỷ niệm 30 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO tôn vinh ảnh 1 Đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến xem triển lãm. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 24/11, tại Hà Nội, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tới dự và cắt băng khai mạc triển lãm "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất."

Triển lãm trưng bày 250 ảnh, tư liệu về 3 nội dung: "Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc"; "Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất"; "Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại".

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện nhân kỷ niệm 30 năm Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ra Nghị quyết C24/18.65 tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh( 20-21/11/1987 đến 11/2017).

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá nghị quyết của UNESCO có giá trị lớn lao, thể hiện sự ghi nhận của thế giới, Liên hợp quốc với những giá trị cao đẹp của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cao quý, xuất sắc nhất.

Đây là nguồn cổ vũ lớn lao, biểu hiện của tình cảm bạn bè quốc tế với Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, phấn đấu vì những giá trị chung cao đẹp của nhân loại tiến bộ.

Kỷ niệm 30 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO tôn vinh ảnh 2Các đại biểu tham quan triển lãm. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

[Triển lãm về danh nhân văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh tại Pháp]

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh với khát vọng "không có gì quý hơn độc lập, tự do", sự cống hiến về tư tưởng, thực tiễn chiến đấu giành độc lập cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần giải phóng các dân tộc bị áp bức, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, đặt nền tảng quan trọng cho sự hình thành tư tưởng về bình đẳng giữa các dân tộc...

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nhà văn hóa kiệt xuất, nhà giáo dục lớn của nhân dân Việt Nam với cống hiến lớn lao trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng và giáo dục các thế hệ con người Việt Nam mới, giúp nhân dân Việt Nam ai cũng được học hành, từng bước nâng cao trình độ văn hóa của cả dân tộc. Sự nghiệp đó gắn liền với sự nghiệp vĩ đại giải phóng dân tộc của Người, luôn hướng về con người, hướng về dân tộc, phục vụ Tổ quốc và nhân dân.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nan sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, góp phần vào nỗ lực của cộng quốc tế vì hoà bình, phát triển bền vững...

Việt Nam cũng sẽ nỗ lực góp phần vào sự phát triển các giá trị chung quý báu của nhân loại, tìm kiếm các giải pháp phù hợp trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng, phát triển cùng có lợi.

Việt Nam cam kết cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy thực hiện đầy đủ, hiệu quả Hiến chương của Liên hợp quốc, Hiến chương của UNESCO, cùng thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững và các mảng công tác quan trọng của UNESCO. Những việc làm này đều thiết thực, phù hợp với nguyện vọng, lợi ích chung của nhân dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế, với tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Nguyễn Văn Công, cho biết trong số các tài liệu được triển lãm lần này, có những tài liệu quý đã được Khu di tích lưu giữ và sưu tầm.

Triển lãm góp phần tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hơn nữa về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến với khách tham quan trong và ngoài nước khi đến thăm Khu di tích Phủ Chủ tịch, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị...

Kỷ niệm 30 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO tôn vinh ảnh 3Du khách trong nước và quốc tế đến xem triển lãm. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 30 năm UNESCO ra Nghị quyết C24/18.65 tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh còn diễn ra toạ đàm quốc tế "Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân thế giới".

Các tham luận tại toạ đàm đã làm rõ hơn về con người, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò của Người với tiến trình phát triển của nhân loại; đã nêu bật tình cảm của nhân dân thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tọa đàm cũng giúp các đại biểu ôn lại sự kiện ra đời Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO và các hoạt động dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/1990) ở Việt Nam và thế giới.

Khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 tại Paris, Pháp từ ngày 20/10-20/11/1987 đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là "Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất" vào năm 1990.

Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO là một văn kiện đặc biệt của Liên hợp quốc - tổ chức đại diện cho trí tuệ và lương tri của nhân loại nhằm tổ chức kỷ niệm, tưởng nhớ về những nhân vật "đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại"

Triển lãm "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất" diễn ra đến hết ngày 10/12/2017 tại Đường Xoài, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục