Kỷ niệm 231 năm Chiến thắng Đống Đa: Vang mãi mùa Xuân huyền thoại

Trận Ngọc Hồi-Đống Đa đại thắng đã khẳng định tài cầm quân và nghệ thuật quân sự tài ba của Hoàng đế Quang Trung, mãi là bản anh hùng ca bất hủ của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Kỷ niệm 231 năm Chiến thắng Đống Đa: Vang mãi mùa Xuân huyền thoại ảnh 1Tiết mục 'Những mùa Xuân huyền thoại' tại chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 231 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử (1789-2020). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tối 29/1 (tức mùng 5 Tết Nguyên đán Canh Tý), tại Công viên văn hóa Tao Đàn, Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 231 năm Chiến thắng Đống Đa lịch sử (1789-2020) với chủ đề “Vang mãi những mùa Xuân huyền thoại."

Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo cùng đông đảo người dân, du khách...

Tại lễ kỷ niệm, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, đã ôn lại chiến công lẫy lừng của binh sỹ nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của người Anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ, đã đắp bồi thêm trang sử vẻ vang của dân tộc quật cường, bất khuất.

Đó là mùa Xuân năm Kỷ Dậu (năm 1789), Hoàng đế Quang Trung cùng nghĩa quân Tây Sơn tổng tiến công đánh vào các đồn địch, phá hủy các chiến lũy và toàn bộ trận địa phòng thủ của quân Mãn Thanh, giải phóng Kinh thành Thăng Long.

Trận Ngọc Hồi-Đống Đa đại thắng đã khẳng định tài cầm quân và nghệ thuật quân sự tài ba của Hoàng đế Quang Trung, mãi là bản anh hùng ca bất hủ của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

"Những bước tiến thần tốc, táo bạo đã làm nên chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa năm xưa thì nay cũng với tinh thần táo bạo-thần tốc-thần tốc hơn nữa trên mọi mặt của đời sống kinh tế-văn hóa-giáo dục-xã hội đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lĩnh hội, triển khai, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu và 7 chương trình hành động của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố. Chất lượng tăng trưởng của kinh tế-xã hội Thành phố, chỉ số thông minh, sức sáng tạo của chính quyền, của thành phố thông minh… cùng hướng đến mục đích cuối cùng vì chất lượng sống tốt, bình yên, sung túc và hạnh phúc của nhân dân," bà Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.

[Tái hiện bản hùng ca lịch sử chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa]

Theo bà Tô Thị Bích Châu, năm 2020, năm hội tụ của nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, của thành phố, cũng là năm mang chủ đề năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Việc khởi động năm mới bằng chương trình kỷ niệm ngày chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi - Đống Đa cũng là khơi thông, tiếp nối dòng chảy văn hóa từ đất võ Tây Sơn đến ngàn năm văn hiến Thăng Long, từ chủ nghĩa anh hùng đến chủ nghĩa yêu nước và tinh thần đại đoàn kết của cả dân tộc.

"Trước và sau 231 năm, hào khí của ngày mùng Năm Tết Kỷ Dậu vẫn không thôi thúc giục. Đất nước và thành phố vào Xuân, tiết trời cũng như lòng người đang tràn ngập niềm hân hoan, hy vọng và tin tưởng. Tin tưởng vào sự lãnh đạo, dẫn dắt trong suốt 90 mùa Xuân của Đảng Cộng sản Việt Nam, tin tưởng vào ý chí, vào nỗ lực hành động với những bước đi bài bản, căn cơ, chắc chắn, đảm bảo hiệu quả phục vụ nhân dân của toàn thế hệ thống chính trị," bà Tô Thị Bích Châu khẳng định.

Kỷ niệm 231 năm Chiến thắng Đống Đa: Vang mãi mùa Xuân huyền thoại ảnh 2Một tiết mục ca cảnh tại chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 231 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử (1789-2020). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chương trình sân khấu hóa “Vang mãi những mùa Xuân huyền thoại” đã tái hiện chiến công oanh liệt của người Anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn cách đây 231 năm, lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam gồm 13 cảnh.

Khởi đầu là ca khúc "Những mùa Xuân huyền thoại"; ca cảnh "Dưới cờ Tây Sơn," "Tây Sơn song đao"; nhạc múa "Thủy quân Tây Sơn"; ca cảnh "Đắc nhân tâm," "Tâm đức anh hùng"; ca cảnh "Tiếng sóng Gạch Rầm"; trích đoạn "Trống lệnh Tây Sơn"; ca cảnh "Khải hoàn ca," "Sắc thắm mai đào"; ca khúc "Vững bền một cõi non sông"

Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa khẳng định tinh thần đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường, là bản hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước vĩ đại của dân tộc.

Chương trình sân khấu hóa Chiến thắng Đống Đa lịch sử còn là hoạt động thường niên nhằm giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ tích cực học tập, lao động sáng tạo, góp phần xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục