Kỷ niệm 20 năm ghép tế bào gốc tạo máu đầu tiên tại Việt Nam

Hiện nay, trên toàn quốc có chín trung tâm thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu và đã thực hiện được 445 ca ghép tế bào gốc tạo máu.
Sàng lọc máu tại Ngân hàng tế bào gốc của Bệnh viện Truyền máu-Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Tối 21/8, tại thành phố Đà Nẵng, Hội Truyền máu Huyết học thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Truyền máu-Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm 20 năm ghép tế bào gốc tạo máu đầu tiên tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh trong những năm qua, ngành y tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, trong đó việc ứng dụng các kỹ thuật mới của các nước tiên tiến trên thế giới trong chẩn đoán và điều trị nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và là điểm sáng của ngành y tế Việt Nam.

Việc nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong y học đã và đang mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp mang lại cơ hội cho nhiều bệnh nhân hiểm nghèo, bệnh nhân bị bệnh máu ác tính. Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị triệt để nhất hiện nay, là cơ hội duy nhất giúp bệnh nhân bệnh máu ác tính, cũng như lành tính có thể khỏi bệnh và có cuộc sống bình thường.

Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu trong thời gian tới Bệnh viện Truyền máu-Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương... cần tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trên thế giới để trao đổi kinh nghiệm trong việc ứng dụng và nghiên cứu tế bào gốc trong điều trị bệnh nhân.

Thứ trưởng tin tưởng trong thời gian tới, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc tại Việt Nam sẽ phát triển, tiến bộ hơn nữa, mở ra cơ hội sống cho những bệnh nhân hiểm nghèo, bệnh nhân bị bệnh máu ác tính.

Tại Việt Nam và các nước trên thế giới, các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc xuất hiện sớm, nhất là trong lĩnh vực huyết học-truyền máu.

Tại Việt Nam, tháng 7/1995, dưới sự chủ trì của phó giáo sư Trần Văn Bé tại Bệnh viện Truyền máu-Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công ghép tế bào gốc tủy xương đầu tiên tại Việt Nam. Kết quả này đã đặt nền móng cho việc phát triển hoạt động ghép tế bào gốc máu ngoại vi, tế bào gốc máu cuống rốn trên phạm vi cả nước.

Hiện nay, trên toàn quốc có chín trung tâm thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu và đã thực hiện được 445 ca ghép tế bào gốc tạo máu; trong đó Bệnh viện Truyền máu-Huyết học thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện được 185 ca.

Bác sỹ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu-Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thành công của phương pháp điều trị bằng ghép tế bào gốc tạo máu mang một ý nghĩa xã hội to lớn là đã giúp nhiều gia đình có người thân mắc bệnh máu nan y trở thành người thật sự khỏe mạnh, có đời sống sinh hoạt bình thường, vẫn có thể tham gia lao động, cống hiến cho xã hội.

Tuy nhiên, việc ghép tế bào gốc tạo máu ở Việt Nam đang gặp một số khó khăn như cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo cho việc áp dụng kỹ thuật này rộng rãi; chi phí thực hiện một ca ghép còn khá cao, bảo hiểm y tế chưa tham gia chi trả cho dịch vụ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục