Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương nhận định: "Có thể nói, họa sỹ Hoàng Tích Chù là một trong những người khởi đầu cho nền nghệ thuật hội họa sơn mài Việt Nam từ khi ông học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tình yêu với nghệ thuật sơn mài đã song hành cùng người họa sỹ tài hoa Hà Nội suốt cả cuộc đời. Ông đã có những tìm tòi, sáng tạo trong việc cách tân sử dụng màu sắc, bố cục để phát triển nghệ thuật hội họa sơn mài truyền thống Việt Nam."
Ông Chương nhận xét tranh sơn mài của họa sỹ Hoàng Tích Chù đã góp phần phán ánh vẻ đẹp đất nước, cuộc sống con người Việt Nam, cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh với tình cảm trong sáng, dung dị. Họa sỹ Hoàng Tích Chù là một trong số ít họa sỹ nổi tiếng ở thể loại tranh sơn mài. Không những thế, ông đã đào tạo nhiều thế hệ học trò về nghệ thuật sơn mài, nay đã trở thành những họa sỹ tên tuổi...
Họa sỹ Hoàng Tích Chù theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 11 (1936-1941) cùng với các họa sỹ như Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Văn Tỵ, Bùi Trang Chước... Mới học năm thứ 2, ông đã nhận giải thưởng sang Campuchia sáng tác, tác phẩm ra đời trong thời điểm đó cũng được giải thưởng Ăngco.
Trong thời gian đi học ông cũng tham gia các hoạt động cách mạng. Sau khi tốt nghiệp, ông đã mở xưởng vẽ sơn mài ở Hà Nội, và tham gia khá nhiều triển lãm với nhiều tác phẩm, trong đó có bức bình phong sơn mài "Cảnh chùa Thầy" (1943), hiện tác phẩm này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bức tranh này được thể hiện theo lối trang trí và màu sắc sơn mài truyền thống như then, cánh dán, vàng, bạc.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, hòa trong không khí cách mạng, ông đã tham gia triển lãm do Hội văn hóa cứu quốc Việt Nam tổ chức với tác phẩm sơn dầu "Hoa đăng," vẽ 4 cô gái Hà Nội với những chiếc đèn lồng, vui mừng phấn khởi chuẩn bị cho ngày lễ độc lập. Sau đó họa sỹ Hoàng Tích Chù tham gia Hội văn hóa cứu quốc và sáng tác tranh cổ động "Độc lập hay là chết;" kỷ niệm một năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào năm 1946, ông đã gửi tác phẩm "Nữ sinh cắp tráp" và "Vịnh Hạ Long" dự triển lãm mỹ thuật tháng Tám và giành được giải thưởng của Chính phủ cùng với họa sỹ Trần Văn Cẩn, nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim.
Năm 1946, họa sỹ Hoàng Tích Chù cùng họa sỹ Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Tỵ được Nhà nước giao thành lập trường Cao đẳng mỹ thuật đầu tiên của Việt Nam nhưng sau đó toàn quốc kháng chiến bùng nổ nên ông cùng nhiều văn nghệ sỹ khác lên chiến khu Việt Bắc, sau đó phụ trách vẽ tranh cho Ủy ban chiến khu hành chính khu 12 và các lớp học vẽ, xưởng vẽ tuyên truyền...
Khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, họa sỹ Hoàng Tích Chù đã sáng tác rất nhiều tranh sơn mài, sơn dầu, tham dự nhiều cuộc triển lãm trong nước, quốc tế và giành được nhiều giải thưởng. Nổi bật trong số các tác phẩm của ông là bức "Tổ đổi công cấy lúa" sáng tác năm 1958, ở tác phẩm này, ông đã tìm ra một gam màu mới, gần với thiên nhiên đó và hiện thực mà hội họa sơn mài thời kỳ đó đang thử nghiệm.
Trong "Tổ đổi công cấy lúa" công chúng có thể thấy nền trời màu lam nhẹ, trong vắt, có vài đám mây trắng, khóm tre nhuộm ánh vàng, vúi và nước màu ghi xanh phản ánh nền trời, các cô gái Thái đang cấy lúa, người mặc áo xanh, người mặc áo trắng hòa với khung cảnh đồi núi...
Với khám phá mới này, họa sỹ Hoàng Tích Chù đã giành được Giải Nhất triển lãm mỹ thuật quốc tế tại Ấn Độ. Tác phẩm "Tổ đổi công cấy lúa" cùng với 3 tác phẩm khác sơn mài của của họa sỹ Hoàng Tích Chù là "Bác Hồ trồng cây với thiếu nhi" (1971), "Mùa gặt" (1970), "Đêm hậu cứ" đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2.../.