Kỷ niệm 100 năm Musée Khải Định-Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện là nơi lưu giữ, trưng bày hơn 11.000 hiện vật, trong đó có 8 hiện vật/bộ hiện vật với 33 hiện vật đơn lẻ được Thủ tướng công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Kỷ niệm 100 năm Musée Khải Định-Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế ảnh 1Đỉnh bạc niên hiệu Khải Định thứ 1, năm 1916 trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Sáng 24/8, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Musée Khải Định-Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Ôn lại quá trình hình thành và phát triển từ Musée Khải Định đến Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết ngày 17/8/1923, Hoàng đế Khải Định đã ban hành chỉ dụ cho phép thành lập ở kinh đô Huế một bảo tàng, lấy tên là Musée Khải Định.

Trong chỉ dụ, Hoàng đế Khải Định ghi rõ: “Tài năng của một dân tộc đều được thể hiện bằng những sản phẩm mỹ thuật, chúng là sự phản ánh đời sống xã hội, lễ nghi chính trị của dân tộc đó và là hình ảnh linh hồn của dân tộc đó.” Đây là dấu mốc cho sự ra đời của Musée Khải Định, một trong những bảo tàng được thành lập sớm nhất tại Việt Nam.

Trải qua biến thiên của lịch sử, Bảo tàng đã nhiều lần thay đổi tên gọi. Tháng 8/1945, vua Bảo Đại thoái vị, Bảo tàng Khải Định trực thuộc sự quản lý điều hành của Ủy ban Hành chính Trung Bộ.

[Kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO vinh danh]

Đầu năm 1947, thực dân Pháp tái chiếm thành phố Huế, Bảo tàng Khải Định được đổi tên thành Tàng Cổ Viện và trực thuộc sự quản lý của Viện Văn hóa Trung Việt.

Từ năm 1958, bảo tàng đổi tên thành Viện Bảo tàng Huế. Từ năm 1979 đổi tên thành Bảo tàng Cổ vật Huế; từ năm 1995 đổi tên thành Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế.

Từ năm 2007 đến nay, Bảo tàng đổi tên thành Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, trực thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Kỷ niệm 100 năm Musée Khải Định-Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế ảnh 2Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung phát biểu tại buổi lễ. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Thừa Thiên-Huế)

Trong 143 năm tồn tại, triều Nguyễn đã để lại trên vùng đất Huế hệ thống thành quách, cung điện, đền đài, lăng tẩm, cùng với đó là hệ thống cổ vật phản ánh đầy đủ các mặt của đời sống cung đình thời Nguyễn.

Hiện nay, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là nơi lưu giữ, bảo quản và trưng bày hơn 11.000 hiện vật, trong đó có 08 hiện vật/bộ hiện vật với 33 hiện vật đơn lẻ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Phần trưng bày chính của Bảo tàng được tổ chức tại điện Long An đem đến cho du khách một cái nhìn tổng quan về đời sống của Hoàng gia triều Nguyễn.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương đánh giá cao những nỗ lực bảo tồn và những kết quả đạt được của các thế hệ lãnh đạo, viên chức của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong thời gian qua.

Để hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong thời gian tới đạt những thành tựu nổi bật hơn, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục lựa chọn đơn vị, cá nhân đủ năng lực, kinh nghiệm tư vấn phương án thiết kế bảo tàng theo hướng khoa học, hiện đại, kiến trúc phải có sự kế thừa truyền thống, hài hòa với tổng thể Di tích Cố đô Huế theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

“Không gian trưng bày và bảo quản của Bảo tàng đang gặp nhiều khó khăn nên công tác phát huy giá trị di sản còn hạn chế. Trong chuyến làm việc tại Huế vào tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã khảo sát tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và đã giao tỉnh phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, lập dự án cho Bảo tàng. Đây là cơ sở quan trọng trong việc phát huy giá trị những cổ vật, hiện vật mà bảo tàng đang lưu giữ; cũng như từng bước đồng bộ, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa của địa phương, góp phần xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế theo định hướng Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.”

Kỷ niệm 100 năm Musée Khải Định-Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế ảnh 3Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Thừa Thiên-Huế)

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác giáo dục di sản, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh gắn với việc đổi mới nội dung, phương pháp để phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cần thực hiện tốt công tác bảo vệ, số hóa hiện vật và nghiên cứu phát huy giá trị của cổ vật; đồng thời tăng cường giao lưu hợp tác với các bảo tàng, các nhà sưu tầm cổ vật trong và ngoài nước để tổ chức trưng bày, triển lãm nhằm quảng bá hình ảnh Di sản Văn hóa Huế nói chung và cổ vật của Bảo tàng nói riêng đến với du khách.

Kỷ niệm 100 năm Musée Khải Định-Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế ảnh 4Những chiếc ấn bạc mạ vàng niên hiệu Khải Định. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Musée Khải Định- Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, có nhiều cá nhân hiến tặng tài liệu, cổ vật cho bảo tàng như ông Trần Đức Anh Sơn (nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), ông Trần Đình Hằng (Phân viện trưởng, Phân viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia tại Huế), ông Nghiêm Giang Anh (Hà Nội), ông Đặng Văn Luyện (hậu duệ của vua Hàm Nghi, Hoa Kỳ), bà Hồ Hải Hà (Nghệ An), ông Nguyễn Hữu Hoàng (Huế), ông Lê Gia (Huế), ông Mai Bá Thiện (Huế), ông Trần Quang Minh Tân (Thành phố Hồ Chí Minh), ông Hồ Vĩnh (Huế), ông Nguyễn Thanh Nam (Hà Nội), ông Trần Đình Nam (Hưng Yên).

Dịp này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương cũng đã tặng bằng khen cho tập thể có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Cố đô Huế; các cá nhân đã có thành tích trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá và có thành tích trong công tác đảm bảo an ninh văn hóa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục