Lịch trình chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật đã được điều chỉnh lùi lại một tuần, tới ngày 16/4.
Dư luận Nhật Bản cho rằng đây là một sự kiện quan trọng, một dấu mốc mới trong quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật.
Trang mạng gendai.ismedia.jp ngày 1/4 cho rằng nguyên nhân sâu xa khiến Chính quyền tân Tổng thống Joe Biden đặc biệt coi trọng đồng minh Nhật Bản là quan hệ đồng minh này có thể giúp củng cố mạng lưới bao vây kiềm chế Trung Quốc.
Sau khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, một loạt các hoạt động ngoại giao song phương, đa phương của các lãnh đạo, quan chức cấp cao hai nước Mỹ-Nhật đã diễn ra.
[Chủ đề chính cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nhật trong tháng 4]
Trong số các hoạt động này phải kể đến Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Nhóm Bộ tứ gồm Mỹ-Nhật-Ấn Độ-Australia, Đối thoại chiến lược ngoại giao, quốc phòng (Đối thoại chiến lược 2+2) giữa Mỹ và Nhật Bản.
Đỉnh điểm của chuỗi lịch trình ngoại giao đó là chuyến thăm Mỹ và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật vào giữa tháng Tư này.
Việc Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ là chính khách nước ngoài cao nhất đầu tiên đến thăm Nhà Trắng cũng đã cho thấy mức độ coi trọng của chính quyền Tổng thống Biden đối với Nhật Bản.
Chính sách đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Dư luận đánh giá đây là sự kết hợp tốt nhất giữa chiến lược của hai nước Mỹ-Nhật, khi mà chính quyền ông Biden không ít lần công khai khẳng định đường lối ngoại giao đặt trọng tâm là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Vừa qua, bằng cách kết hợp hài hòa giữa nhiều hình thức trao đổi ý kiến cấp cao trực tuyến và gặp trực tiếp, Nhật Bản và Mỹ đã cho thấy họ không chỉ là đồng minh quan trọng mà còn là đối tác phù hợp để hiện thực hóa chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đương nhiên trong tính toán chiến lược của cả Mỹ và Nhật Bản thì đằng sau chiến lược này là mục tiêu kiềm chế một Trung Quốc đang gia tăng “những hành động không phù hợp với trật tự quốc tế”- một cách diễn giải được sử dụng trong Tuyên bố chung Đối thoại chiến lược 2+2 giữa hai nước.
Khuôn khổ hợp tác Nhóm Bộ tứ được kỳ vọng sẽ là trung tâm của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó Nhật Bản là hạt nhân.
Mỗi thành viên của Nhóm Bộ tứ đều có những vấn đề nghiêm trọng với Trung Quốc, bao gồm cả sức ép kinh tế của Bắc Kinh đối với Australia.
Cấp độ đối thoại của Nhóm Bộ tứ đã nâng từ cấp Ngoại trưởng thời kỳ Chính quyền cựu Tổng thống Trump lên cấp nguyên thủ vào thời kỳ chính quyền ông Biden và kỳ vọng rất lớn vào tương lai phía trước.
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm Bộ tứ lần này cũng ghi nhận những thành quả tích cực như thành lập cơ quan làm việc chung về vấn đề vaccine ngừa COVID-19, công nghệ mới và biến đổi khí hậu, báo hiệu xu hướng cơ chế hóa hợp tác giữa bốn nước.
Điểm quan trọng nhất để có thể duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực là một quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật có khả năng răn đe và đối phó.
Để làm rõ ý tưởng này, Chính quyền ông Biden đã chọn Nhật Bản là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của quan chức hai bộ, quan trọng nhất là Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng.
Nếu nhìn vào Đối thoại chiến lược 2+2 Mỹ-Nhật, nổi bật nhất chính là lời chỉ trích đích danh nhằm vào Trung Quốc. Trong đối thoại lần trước, cụm từ được sử dụng là “cạnh tranh địa chính trị và lo ngại về mối đe dọa.”
Đương nhiên, mục đích vẫn là nhằm vào Trung Quốc, nhưng kể cả khi theo đuổi chủ trương cứng rắn với Trung Quốc thì Chính quyền ông Trump trước đây vẫn có ý né tránh chỉ trích trực diện Trung Quốc.
Trong khi đó, cách thể hiện lần này của Tuyên bố chung giữa hai nước đã phản ánh cảm giác mạnh mẽ, cứng rắn của Chính quyền Biden đối với mối đe dọa Trung Quốc.
Đây cũng chính là sự khác biệt lớn giữa Đối thoại chiến lược Mỹ-Nhật với Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ và Đối thoại chiến lược Mỹ-Hàn.
Nếu như Hàn Quốc né tránh đưa nội dung chỉ trích trực diện đối với Trung Quốc vào Tuyên bố chung với Mỹ thì ngược lại Mỹ-Nhật đã cho thấy sự thống nhất cao độ trong nhận thức về mối đe dọa chung.
Quyết định chiến lược của Nhật Bản nhằm chỉ trích trực diện Trung Quốc được đưa ra khi Bắc Kinh đã bộc lộ những thách thức về chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ.
Trong khi đó, Mỹ tái khẳng định các biện pháp bảo vệ Nhật Bản, bao gồm cả việc huy động sức mạnh hạt nhân, nhưng suy cho cùng cũng là thể hiện mối lo ngại đối với nỗ lực thay đổi hiện trạng trên biển từ phía Trung Quốc.
Mặc dù các phương tiện truyền thông Nhật Bản gần như không đề cập nhiều đến chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, nhưng thực sự chuyến thăm này mang ý nghĩa rất quan trọng đối với Mỹ.
Việc Bộ trường Quốc phòng Mỹ sớm đến thăm Ấn Độ sau lễ nhậm chức cũng phần nào cho thấy sự gặp nhau giữa hai nước về nhận thức đối với mối đe dọa Trung Quốc.
Sau khi đã làm sâu sắc hơn mỗi quan hệ với các đồng minh và đối tác quan trọng, Mỹ đã có cuộc gặp đầu tiên với Trung Quốc dưới thời chính quyền ông Biden.
Cuộc gặp được tổ chức tại Alaska, có sự tham dự về phía Mỹ là Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, về phía Trung Quốc có Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị. Tuy nhiên, cuộc đối thoại đã diễn ra trong bầu không khí căng thẳng.
Ngay sau khi trở về từ Alaska, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc gặp với người đồng cấp Nga là Ngoại trưởng Sergay Lavrov tại Quế Lâm, Quảng Tây nhằm làm rõ sự thống nhất giữa Trung Quốc và Nga trong chính sách đối phó với Mỹ.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Mỹ sắp tới của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide mang tới nhiều kỳ vọng cho quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật.
Về mặt cấp độ chiến lược, hai nước gần như có sự tương đồng nhưng vẫn phải có sự điều chỉnh nhất định, ví dụ vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Mỹ đang muốn Nhật Bản phải có những động thái quyết liệt hơn trong lĩnh vực này thay vì chỉ bằng lời nói.
Trong bối cảnh nhận thức mối đe dọa Trung Quốc ngày càng gia tăng, nhưng vẫn trên cơ sở tổng thể quan hệ Trung-Nhật, nhiều khả năng phạm vi điều chỉnh sẽ không nhiều.
Tâm điểm cần trao đổi thảo luận chuyên sâu tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật lần này chính là tương lai của quan hệ đồng minh song phương.
Tức là hai nước phải vượt ra khỏi khuôn khổ đồng minh song phương như vấn đề đàm phán chia sẻ chi phí quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản, để hướng tới các vấn đề mang tính toàn cầu và hiện thực hóa chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Như phát biểu của Tướng Philip Davidson, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ rằng không chỉ ưu thế về số lượng mà cả ưu thế về chất lượng của quân đội Mỹ đang có chiều hướng giảm sút tại khu vực này.
Tăng cường hơn nữa mối quan hệ kinh tế Mỹ-Nhật
Trong khi đó, bất chấp cuộc đối thoại trực tiếp diễn ra căng thẳng và những lời qua tiếng lại thời gian gần đây giữa hai cường quốc Mỹ-Trung, chính quyền ông Biden vẫn đang tìm kiếm cơ hội hợp tác trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Hiện nay, chính sách ngoại giao của Mỹ vẫn đang ở giai đoạn ban đầu nên rất khó để đưa ra kết luận ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, chính sách này ít nhiều sẽ bộc lộ rõ nét hơn sau khi Mỹ-Nhật công khai kết quả hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Nhà Trắng.
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nhật sắp tới được truyền thông quốc tế đặc biệt chú ý với tư cách là tấm gương phản ánh nền tảng đường lối ngoại giao của Chính quyền ông Biden, đó là chủ trương đề cao các đồng minh của Mỹ.
Ở góc độ Nhật Bản, có thể coi cuộc gặp này là môi trường chính trị vô cùng thuận lợi để Thủ tướng Suga có thể tận dụng nhằm giành được nhiều kết quả có lợi cho mình.
Từ khi chính thức nắm quyền, chính quyền ông Biden luôn kêu gọi Nhật Bản tăng cường hơn nữa và trò an ninh và ngoại giao ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và mặc định đây sẽ là lộ trình để Nhật Bản tăng cường sự hiện diện quốc tế trong hợp tác với Mỹ.
Trong khi đó, nếu nhìn bao quát chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền ông Biden, giới doanh nghiệp Nhật Bản hy vọng thị phần của các doanh nghiệp Nhật Bản trên thị trường Mỹ sẽ được mở rộng ngay sau cuộc gặp này.
Đầu tư cơ sở hạ tầng và rà soát lại chuỗi cung ứng toàn cầu là một trong những ưu tiên trọng điểm trong chính sách của chính quyền ông Biden.
Do đó, lần này, phía Nhật Bản có thể sẽ đề xuất những biện pháp cụ thể để tăng cường hơn nữa mối quan hệ kinh tế Mỹ-Nhật.
Tổng thống Biden đã tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 2.000 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng và nội dung của chiến lược này vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh. Rõ ràng, đầu tư cơ sở hạ tầng là lĩnh vực sở trường của Nhật Bản với khả năng cung ứng vật liệu, dịch vụ, chuyên gia…
Đây là cơ hội làm ăn cực lớn giành cho các doanh nghiệp Nhật Bản trên cơ sở ý định của Chính quyền ông Biden. Đặc biệt là Chính sách tăng trưởng xanh mới (Green New Deal) của tân chính quyền Mỹ có xu hướng tập trung vào các cơ sở hạ tầng công cộng như đường sắt cao tốc, lĩnh vực sẽ mang lại cơ hội kinh doanh lớn cho phía Nhật Bản nếu xuất khẩu thành công ngành xây dựng cơ sở hạ tầng.
Bất kể mục tiêu có thực sự đạt được hay không thì đây vẫn là một chiến lược nhằm thu hút sự quan tâm ủng hộ từ trong nội bộ nước Mỹ đối với chính sách chống biến đổi khí hậu mà chính quyền ông Biden đang theo đuổi cả về trung và dài hạn.
Chuyến thăm Mỹ sắp tới của Thủ tướng Suga sẽ mang lại điều kiện gặp gỡ, trao đổi giữa giới chức, doanh nhân Nhật Bản với các quan chức chủ chốt trong chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng của chính quyền Biden như Bộ trưởng Giao thông vận tải Pete Buttigieg, các nghị sỹ Thượng viện và Hạ viện của Mỹ liên quan đến vấn đề phát triển các công trình công cộng.
Ngoài ra, rà soát lại chuỗi cung ứng cũng là một trong những chính sách trọng điểm của chính quyền ông Biden, được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích to lớn về kinh tế và an ninh cho Nhật Bản.
Ngày 24/2 vừa qua, trong sắc lệnh số 14017, Tổng thống Biden đã thể hiện rõ kế hoạch đánh giá lại chuỗi cung ứng, vấn đề được xem là ảnh hưởng đến tương lai của nước Mỹ.
Kế hoạch cho biết trong vòng 100 ngày, sẽ xem xét lại 4 mặt hàng trọng điểm là chất bán dẫn, dược phẩm, đất hiếm và pin xe ô tô điện, trong vòng 1 năm sẽ xem xét đối với các sản phẩm trong từng lĩnh vực như quốc phòng, y tế/công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT)/dữ liệu, năng lượng, vận tải (cơ sở hạ tầng), nông nghiệp thực phẩm…
Kế hoạch này đồng nghĩa với việc đánh giá lại mức độ phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc đối với các lĩnh vực, sản phẩm quan trọng, nhưng sẽ khó có thể thực hiện được nếu không có sự giúp sức của các đồng minh, mà trước tiên phải kể đến là Nhật Bản.
Một ví dụ là hợp tác trong lĩnh vực đất hiếm đã được khởi động trong khuôn khổ Nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia.
Trường hợp Nhật Bản đề xuất gói giải pháp chạm được đến nhu cầu lợi ích của Mỹ, thì nhiều khả năng sẽ nhận được sự đồng thuận và triển khai trong thực tế.
Việc tận dụng kế hoạch xem xét lại chuỗi cung ứng để nắm bắt thị trường Mỹ, cung cấp nhiều hơn các sản phẩm và dịch vụ từ Nhật Bản, mang lại sự tăng trưởng ổn định cho kinh tế Mỹ, sẽ là nền tảng để Nhật Bản bước ra khỏi suy thoái và phục hồi nền kinh tế vốn bị tác động nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19.
Cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo cao nhất của Nhật Bản và Mỹ không chỉ là nơi đàm phán về vấn đề kinh tế mà còn rất nhiều vấn đề khác mang tính toàn cầu.
Tuy nhiên, dư luận đang đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng ngoại giao ổn định và chắc chắn của Thủ tướng Suga để mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế Nhật Bản cả về trung và dài hạn./.