Minh Đỗ, một tay chơi cá rồng có số tại Hà Nội cứ cười mãi không dứt khi chúng tôi mắt tròn mắt dẹt nhìn đôi cá giá tính bằng trăm đô vừa được chuyển tới nhà. Đôi cá dường như đang thiêm thiếp trong giấc ngủ dài, lờ lững “trôi” giữa chậu nước. Vậy mà chỉ chưa đầy 2 phút thả xuống bể sục khí ôxy, cặp cá quý bỗng rùng mình, quẫy mạnh đuôi tỉnh giấc. Thấy khách thắc mắc, gã tủm tỉm tiết lộ: Người chơi cá cảnh, thậm chí giới buôn thủy hải sản đường dài có những bí quyết riêng để bỏ thuốc mê, gây trạng thái chết giả cho tôm cá để vận chuyển đường dài. Sốc nhiệt và bỏ thuốc Tò mò về câu chuyện của Minh Đỗ, trong vai những người có nhu cầu tìm hiểu về thủy hải sản để mở đầu mối phân phối, chúng tôi đã cố gắng tiếp cận các đại lý buôn bán tôm cá lớn. Mặc dù đã rất vất vả, nhưng sau hơn 2 tuần lân la khắp các khu chợ tại thủ đô, đỏ mắt đi tìm, phương pháp chúng tôi được biết đến nhiều nhất vẫn chỉ là sốc nhiệt để gây trạng thái chết giả cho tôm cá. Quang, chủ một đại lý phân phối thủy hải sản tại chợ Thành Công tỏ ra khá ngạc nhiên khi chúng tôi hỏi về việc vận chuyển hàng bằng cách đánh thuốc mê. Anh cho hay, bản thân anh đã làm rất nhiều năm nhưng việc các đầu mối vận chuyển hàng như thế nào anh cũng không thực sự nắm rõ. “Hồi đầu tiên mở đại lý, tôi chỉ biết họ đảm bảo cho mình rằng cá tôm được đưa lên từ các vùng biển đều đảm bảo tỷ lệ sống cao mặc dù quãng đường vận chuyển lên tới cả trăm cây số. Nhận hàng, chúng tôi thả vào bể nước có sục oxy thì thấy đúng là cá sống khỏe nên cũng không thắc mắc hỏi kỹ,” anh Quang cho biết. Trong khi đó, Lý, một đầu mối quen biết tại chợ Long Biên thì lại tỏ ra “hiểu biết” hơn một chút về kỹ nghệ đặc biệt này. Chỉ tay vào bể cá biển của mình, Lý giải thích: “Đánh thuốc mê hay không thì tôi không biết nhưng có một cách khác để vận chuyển hàng đảm bảo tỷ lệ sống cao.” Phương pháp làm theo Lý rất đơn giản. Đối với những loại có sức sống tốt như tôm, cua bể, ngay sau khi đánh bắt được từ dưới biển lên, các đầu nậu sẽ sử dụng biện pháp gây sốc nhiệt. “Tôm, cua được thả vào chậu hoặc các thùng xốp cỡ lớn chuyên dùng để vận chuyển. Sau đó, chủ hàng sẽ thả đá lạnh công nghiệp vào khiến nhiệt độ giảm mạnh. Tôm, cua theo tự nhiên sẽ rơi vào trạng thái ngủ đông, hạn chế hoạt động nên việc vận chuyển mấy trăm cây số mà không chết là bình thường,” Lý tiết lộ. Bản thân cơ sở của Lý phần lớn cũng nhập hàng thuộc diện “sốc nhiệt”, “chết lâm sàng” như thế. Ngay khi hàng được đưa về cơ sở, quá trình rã đông sẽ được tiến hành. Chỉ sau ít phút, tôm cua sẽ lại “khỏe như lúc mới đánh bắt.” Còn đối với cá, cơ địa của chúng khác tôm, cua nên không thể áp dụng phương pháp ngủ đông được mà phải gây mê bằng thuốc. Tuy nhiên, gây mê cá bằng thuốc như thế nào thì rất ít người nắm rõ.
Cá sau khi ngấm thuốc sẽ "lờ đờ" chết giả (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Lý cho hay, anh cũng nghe phong thanh về phương pháp này nhưng chưa làm bao giờ nên cũng không biết tường tận. Để giúp chúng tôi, Lý đã giới thiệu cho một đầu mối chuyên phân phối vận chuyển tôm cá tại khu vực miền Nam. Liên hệ qua số Lý cho, chúng tôi chỉ được người đàn ông tên H. tiết lộ một số thông tin ít ỏi. “Việc tiến hành gây mê cá được tiến hành bằng cách hòa thuốc mê vào bể nước, đợi đến khi cá ngửa bụng thì sẽ tiến hành vận chuyển. Trong khi vận chuyển vẫn phải để cá trong môi trường nước có sục ôxy. Tùy vào quãng đường, thời gian vận chuyển mà hòa tỷ lệ thuốc mê khác nhau để căn giờ cá tỉnh.” Mặc dù vậy, khi hỏi về loại thuốc có tác dụng gây mê này thì H. từ chối cho biết vì đây là “bí mật nghề nghiệp.” Sau một hồi nài nỉ, cuối cùng H. mới úp mở về loại thuốc bán tại các chợ dược Phú Thọ, quận 11 và chợ Kim Biên tại thành phố Hồ Chí Minh. Tận mục công nghệ gây mê cho cá Chưa thỏa lòng với câu trả lời từ H., chúng tôi quyết định nhờ cậy người quen Minh Đỗ để được tận mục loại “thần dược” có tác dụng gây ra “cái chết giả” cho cá. Thủng thẳng dẫn chúng tôi ra bể cá rồng trị giá hàng chục triệu đồng, Minh Đỗ vừa cười vừa nói: “Đánh thuốc cá thực ra không khó, nhưng ít người tiết lộ. Mục đích chính là để vận chuyển các loại cá có giá trị cao như cá tầm, cá chích, đặc biệt là cá rồng. Bởi các loại cá này nếu bắt bằng tay khi cá vẫn tỉnh sẽ khiến vây và đuôi bị hỏng, giảm giá trị trên thị trường.” Theo gã, tất cả những tay chơi cá rồng đều biết rõ cách làm thế nào để có thể làm cá rơi vào trạng thái chết giả. Nói đoạn, Đỗ mở cánh tủ khóa kín lấy ra hai lọ thuốc nhỏ dán mác nước ngoài ghi tên thuốc là Transmore. Gã cho hay, loại thuốc này trong nước rất khó mua. Bản thân gã đã phải sang tận Quảng Châu, Trung Quốc mua về với giá 700.000 đồng/lọ. Gần đây, tại các shop chuyên bán đồ phục vụ thú chơi cá rồng xuất hiện loại thuốc rẻ hơn với giá 120.000 đồng/lọ.
Một loại thuốc gây mê cho cá (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Khi Đỗ mở nắp ra, chúng tôi thấy có mùi rất hắc, ngửi qua thấy choáng váng. Rót ra chừng nửa nắp lọ nhỏ, gã từ từ bắt một chú cá rồng cỡ lớn thả vào một chậu nước. Lúc này, chú cá rồng vẫn quẫy đạp khá mạnh. Nhưng ngay khi gã đổ dung dịch nọ vào, chỉ sau chừng vài phút, con cá bắt đầu lịm dần, lờ đờ như say thuốc. “Chỉ lát nữa, con cá sẽ nổi bụng lên như bị chết nhưng thực ra, cá vẫn đang sống trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê,” Minh Đỗ cho hay. Đúng như lời gã nói, một lát sau, từ trạng thái lờ đờ, con cá bắt đầu dừng bơi và nổi ngửa bụng lên. Sau khi làm mẫu, Minh Đỗ tiết lộ, mục đích chính của việc đánh thuốc mê với người chơi cá rồng là để tiến hành làm tiểu phẫu, cắt mang cá. Nhưng đối với dân buôn, mục đích chính là để vận chuyển. “Đối với trường hợp vận chuyển, dân buôn sử dụng thuốc mê với liều lượng ít, đủ để con cá lờ đờ nhưng không ngất hẳn. Sau đó, họ sẽ đóng cá vào bao ni-lon bơm căng ôxy với thành phần 1 phần nước, 3 phần ôxy. Rơi vào trạng thái này, con cá có thể ‘đi máy bay’ trong khoảng 24 giờ liên tục,” gã bật mí. Sau công đoạn này, toàn bộ cá sẽ được bỏ vào thùng xốp, bên ngoài quấn chặt băng dính rồi đưa vào vận chuyển. Đến nơi giao nhận hàng, chỉ cần thả cá vào nước sạch có sục mạnh khí oxy là cá sẽ hồi sinh, bơi lội khỏe mạnh. Để rõ hơn về quy trình này, chúng tôi đã trao đổi với ông Kim Văn Vạn, trưởng bộ môn nuôi trồng thủy sản, Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Ông Vạn cho hay phương pháp gây mê bằng hóa chất đã được áp dụng trong nuôi trồng thủy sản nhưng bản thân ông mới chỉ biết người ta thường gây mê để vận chuyển, làm thủ thuật cho các loài cá rất đắt tiền như cá rồng hoặc các loại cá bố mẹ từ nước ngoài về nhân giống trong nước. Loại hóa chất được sử dụng trong thủy sản để gây mê cá theo ông Vạn có tên là MS 222 không độc với thủy sản. Tuy nhiên, ông Vạn cũng cho hay, loại hóa chất MS222 này hiện không được bán phổ biến trong nước và giá thành khá đắt nên để các lái buôn sử dụng loại hóa chất này là điều khó xảy ra. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Hoàng Văn Chương, chủ nhiệm khoa gây mê, bệnh viện 103, cho hay, đã từng biết đến việc gây mê cho cá để vận chuyển. Tuy nhiên, theo bác sĩ Chương, dù là loại nào đối với cá dùng làm thực phẩm, nếu được gây mê với liều lượng nhỏ thì không ảnh hưởng tới người tiêu dùng nhưng nếu ngược lại thì hậu quả chưa biết thế nào./.
Phương Mai - Sơn Bách (Vietnam+)