Kỹ năng đọc của học sinh tiểu học Việt Nam tiến bộ vượt trội

So với kết quả đánh giá kỹ năng đọc của học sinh các nước khác trên thế giới, học sinh Việt Nam có tỷ lệ phải “dừng sớm,” đồng nghĩa với việc chưa có kỹ năng đọc, là rất thấp.
Giờ học tiếng H'Mông của học sinh lớp 5 Trường tiểu học Lao Chải, Sa Pa, Lào Cai. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Ngày 11/1, tại Hà Nội, Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP)-Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo tổng kết 2 đợt đánh giá kỹ năng đọc của học sinh đầu cấp tiểu học Việt Nam năm 2013-2014.

Giám đốc Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) Trần Đình Thuận cho biết SEQAP đã tổ chức 2 đợt đánh giá kỹ năng đọc của học sinh đầu cấp (EGRA) trong năm 2013, 2014 với tổng số trên 3.357 học sinh các lớp 1, 2, 3 của 112 trường tiểu học thuộc 6 tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Trị, Gia Lai, Vĩnh Long.

So với kết quả đánh giá EGRA của các nước khác trên thế giới, học sinh Việt Nam có tỷ lệ phải “dừng sớm” (đồng nghĩa với việc chưa có kỹ năng đọc) rất thấp.

So sánh kết quả đọc của học sinh ở các lớp 1, 2, 3 cho thấy nhìn chung học sinh có tiến bộ đều về tất cả các kỹ năng đọc nhưng mức độ tiến bộ chưa đều ở các kỹ năng khác nhau.

Hai kỹ năng khó đối với học sinh là kỹ năng “Đọc tên chữ cái” và “Đọc tiếng tự tạo,” chứng tỏ học sinh còn chưa thành thạo các nguyên tắc ghi âm bằng chữ viết và kỹ năng giải mã tiếng-từ.

Riêng kết quả “Đọc từ quen thuộc” và “Đọc thành tiếng” của học sinh cao hơn so với Chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ đã đề ra cho mỗi lớp. Tuy nhiên, kết quả các phần Đọc hiểu, Nghe hiểu và Nghe-viết (Chính tả) vẫn còn tương đối thấp, đặc biệt là học sinh lớp 1.

Kết quả khảo sát của SEQAP cũng cho thấy, sự khác biệt giữa các nhóm dân tộc khá lớn đối với học sinh lớp 1 nhưng được giảm đi đáng kể ở các lớp 2, 3.

Học sinh dân tộc ít người, đặc biệt học sinh Gia Rai có tiến bộ đặc biệt ở lớp 3. Không có sự khác biệt lớn về kết quả đọc giữa các trường, mặc dù xu hướng chung là học sinh các trường có sự hỗ trợ của SEQAP có điểm trung bình cao hơn học sinh các trường không tham gia SEQAP ở hầu hết các phần của EGRA…

Khả năng đọc hiểu những văn bản đơn giản là một trong những kỹ năng cơ bản nhất mà một đứa trẻ có thể học được ở nhà trường. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các bài đánh giá quốc gia hay quốc tế (về ngôn ngữ hoặc toán) đều chưa chỉ ra được kết quả kiểm tra kém là do các em không biết nội dung học thuật hay không hiểu văn bản được đọc.

Bộ công cụ đánh giá kỹ năng đọc đầu cấp (EGRA) được phát triển nhằm đánh giá một cách có hệ thống các kỹ năng đọc ban đầu của học sinh các lớp đầu cấp tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 3) và đưa ra những can thiệp kịp thời.

Từ năm 2007 đến 2014, EGRA đã được áp dụng ở trên 60 nước với khoảng 80 ngôn ngữ khác nhau.

Khác với các công cụ đánh giá thực hiện ở Việt Nam trước đây, bộ công cụ EGRA đánh giá khả năng của học sinh dựa trên kỹ năng chứ không theo chương trình giảng dạy.

Việc đánh giá được tiến hành trên một nhóm học sinh bằng cách kiểm tra vấn đáp từng em, không phải bài kiểm tra giấy áp dụng cho toàn bộ học sinh trong thời gian nhất định.

Bộ công cụ cũng giúp phân tích, lý giải được kỹ năng của học sinh qua các nhân tố tác động từ môi trường gia đình, nhà trường và cộng đồng trên cơ sở trả lời bảng hỏi trực tiếp đối với từng học sinh và trả lời viết với từng giáo viên.

Đây được cho là cách đánh giá mới theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, đúng theo yêu cầu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Trên cơ sở kết quả đánh giá thực trạng kỹ năng đọc của học sinh và phân tích những nhân tố tác động, thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát các nội dung dạy học trong sách giáo khoa Tiếng Việt ở các lớp đầu cấp tiểu học theo hướng chú ý nhiều hơn đến các kỹ năng của học sinh còn hạn chế như Đọc hiểu, Nghe hiểu, Đọc tên chữ cái...

Bộ xem xét để có thể điều chỉnh yêu cầu cần đạt đối với kỹ năng đọc của học sinh các lớp 1, 2, 3 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học vì yêu cầu hiện hành tỏ ra khá thấp so với năng lực của đa số học sinh, kể cả ở những vùng còn nhiều khó khăn.

Các nhà trường cần đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động dạy học ở các điểm trường lẻ (ở các vùng giáo dục còn nhiều khó khăn) vì hiện nay kết quả đọc của học sinh điểm trường lẻ chưa theo kịp kết quả của học sinh ở các điểm trường chính.

Ở nơi có nhiều học sinh dân tộc ít người, trình độ tiếng Việt của các em còn kém, nếu điều kiện cho phép, nên sử dụng trợ giảng tiếng dân tộc ở các lớp đầu cấp, đặc biệt là lớp 1…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục