Thủ tướng Chính phủ mới đây quyết định thi hành kỷ luật một số tướng lĩnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam do đã có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác; trước đó Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng.
Hành động kiên quyết này cho thấy chủ trương nhất quán, quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Quân đội Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Để làm trong sạch bộ máy của quân đội - lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc trong thời chiến cũng như thời bình, thì dù là lãnh đạo hay chỉ huy, nếu mắc sai phạm đều phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật và kỷ luật của Đảng.
Những sai phạm đến mức phải thi hành kỷ luật các sỹ quan lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, trước đó đã được Trung ương nêu rõ.
[Kỷ luật Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020]
Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 đã vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, Quy chế làm việc, Quy định của Quân ủy Trung ương, để nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh, Phó Tư lệnh và lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trực thuộc suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Tư lệnh và các đơn vị trực thuộc có nhiều vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng trong công tác quản lý, sử dụng tài chính; thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; mua sắm thiết bị kỹ thuật, vật tư, hàng hóa; đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Sai phạm nghiêm trọng của những cá nhân, nổi lên như Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Cảnh sát biển.
Trung tướng Sơn cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2015-2020; chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Bộ Tư lệnh và các đơn vị trực thuộc; bản thân suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn cũng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc khi ký ban hành một số văn bản quan trọng trong công tác trọng yếu; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiệp vụ và pháp luật, để xảy ra việc xử lý một số vi phạm không đúng quy định, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Trung tướng Hoàng Văn Đồng, trong thời gian giữ cương vị Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cảnh sát biển, chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2015-2020; bản thân suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tư lệnh-Tham mưu trưởng Cảnh sát biển, cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2015- 2020; bản thân suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
Thiếu tướng Phạm Kim Hậu cũng chịu trách nhiệm cá nhân trong việc báo cáo kết quả đánh giá năng lực nhà thầu đối với gói thầu mua sắm thiết bị không đúng quy định pháp luật, gây lãng phí ngân sách nhà nước…
Theo Ban Bí thư, vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển nhiệm kỳ 2015-2020 và các cá nhân nêu trên là rất nghiêm trọng, một số cán bộ cấp tướng, người đứng đầu đã suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương, làm thất thoát, thiệt hại rất lớn tiền và tài sản của Nhà nước, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức đảng, hình ảnh của Cảnh sát biển và Quân đội Nhân dân Việt Nam, gây bức xúc dư luận xã hội, đến mức phải thi hành kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng.
Vì vậy, Ban Bí thư đã quyết định Cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển nhiệm kỳ 2015-2020; khai trừ ra khỏi Đảng đối với 2 sỹ quan cấp tướng và cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với 7 tướng Cảnh sát biển Việt Nam…
Để ra những quyết định kỷ luật hết sức nghiêm khắc này, Trung ương đã xem xét cẩn trọng, xét thành tích của tập thể; cống hiến và sự thành khẩn, cầu thị, tự giác nhận, khắc phục vi phạm, khuyết điểm, hậu quả và tự nhận hình thức kỷ luật của mỗi cá nhân; đồng thời căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm theo Quy định của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm.
Việc xử lý kỷ luật cùng lúc nhiều tướng lĩnh Cảnh sát biển Việt Nam cho thấy sự nghiêm minh trong việc xử lý vi phạm, tiêu cực, không ngoại trừ một ai, nhưng đây cũng là bài học đau xót, lời cảnh tỉnh nghiêm khắc trong công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta.
Cảnh sát biển Việt Nam mới được thành lập từ năm 1998 mang theo niềm tin, hy vọng về một lực lượng chấp pháp trên biển tham gia bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Thế nhưng lực lượng non trẻ này đến nay lại có số lượng lớn cán bộ cấp cao trong một thời gian rất ngắn mắc sai phạm nghiêm trọng phải chịu hình thức kỷ luật, làm ảnh hưởng đến uy tín Quân đội, hình ảnh người Bộ đội Cụ Hồ.
Vì vậy, đó là việc cần thiết và phải làm!
Xử lý nghiêm minh để cho thấy Đảng và Nhà nước không có “vùng cấm” trong trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kỷ luật nghiêm khắc để trong sạch bộ máy của Quân đội, lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc trong thời chiến cũng như thời bình.
Hành động cương quyết đó khẳng định tinh thần "thượng tôn pháp luật", qua đó củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào kỷ cương, phép nước, góp phần giữ gìn hình ảnh đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân cả nước, giúp lực lượng Cảnh sát biển nói riêng và Quân đội nói chung hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó./.