Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác thực hiện Chương trình hợp tác hỗ trợ chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam vừa được ký kết vào chiều 8/6.
Biên bản này được ký giữa đại diện Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Agrotrade) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC-VCA) thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) đã cùng Grab Việt Nam.
Trước mắt, Chương trình đặt mục tiêu thúc đẩy hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua các nền tảng số nói chung đối với các địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, địa phương nằm trong vùng giãn cách, phong tỏa xã hội; trong đó có thử nghiệm trên nền tảng của Grab.
Song song đó, các đơn vị trên cũng có những kế hoạch, hoạt động thiết thực để nâng cao nhận thức và năng lực triển khai chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người nông dân sản xuất nông nghiệp khắp cả nước.
Theo chiến lược dài hạn, Chương trình hợp tác giữa AED, Agrotrade, ITPC-VCA và Grab Việt Nam sẽ đóng vai trò như một mô hình thử nghiệm nhằm xem xét tính hiệu quả về hỗ trợ chuyển đổi số cho các nhà sản xuất nông nghiệp từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ, nhằm nâng cao lợi thế, tính cạnh tranh và thúc đẩy thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Hoạt động hợp tác này cũng là một trong các sáng kiến triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai, tập trung cho các nhà sản xuất lĩnh vực nông nghiệp.
[Khơi thông thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong mùa dịch]
Trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ của Chương trình hợp tác hỗ trợ chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam kéo dài 03 năm, AED, Agrotrade, ITPC-VCA và Grab Việt Nam sẽ tập trung vào bốn mục tiêu chính.
Cụ thể, sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng số; nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho các nhà sản xuất nông nghiệp và người tiêu dùng; trong đó các đơn vị sẽ hợp tác tổ chức các chương trình truyền thông, tập huấn, hướng dẫn về tiêu chuẩn, thủ tục, quy trình chuyển đổi số, đưa nông sản lên nền tảng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người nông dân sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Người tiêu dùng được khuyến khích mua sắm và sử dụng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao từ các nhà sản xuất nông nghiệp tham gia các nền tảng số này.
Ngoài ra, các bên tham gia sẽ nâng cao năng lực triển khai chuyển đổi số, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên các nền tảng số cho các nhà sản xuất nông nghiệp, trong đó có lồng ghép thử nghiệm nền tảng của Grab để đánh giá hiệu quả thực thi. Cuối cùng là Thúc đẩy các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản đối với các địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tại buổi lễ ký kết, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết các đơn vị sản xuất kinh doanh Việt Nam, bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động bởi đại dịch COVID-19. Chính vì vậy, tháng Một năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên vì đây là ngành then chốt của nền kinh tế, có rất nhiều hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đang sản xuất kinh doanh.
"Hợp tác này sẽ góp phần giải bài toán lâu dài cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến và tiêu thụ, để không còn tình trạng giải cứu trong tương lai," ông Lê Mạnh Hùng nói.
Về nhu cầu của các hợp tác xã trong chuyển đổi số từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, ông Vũ Quang Phong, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh: "Cả nước hiện có hơn 25.000 hợp tác xã; trong đó có trên 17.000 hợp tác xã nông nghiệp. Dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Với sứ mệnh hỗ trợ, tư vấn cho các hợp tác xã thành viên trên cả nước, việc chuyển đổi số là xu thế tất yếu và phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Sự kiện ký kết hôm nay là bước đầu tiên của việc tham gia công cuộc chuyển đổi số giữa khối quản lý Nhà nước và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ chủ động triển khai một số biện pháp hỗ trợ các hợp tác xã, thúc đẩy chuyển đổi số, triển khai đề án ứng dụng công nghệ trong điều hành quản lý, bao gồm xây dựng nền tảng ứng dụng về chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất-kinh doanh," ông Vũ Quang Phong cho hay.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam cũng cam kết "Chúng tôi sẽ phát huy tối đa năng lực công nghệ, nền tảng số và hệ sinh thái của Grab để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản Việt, mang đến hiệu quả thiết thực lâu dài cho người nông dân và các nhà sản xuất nông nghiệp khắp cả nước."
Trước đó, Grab đã công bố dự án GrabConnect nhằm kết nối nông sản và đặc sản địa phương an toàn, chất lượng từ nông dân đến người tiêu dùng khắp cả nước thông qua ứng dụng công nghệ. GrabConnect cũng đã khởi động chương trình đầu tiên hướng đến mục tiêu hỗ trợ tiêu thụ lên đến 300 tấn vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang thông qua hệ sinh thái của Grab./.