Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam-ILO về việc làm bền vững giai đoạn 2017-2021 được chính thức khởi động vào chiều ngày 5/12 tại Hà Nội.
[Phát triển nguồn nhân lực và việc làm bền vững cho lao động di cư]
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, lãnh đạo của các đối tác xã hội gồm Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo và Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee đã cùng ký kết vào văn kiện khuôn khổ hợp tác.
ILO và các đối tác thống nhất xác định ba ưu tiên quốc gia trong thời gian tới bao gồm: Thúc đẩy việc làm bền vững và tạo môi trường thuận lợi cho các cơ hội kinh doanh bền vững; giảm đói nghèo thông qua việc mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội tới tất cả mọi người và giảm các hình thức việc làm không thể chấp nhận được, đặc biệt cho đối tượng dễ bị tổn thương nhất; xây dựng cơ chế quản trị thị trường lao động hiệu quả tuân thủ những nguyên tắc cơ bản và quyền trong lao động.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: "Trong chu kỳ hợp tác mới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đặt trọng tâm vào vấn đề việc làm, phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững cân bằng giữa mục tiêu kinh tế và xã hội, đảm bảo quyền lợi của người lao động, của doanh nghiệp và của xã hội."
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị ILO và các đối tác xã hội xây dựng kế hoạch thực hiện khung hợp tác này, trước mắt cần tập trung tiếp tục hỗ trợ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị ILO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và tiền lương, nghiên cứu phê chuẩn một số công ước chính của ILO để tăng cường khả năng hội nhập quốc tế.
Mục tiêu của chương trình hợp tác cho giai đoạn 2017-2021 là thúc đẩy cơ hội việc làm bền vững và năng suất cho mọi phụ nữ, nam giới trong điều kiện làm việc tự do, bình đẳng, an toàn, tôn trọng nhân phẩm.
Giám đốc ILO Việt Nam, ông Chang-Hee Lee nhấn mạnh, chương trình hợp tác giai đoạn 2017-2021 nên được sử dụng như pha chuyển đổi sang một hình thức hợp tác và đối tác mới, từ việc tập trung vào nguồn lực sang tập trung vào kiến thức. Trong giai đoạn này, sự hỗ trợ cần được đồng thời dành cho các đối tác ba bên (Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động) ờ cấp địa phương nhằm trang bị cho họ năng lực tổ chức để tiến hành những thay đổi mang tính bền vững./.
Chương trình khung hợp tác việc làm bền vững kỳ kết ngày 5/12 là giai đoạn lần thứ 3 của chương trình kể từ khi Việt Nam gia nhập trở lại ILO vào năm 1992. Sự hợp tác đầu tiên giữa ILO và Việt Nam là vào năm 1994 nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng Bộ Luật Lao động trong bối cảnh Việt Nam phải hình thành khuôn khổ pháp lý mới để quản trị thị trường lao động trong quá trình đổi mới.
Tổng kinh phí hỗ trợ cho trường trình trong 2 giai đoạn trước từ 2006-2016 là 58,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng).