Kỳ họp Ủy ban hỗn hợp lần 4 và Tham vấn chính trị lần 5 Việt Nam-Maroc

Về hợp tác kinh tế, hai bên nhất trí cần đẩy mạnh hơn nữa trao đổi thương mại và đầu tư song phương thông qua việc tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp đi tìm hiểu thị trường.
Kỳ họp Ủy ban hỗn hợp lần 4 và Tham vấn chính trị lần 5 Việt Nam-Maroc ảnh 1Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Vũ Hồng Nam và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Maroc Mounia Boucetta chủ trì phiên họp chính thức Kỳ họp lần 4. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Từ ngày 23-24/4, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Vũ Hồng Nam và Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Vương quốc Maroc, bà Mounia Boucetta đã đồng chủ trì kỳ họp lần thứ tư Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Maroc và Tham vấn chính trị lần thứ năm giữa hai Bộ Ngoại giao tại Hà Nội.

Phát biểu tại kỳ họp, Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế, Vương quốc Maroc đánh giá cao thành tựu phát triển và xây dựng đất nước của Việt Nam.

Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam bày tỏ hài lòng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua, đặc biệt chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Maroc tháng 12/2017 và chuyến thăm Maroc của Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Phùng Quốc Hiển tháng 7/2017 đã thiết lập quan hệ nghị viện chặt chẽ giữa hai nước. Việt Nam khẳng định luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác toàn diện với Maroc đồng thời cảm ơn Maroc đã ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.

Maroc cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ Maroc tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á với ASEAN (TAC).

Về hợp tác kinh tế, hai bên nhất trí cần đẩy mạnh hơn nữa trao đổi thương mại và đầu tư song phương thông qua việc tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp đi tìm hiểu thị trường và cùng hợp tác phát triển các dự án tại các nước châu Phi khác. Hiện nay, kim ngạch thương mại song phương mới đạt 170 triệu USD năm 2017, còn khiêm tốn so với tiềm năng và hợp tác chính trị giữa hai nước. Để thúc đẩy quan hệ trong lĩnh vực này, Maroc đề nghị hai bên xem xét tái khởi động Hội đồng doanh nghiệp song phương và thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực hai bên có khả năng bổ sung cho nhau như sản xuất phân bón, dược phẩm, nuôi trồng thủy sản, nhập khẩu gạo…

Hai nước khẳng định tiếp tục trao đổi các chương trình học bổng đại học, sau đại học và nhất trí sẽ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thông qua việc ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu hai nước, trao đổi các đoàn nghiên cứu, tổ chức hội thảo học thuật… Việt Nam hoan nghênh Maroc đã cử phóng viên thường trú của hãng thông tấn MAP tại Việt Nam và thành lập Hội hữu nghị Maroc-Việt Nam để thúc đẩy giao lưu giữa nhân dân hai nước. Ngoài ra, trong thời gian tới, hai bên sẽ cùng thúc đẩy các đề xuất kết nghĩa giữa các địa phương hai nước, trong đó có Nha Trang-Agadir, Thành phố Hồ Chí Minh-Casablanca, Đà Nẵng-Tangier.

[Việt Nam và Maroc có tiềm năng lớn trong hợp tác phát triển]

Tại kỳ họp, hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động và Hỗ trợ việc làm Maroc và Bản ghi nhớ giữa Đại học Hàng hải Việt Nam và Viện Nghiên cứu Hàng hải Maroc.

Trong khuôn khổ tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, hai bên đã trao đổi về các vấn đề khu vực và thế giới cùng quan tâm như hợp tác trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN và Liên minh châu Phi, tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tình hình Bắc Phi, chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững... Hai bên bày tỏ quan ngại về tình hình leo thang xung đột, bất ổn định ở một số khu vực trên thế giới và cho rằng tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, thông qua thương lượng, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Kỳ họp lần thứ tư Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Maroc và Tham vấn chính trị lần thứ năm giữa Bộ Ngoại giao hai nước đã kết thúc tốt đẹp trong bầu không khí cởi mở, tin cậy và góp phần tăng cường, củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Maroc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục