Cách đây 74 năm, ngày 2/3/1946, Quốc hội khóa I họp Kỳ thứ nhất tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội. Đây là Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
74 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân.
Ngày 6/1/1946, đánh dấu sự kiện trọng đại của lịch sử nước nhà: lần đầu tiên nhân dân Việt Nam được cầm lá phiếu tự do lựa chọn những người tài đức vào Quốc hội.
Sự kiện đó trở thành mốc son của niềm tự hào: “Quốc hội nước ta là Quốc hội dân chủ đầu tiên ở vùng Đông Nam châu Á, cũng là Quốc hội đầu tiên của các nước thuộc địa cũ được độc lập, tự do.”
Từ đây, ý nguyện của toàn dân có người đại diện để thể hiện tư tưởng, nguyện vọng trên công cuộc bắt đầu hành trình là người tự do của một nước độc lập. 74 năm, Quốc hội Việt Nam thực sự là con đường chân chính của người đại diện tiếng nói toàn dân, vì độc lập, hòa bình, tự do và hạnh phúc
Kỳ họp lịch sử mở đầu cho chặng đường vẻ vang của Quốc hội nước nhà
Ngày 2/3/1946, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I được khai mạc tại Nhà hát lớn Hà Nội, trong bối cảnh ngặt nghèo của nhà nước non trẻ đang đứng trước họa thù trong giặc ngoài, trước tình cảnh nhân dân ta phải gánh chịu những tàn dư thảm khốc cho chế độ cũ gây ra.
Chỉ trong vòng 4 giờ, với không khí thảo luận sôi nổi, tinh thần trách nhiệm, khẩn trương và dân chủ của gần 300 đại biểu đại diện cho các đảng phái, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng các dân tộc, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I đã kết thúc thành công với những quyết sách lớn, đó là thành lập và công nhận Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu thay cho Chính phủ lâm thời, có trách nhiệm đưa kháng chiến đến thắng lợi, nước nhà đến độc lập hoàn toàn.
Bế mạc phiên họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Chúng ta cũng hứa với nhau rằng: Quốc hội họp lần này là Quốc hội kháng chiến mà Chính phủ cử ra là Chính phủ kháng chiến. Tôi mong rằng Quốc hội họp lần sau sẽ là Quốc hội thắng lợi, mà Chính phủ cũng sẽ là Chính phủ thắng lợi." (1)
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đại biểu quốc hội mang tấm thẻ số 305 đã xứng đáng với niềm tin của nhân dân, hoàn thành vẻ vang trách nhiệm của người công dân số Một, hiến trọn đời mình cho sự nghiệp quang vinh của cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Quốc hội khóa I đã làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp.
[Thắng lợi từ Tổng Tuyển cử đầu tiên bắt nguồn từ sức mạnh của lòng dân]
Trong nhiệm kỳ 14 năm hoạt động, từ năm 1946 đến 1960, với 12 kỳ họp, Quốc hội khóa 1 đã xem xét và thông qua Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, 11 đạo luật và 50 nghị quyết, phê chuẩn Hiệp định Geneve.
Trong số đó, Luật Cải cách ruộng đất được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (năm 1953) là văn bản có ý nghĩa quan trọng nhằm xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, thực hiện chính sách "người cày có ruộng" và chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân.
Quốc hội khóa I đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp, thông qua các kế hoạch khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước xây dựng chế độ dân chủ nhân dân.
Quốc hội Việt Nam - 74 năm vì nước vì dân
Ra đời trong cam go, khói lửa của cuộc đấu tranh cách mạng, Quốc hội vừa là thành quả, vừa là biểu tượng cao quý nhất của độc lập dân tộc, thể hiện ý chí, khát vọng ngàn đời của nhân dân Việt Nam.
Hội tụ đại biểu khắp mọi miền đất nước, từ những nhà cách mạng kiên trung, đến đại diện các ngành, các giới, các giai cấp, các tầng lớp, các thành phần dân tộc, tôn giáo.
Quốc hội mang trong mình sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, hiện thân của ý chí kiên cường và khát vọng độc lập tự do không gì lay chuyển nổi của dân tộc Việt Nam.
Từ những kỳ họp đầu tiên, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tinh thần dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân luôn được thể hiện rõ trong các hoạt động của Quốc hội.
14 khóa Quốc hội với tâm huyết, trí tuệ, nỗ lực và sáng tạo của hàng nghìn đại biểu Quốc hội đã xây dựng và ban hành được 5 bản Hiến pháp, hàng trăm bộ luật, luật, pháp lệnh.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thường xuyên xem xét sửa đổi, bổ sung những đạo luật để điều chỉnh các quan hệ của đời sống xã hội, tạo nên một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh hơn để Nhà nước quản lý bằng pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại...
Mỗi bản Hiến pháp, mỗi đạo luật, mỗi nghị quyết, mỗi quyết định quan trọng của Quốc hội đều gắn liền với quá trình phát triển của dân tộc, phản ánh tiến trình đổi mới của đất nước.
Trong bối cảnh đất nước với nhiều cơ hội và thách thức mới, các thế hệ đại biểu hôm nay - những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội vẫn luôn kế thừa và phát huy những trang sử vẻ vang, phát huy tinh thần đổi mới, kết tinh ý Đảng lòng dân, để cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Chúng ta tin tưởng rằng, với truyền thống và kinh nghiệm tích lũy hơn 70 năm qua, với ý thức trách nhiệm trước nhân dân và tiền đồ của đất nước, với phương châm đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân, nhất định Quốc hội nước ta sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.