Kỳ họp thứ hai HĐND TP.HCM: "Nóng" vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm

Tiếp tục kỳ họp thứ hai Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là an toàn vệ sinh thực phẩm.
Quang cảnh Kỳ họp. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tiếp tục kỳ họp thứ hai Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, sáng 4/8, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội của thành phố, trong đó vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Trí (giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế phát triển nhưng cũng là "điểm đến" của rất nhiều "thực phẩm bẩn," vì vậy thành phố cần quan tâm hơn nữa vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện các công đoạn từ nuôi trồng, bảo quản, tiêu thụ đều phát hiện có vi phạm, chẳng hạn như việc sử dụng chất cấm, thuốc tăng trưởng, kháng sinh bừa bãi…

Đại biểu Nguyễn Mạnh Trí đặt thẳng vấn đề, phải chăng do các cơ quan chức năng chưa có giải pháp cụ thể hoặc “liều thuốc” xử phạt hành chính chưa đủ răn đe, các cơ sở vi phạm đã “lờn thuốc”?

Còn đại biểu Trần Quang Thắng (Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh) nêu ý kiến, trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, việc giám sát, thanh tra rất quan trọng.

Hiện nay, các cửa hàng buôn bán lề đường, những người “buôn thúng bán bưng” đang bán thực phẩm với rất nhiều nguồn khác nhau; cần kiểm tra thường xuyên và đột xuất để xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm.

Song việc xử lý cũng cần có lộ trình, nếu phát hiện vi phạm thì cảnh cáo sơ bộ, sau một tháng nếu người vi phạm không sửa đổi thì phải xử lý nghiêm minh.

Đối với thực phẩm được bán nhỏ lẻ, cần có dụng cụ test nhanh để kiểm tra dịch bệnh, nhất là đối với các bệnh như tả, thương hàn, lao…

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Nga (Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) nhìn nhận, việc quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm còn lỏng lẻo.

Mỗi khi có vấn đề bức xúc trong dư luận là cơ quan chức năng lập đoàn kiểm tra và phát hiện rất nhiều sai phạm, điều đó cho thấy công tác quản lý còn khá hạn chế...

Trước những vấn đề các đại biểu nêu ra, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các cơ quan chức năng của thành phố đã có nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thời gian gần đây, các đơn vị đã thành lập 712 đoàn kiểm tra, thanh tra và phát hiện hơn 8.000 sai phạm.

Dù đã đạt được một số kết quả, nhưng công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của người dân thành phố.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết thêm, đối với những trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra dù ở trong nội ô hay ngoại ô, Sở Y tế thành phố đã phát hiện, thức ăn được cung cấp từ những địa chỉ khá xa, phương tiện vận chuyển thức ăn chưa đảm bảo.

Sở Y tế thành phố yêu cầu các bếp ăn tập thể khi mua thực phẩm phải có hợp đồng để khi xảy ra ngộ độc có thể truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên phần lớn các trường hợp không thực hiện được các yêu cầu này.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, vấn đề quan trọng nhất là người dân phải kiểm soát, ngăn chặn được "thực phẩm bẩn," không để người dân hàng ngày phải ăn các loại thực phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe, chờ đến khi ngộ độc mới xử lý là chưa phù hợp; cần có lộ trình lâu dài để kiểm soát, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đang phối hợp với các ngành triển khai Dự án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn bằng ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm soát xuất xứ nguồn gốc.

Có hai cách nhận diện, mỗi con lợn khi được xuất chuồng sẽ có vòng nhận diện được mã hóa hoặc người bán thịt tại chợ sẽ dán tem lên miếng thịt lợn được bày bán, khi đó người dân có thể sử dụng các thiết bị điện tử thông minh để truy xuất thông qua con tem được dán trên thịt heo.

Theo đại diện Sở Công Thương, Dự án này sẽ được thí điểm từ nay đến cuối năm 2016 tại các chợ đầu mối và một số chợ bán lẻ, siêu thị của Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự kiến đầu năm 2017, thành phố sẽ nhân rộng mô hình này ra các chợ, đồng thời nhân rộng sang các ngành thực phẩm khác.

Sở Công Thương thành phố cũng đang xây dựng đề án trung tâm buôn bán hóa chất của thành phố, nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn việc buôn bán hóa chất trên địa bàn.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục