Kỳ họp thứ 8: Thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên

Luật gồm 5 chương, 41 điều quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.
Biểu quyết thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Biểu quyết thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 26/11, với 92,96% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên.

Luật gồm 5 chương, 41 điều quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.

Luật quy định việc tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên là: Quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị đã xếp trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân được tổ chức thành các đơn vị dự bị động viên.

Đơn vị dự bị động viên phải duy trì đủ quân số quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị, có số lượng dự phòng từ 10% đến 15%, dự trữ vũ khí, trang bị kỹ thuật theo phân cấp.

Trước đó, trong quá trình thảo luận, tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên (Điều 15) là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận.

Có ý kiến cho rằng, khó thực hiện đủ tỷ lệ dự phòng và đề nghị quy định cho phù hợp, thuận lợi cho địa phương quản lý quân nhân dự bị; ý kiến khác đề nghị cân nhắc giảm tỷ lệ dự phòng cho phù hợp với điều kiện tinh giản biên chế hiện nay và yêu cầu không tăng ngân sách.

Giải trình về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nêu rõ, vấn đề này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình tại Báo cáo số 462/BC-UBTVQH14, ngày 19/10/2019, đồng thời nhận thấy quá trình tổ chức thực hiện ổn định, không có vướng mắc nên đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Độ tuổi quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình (Điều 17) cũng là nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận.

Có ý kiến đề nghị tăng độ tuổi quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình cho thống nhất với các luật khác liên quan và sát với tình hình thực tế.

[Làm rõ thêm các quy định trong dự án Luật lực lượng dự bị động viên]

Có ý kiến đề nghị giảm độ tuổi nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị, hạ sỹ quan, binh sỹ dự bị được xếp vào đơn vị bảo đảm chiến đấu không quá 40 và nữ quân nhân dự bị không quá 35 tuổi.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, việc quy định độ tuổi của quân nhân dự bị đã được đánh giá kỹ tác động, bảo đảm nguồn để huy động vào lực lượng dự bị động viên.

Về đề nghị tăng hoặc giảm độ tuổi của quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình đã được giải trình tại Báo cáo số 462/BC-UBTVQH14, ngày 19/10/2019. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Theo đó, độ tuổi sỹ quan dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên thực hiện theo quy định của Luật sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Độ tuổi quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sỹ quan, binh sỹ dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên được quy định như sau: nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sỹ quan, binh sỹ dự bị không quá 35 tuổi được sắp xếp vào đơn vị chiến đấu; nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sỹ quan, binh sỹ dự bị không quá 45 tuổi; nữ quân nhân dự bị không quá 40 tuổi được sắp xếp vào đơn vị bảo đảm chiến đấu.

Về thẩm quyền lập kế hoạch, Luật quy định: Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ lập Kế hoạch nhà nước về xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên.

Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên lập kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên lập kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của đơn vị.

Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban Nhân dân cấp huyện lập kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của địa phương.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định thẩm quyền lập kế hoạch huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên của đơn vị Quân đội nhân dân.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục