Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 25/11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ
Với 88,41% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Trước đó, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, để phù hợp với phạm vi sửa đổi, bổ sung, dự án Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất đổi tên thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Luật quy định rõ vũ khí quân dụng bao gồm vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ (gồm súng cầm tay: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu; vũ khí hạng nhẹ: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân; vũ khí hạng nặng: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa; bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại điểm này);
Vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quy định tại điểm a khoản này, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định để thi hành công vụ.
Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao.
[Kỳ họp thứ 8: Quốc hội tiến hành quy trình bầu nhân sự mới]
Luật quy định, Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/1/2020.
Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, một số đại biểu đề nghị kiểm soát chặt chẽ các cơ sở chuyên dụng sản xuất các vật dụng, công cụ hỗ trợ liên quan; nghiên cứu bổ sung các quy định nghiêm ngặt hơn và hình thức xử phạt nghiêm minh hơn đối với những vi phạm liên quan đến sử dụng vũ khí quân dụng...
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, theo đề nghị của Chính phủ, mục tiêu xây dựng dự án Luật nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự để có căn cứ pháp lý trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.
"Vì vậy, trước mắt đề nghị chỉ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự. Về lâu dài, từ thực tiễn áp dụng và qua tổng kết thi hành Luật, nếu có vướng mắc sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định khác," Chủ nhiệm Võ Trọng Việt nêu rõ.
Quy định rõ giá trị sử dụng của thị thực
Với 83,64% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.
Luật quy định rõ hình thức và giá trị sử dụng của thị thực (khoản 2 Điều 1). Theo đó, thị thực được cấp vào hộ chiếu, cấp rời hoặc cấp qua giao dịch điện tử. Thị thực cấp qua giao dịch điện tử là thị thực điện tử.
Thị thực được cấp riêng cho từng người, trừ các trường hợp: Cấp thị thực theo cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ đối với trẻ em dưới 14 tuổi chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ; cấp thị thực theo danh sách xét duyệt nhân sự của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài tham quan, du lịch bằng đường biển hoặc quá cảnh đường biển có nhu cầu vào nội địa tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức; thành viên tàu quân sự nước ngoài đi theo chương trình hoạt động chính thức của chuyến thăm ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu thuyền neo đậu.
Thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần; thị thực điện tử và thị thực cấp cho trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này có giá trị một lần.
Thị thực không được chuyển đổi mục đích, trừ các trường hợp sau đây: Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam; có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh; được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động; nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nêu rõ, có ý kiến đề nghị sắp xếp các khoản theo thứ tự từ hình thức đến giá trị của thị thực và các trường hợp chuyển đổi mục đích thị thực; quy định việc chuyển đổi mục đích thị thực với lý do chính đáng, tránh việc lợi dụng; làm rõ “người đề nghị” tại điểm b khoản 1 Điều 7 và chỉnh sửa điểm này cho phù hợp.
Tiếp thu các ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý vào khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Có ý kiến đề nghị quy định trường hợp chuyển đổi mục đích thị thực bảo đảm công bằng giữa thị thực điện tử với thị thực thường trong việc mời, bảo lãnh, nhất là đối với mục đích du lịch.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng người nước ngoài vào du lịch (thị thực DL) không thuộc trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực, nên đề nghị cho giữ nguyên quy định này như dự thảo Luật do Chính phủ trình./.