Kỳ họp thứ 8: Khối lượng công việc ‘nặng’ về lập pháp nhưng hiệu quả

Đánh giá về kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội cho rằng dù thời gian dài kỳ họp này dài nhất trong các kỳ họp vừa qua, khối lượng công việc chủ yếu là lập pháp nhưng đã mang lại hiệu quả cao.
Kỳ họp thứ 8: Khối lượng công việc ‘nặng’ về lập pháp nhưng hiệu quả ảnh 1Nữ đại biểu Trần Thị Hằng, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chiều nay, 27/11, kỳ họp thứ 8 - kỳ họp cuối năm 2019 (năm thứ Tư của nhiệm kỳ) sẽ bế mạc, trao đổi nhanh với báo chí bên lề Quốc hội sáng nay, các đại biểu Quốc hội đánh giá kỳ họp này đã làm việc hiệu quả, được người dân và cử tri cả nước quan tâm.

Mặc dù kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV có thời gian dài nhất trong các kỳ họp vừa qua, kéo dài tới 5 tuần, công việc chủ yếu là lập pháp nhưng không khí kỳ họp sôi nổi, nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi của các đại biểu thực sự mang hơi thở cuộc sống.

Kỳ họp của những kỷ lục và "cái mới"

Đánh giá tổng thể về kỳ họp thứ 8, đại biểu Trần Thị Hằng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh khẳng định đến thời điểm này, kỳ họp đã cơ bản hoàn thành các nội dung đề ra. Các đại biểu đánh giá cao về công tác chủ trì của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, cũng như những nội dung của kỳ họp này.

“Đặc biệt là công tác xây dựng, hoạt động chất vấn, hoạt động giám sát tối cao của kỳ họp. Tất cả các nội dung này và tinh thần của các đại biểu được thảo luận sôi nổi, tranh luận các vấn đề mà Quốc hội đưa ra,” bà Hằng nhấn mạnh.

[Quy định không rõ, nhiều vụ án tham nhũng kinh tế kéo dài tới 5 năm]

Đồng tình với những điểm nổi bật nêu trên, đại biểu Thạch Phước Bình, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh đề cập thêm việc Quốc hội đã triển khai ứng dụng cộng nghệ ngay trong kỳ họp, bởi “đây là một điểm rất mới.” 

Ông Bình cho biết lúc đầu, một số đại biểu còn rất bỡ ngỡ với công nghệ, nhưng đến kỳ họp này đã quen khi nghiên cứu tài liệu. Nhờ việc triển khai ứng dụng công nghệ đã vừa giảm chi phí lại giúp đại biểu có thể tương tác mọi nơi, kể cả khi ngồi trong hội trường. “Trong thời gian tới, các kỳ họp tới nên tiếp tục triển khai và có sự cải tiến để Quốc hội hoạt động thành Quốc hội điện tử,” ông Bình kiến nghị.

Về chất lượng kỳ họp, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh khẳng định đã đáp ứng được kỳ vọng của đại biểu. Các văn bản, dự thảo gửi đến đại biểu cơ bản đảm bảo thời gian. Cơ quan trình, cơ quan thẩm định đã làm hết trách nhiệm của mình. So với các kỳ họp trước, kỳ họp thứ 8 lần này không khí hội trường cũng rất sôi nổi, tính tranh luận nâng cao hơn. 

Một điểm đáng chú ý khác được đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) đề cập đến là “kỳ họp thứ 8 khá đặc biệt vì đây là kỳ họp dài nhất, kéo dài tới 5 tuần họp.”

Theo ông Trí, trong kỳ họp này, Quốc hội đã giải quyết khối lượng lớn công việc, trong đó nhiều nhất là lập pháp với rất nhiều vấn đề quan trọng, từ kinh tế, đất đai đến con người như Bộ Luật Lao động, sửa đổi Luật cán bộ, công chức, viên chức và một loạt quy định liên quan đến thuế, kiểm toán... đã được thông qua.

“Kỳ họp này dài, căng thẳng vì nội dung về lập pháp nhiều, song tôi có nhận xét chung là các đại biểu làm việc rất tích cực, đặc biệt Đoàn Hà Nội thể hiện rất rõ, mọi người đi họp khá đầy đủ và tích cực phát biểu, đóng góp,” ông Trí nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Trí cũng đánh giá, kỳ họp này có một số đổi mới, đó là tổ chức thảo luận tổ ngắn hơn. “Tôi cho rằng điều là điều hợp lý vì các phát biểu trên hội trường được nhiều người lắng nghe hơn,” ông Trí nêu quan điểm.

Kỳ họp thứ 8: Khối lượng công việc ‘nặng’ về lập pháp nhưng hiệu quả ảnh 2Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiếc vì… thời gian chất vấn ngắn

Chủ tịch Quốc hội đánh giá 4 Bộ trưởng kỳ này, có Bộ trưởng tham gia trả lời lần thứ 2, có Bộ trưởng tham gia trả lời lần đầu nhưng tất cả những câu trả lời đều đi vào trọng tâm. Đối với đại biểu, nhiều người cũng đã đặt câu hỏi thẳng thắn, còn Bộ trưởng trả lời trực tiếp vào câu hỏi của đại biểu.

Theo bà Trần Thị Hằng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh việc chất vấn và trả lời chất vấn nhìn chung được cử tri và người dân đánh giá cao.

Bên cạnh những điểm nổi bật trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) cũng lưu ý, kỳ họp thứ 8 lần này có những phần mà cá nhân ông và một số đại biểu Quốc hội cảm thấy tiếc, nhất là về thời gian chất vấn ngắn với 4 Bộ trưởng và các Phó Thủ tướng, đặc biệt là đối với Thủ tướng Chính phủ.

“Chỉ có một tiếng để chất vấn Thủ tướng nên tôi vẫn cảm thấy ‘thòm thèm.’ Khi chất vấn, Thủ tướng có vẻ còn muốn nói nữa, đại biểu Quốc hội cũng muốn nghe. Tôi tin là đại biểu Quốc hội mong muốn nghe và chất vấn thì cử tri cũng muốn nghe, muốn chất vấn, vì đại biểu Quốc hội mang tiếng nói của cử tri vào trong hội trường,” ông Trí nói.

Theo quan điểm của vị đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, thời gian đăng đàn của Thủ tướng ít nhất một buổi chiều thì mới truyền đạt được hết tâm tư nguyện vọng của cử tri.

“Chất vấn Thủ Tướng, lắng nghe tiếng nói của người đứng đầu sẽ giá trị hơn, vì chiến lược của Thủ tướng là một chiến lược mang tính tập thể hơn, bao trùm lên nhiều bộ ngành nên nhiều đại biểu chờ đợi,” ông Trí nhấn mạnh.

[Quốc hội thông qua xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành]

Mong các dự án luật sớm đi vào cuộc sống

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) cho rằng kỳ họp thứ 8 cơ bản thành công, trong đó việc thông qua Luật Lao động sửa đổi là một trong những nội dung ấn tượng, được người dân và cử tri cả nước quan tâm.

Vì thế, để thực hiện tốt các dự án Luật, ông Phương kiến nghị ngay sau khi Luật bắt đầu có hiệu lực, các tỉnh cần ban hành chương trình thực hiện, chương trình tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ở trên địa bàn. Với cách làm này, từng huyện, thành phố, thị xã; các hội Luật gia, luật sư ở các địa phương phải có trách nhiệm vào cuộc cùng với Sở tư pháp triển khai tuyên truyền phổ biến Luật.

Theo ông Phương, sở dĩ cần quan tâm đến việc tuyên truyền, thực hiện các dự án Luật ngay sau khi có hiệu lực, là bởi “nhiều Luật chưa đi vào tận lòng dân là do việc tuyên truyền, phố biến của chúng ta còn ở từng mức độ khác nhau.”

“Đơn cử như việc tuyên truyền, thường thì chỉ mới tới những người có hiểu biết, thường xuyên tiếp cận với các phương tiện truyền thông dễ dàng. Còn người dân ở các vùng sâu, vùng xa hoặc chính những đối tượng hay vi phạm pháp luật thì họ lại không có cơ hội, không muốn hoặc khó tiếp cận các phương pháp tuyên truyền,” ông Phương trăn trở và cho rằng “đây là yếu điểm cần được khắc phục và các cơ quan thông tin truyền thông cần có giải pháp để tuyên truyền sâu rộng hơn.”

Đồng tình với quan điểm này, ông Thạch Phước Bình-Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cũng chia sẻ: Những vấn đề mới, khó thì đại biểu đã tranh luận, thảo luận quyết liệt nhưng trên tinh thần chung là mong muốn mỗi dự thảo luật được thông qua thì sẽ đi ngay vào cuốc sống và đáp ứng được nhu cầu của người dân; mang hơi thở cuộc sống vào trong các dự án luật để việc triển khai không còn quá xa vời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục