Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Thực hiện thành công mục tiêu kép

Chiều 23/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Thực hiện thành công mục tiêu kép ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN)

Theo chương trình làm việc, chiều 23/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2019-2021.

Đại biểu cũng thảo luận về đánh giá giữa kỳ việc thực hiện: kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Con số Chính phủ báo cáo đem đến sự lạc quan

Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2018, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng với định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, đặc biệt là việc chỉ đạo quyết liệt trong tập trung hoàn thiện thể chế, đổi mới chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tình hình kinh tế-xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra.

Việc thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP đã tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội trong các năm tiếp theo.

Nhìn về 12 chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự kiến có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra, với nhiều điểm nhấn quan trọng như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng GDP ước cả năm đạt 6,7%, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn kiểm soát; thu ngân sách vượt dự toán, hỗ trợ cho chi đầu tư phát triển, thực hiện an sinh xã hội…

Các đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang), Tô Văn Tám (Kon Tum), Trương Trọng Nghĩa, Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại, trong nước bị thiên tai tác động... thì những kết quả đạt được là rất đáng mừng, tạo ra hiệu ứng lan toả nhất định giúp củng cố và tăng cường niềm tin trong nhân dân và các nhà đầu tư trong, ngoài nước.

“Những con số Chính phủ báo cáo cho chúng tôi sự lạc quan,” đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Ông phân tích, tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2018 tăng cao nhất kể từ năm 2008, đây là số liệu vượt trội trong 10 năm qua, điều đó cho chúng ta ước dự báo 2018 tăng trưởng kinh tế sẽ vượt chỉ tiêu đề ra.

Còn theo đại biểu Tô Văn Tám, 12 chỉ tiêu đều đạt đã cho thấy nỗ lực điều hành của Chính phủ và một bức tranh kinh tế năm 2018 tươi sáng với nhiều chỉ tiêu vượt cao. Chẳng hạn như chỉ tiêu xuất khẩu đặt kế hoạch 7-8% nhưng đã đạt 11,2%.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhìn nhận, giai đoạn vừa qua, kinh tế vĩ mô có bước chuyển biến tích cực so với đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Nền kinh tế có xu hướng đổi chiều, từ tăng trưởng chậm dần sang cao dần. Đây là thời cơ để tạo bước đột phá cao hơn trong nhiệm kỳ này.

Theo đại biểu, kiểm soát được lạm phát, giữ được kỳ vọng lạm phát dưới 4%; ổn định mặt bằng lãi suất, tín dụng tăng trưởng hợp lý, không có điểm tăng trưởng nóng hay chậm, nợ xấu có xu hướng xử lý được (dưới 3%); đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là thực hiện mục tiêu giảm nghèo và hạn chế tái nghèo là cố gắng lớn trong điều hành của Chính phủ.

[Kỳ họp thứ 6 Quốc hội: Nỗ lực chuyển biến đời sống dân tộc thiểu số]

Những băn khoăn

Tuy nhiên, các đại biểu còn băn khoăn về tình trạng thiếu bền vững trong nông nghiệp, khi mà 65% dân số sống ở nông thôn, 40% lao động trong nông nghiệp nhưng nền nông nghiệp vẫn còn bấp bênh, được mùa mất giá, giải cứu nông sản thường xuyên xảy ra, đời sống của người dân nông thôn còn thấp.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần có chính sách đột phá, phải giải quyết được bài toán ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh trong nền nông nghiệp.

Đồng thời phải giải quyết được vấn đề giao thông, bởi kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam là điểm thấp nhất trong đánh giá về năng lực cạnh tranh.

Chính phủ nên có chính sách mạnh mẽ hơn nữa trong giải bài toán về giao thông, đặc biệt là cao tốc Bắc-Nam, cũng như vấn đề giao thông đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, có như vậy mới giải quyết được bài toán về nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm chi phí logistics, từ đó tăng chi phí thu mua nông, sản phẩm, giảm chi phí lưu thông hàng hóa.

Cũng đề cập đến vấn đề này, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” lặp đi, lặp lại nhiều lần nhưng sự hỗ trợ, dẫn dắt của chính quyền còn hạn chế, bà con "tự bơi" nên khó khăn. Chính phủ cần quan tâm tháo gỡ.

Nên chăng mỗi địa phương có một sản phẩm chủ lực để xuất khẩu. Bên cạnh đó, Chính phủ cần quan tâm triển khai các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Ở một khía cạnh khác, đại biểu Phạm Phú Quốc (Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá, 9 tháng năm 2018, các doanh nghiệp thành lập mới nhiều (96,6 nghìn doanh nghiệp), tăng 2,8% so với cùng kỳ 2017, nhưng số doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể, ngưng hoạt động là 84,7 nghìn doanh nghiệp, lớn hơn tới 46% so với 58 nghìn doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể của năm 2017.

Khuynh hướng mở ra nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều doanh nghiệp tư nhân là tốt nhưng số doanh nghiệp ngưng, chờ ngưng và không hoạt động so với năm trước tăng rất cao.

Chính phủ cần tạo ra một môi trường thật tốt để hình thành nên các công ty tư nhân, tập đoàn tư nhân lớn, làm chủ lực cho nền kinh tế...

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, cần lưu ý hiện tượng một số doanh nghiệp thành lập ra để mua bán hóa đơn, nợ thuế xuất nhập khẩu rồi giải thể, sau đó lại thành lập doanh nghiệp mới. Chính phủ cần khảo sát thêm hiện tượng này.

Đại biểu cũng đề cập đến việc ngành giáo dục vừa qua đã để xảy ra một số sự việc gây tâm lý bất an cho phụ huynh, học sinh và nhân dân, như trong thi cử, hay vấn đề sách giáo khoa... cần được xem xét, giải quyết.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga bày tỏ sự băn khoăn về chất lượng thi công đường cao tốc.

Dẫn chứng từ dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi có hiện tượng một số vị trí mặt đường bị hư hỏng, bà Lê Thị Nga đề nghị cần đánh giá lại chất lượng các công trình hạ tầng, nhất là các công trình đầu tư công; đồng thời đề nghị Chính phủ kiểm tra và chấn chỉnh kịp thời khi phát hiện ra sai phạm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục