Sáng 16/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Dự thảo Luật trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này gồm 7 chương, 38 điều, quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Tại dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến lần này, nhiều quy định đã được chỉnh lý như về tên gọi của dự thảo Luật; về phạm vi điều chỉnh; về kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu bia.
Trong phiên họp tổ về nội dung này, nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; chủ động có giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn thực trạng sử dụng rượu, bia đang có xu hướng gia tăng.
[Quốc hội sẽ thảo luận dự Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia]
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, tập trung vào một số nội dung: tên gọi của Luật; bố cục, phạm vi điều chỉnh; tính khả thi của dự án Luật; chính sách trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý rượu thủ công; cơ chế kiểm soát, chế tài xử phạt đối với tổ chức, cá nhân sản xuất rượu, bia và tiêu dùng không đúng quy định; các hành vi bị nghiêm cấm; độ tuổi uống rượu, bia; kiểm soát việc quảng cáo rượu, bia...
Trong phiên họp chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến 3 nhóm chính sách chủ yếu, bao gồm nhóm chính sách về quy định chung, nhóm chính sách về quản lý dự án, nhóm chính sách về quản lý kế hoạch đầu tư công.
Quan phiên thảo luận tại tổ, đa số ý kiến đại biểu tán thành cần sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; chống thất thoát, lãng phí.
Các ý kiến tập trung làm rõ phạm vi điều chỉnh, áp dụng Luật; giải thích từ ngữ; bổ sung các lĩnh vực thuộc đối tượng đầu tư công; phân loại dự án đầu tư công; các hành vi bị cấm trong đầu tư công; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án; trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; biện pháp đầu tư công hiệu quả; báo cáo đánh giá tác động môi trường trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư; kế hoạch đầu tư công 3 năm; nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng Nhân dân; tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra, đánh giá kế hoạch, chương trình, dự án; thanh tra đầu tư công./.