Bắt đầu từ sáng 4/6 đến ngày 6/6, Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là hoạt động đặc biệt quan trọng của Quốc hội.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục sẽ có những cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Điểm mới nổi bật tại phiên chất vấn lần này là thời gian để mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn là 1 phút và sau khi 3 đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi, người bị chất vấn phải trả lời ngay; thời gian dành cho mỗi lần trả lời là 3 phút.
Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho rằng việc cải tiến, đổi mới này nhằm mục đích tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động của Quốc hội.
Sự điều chỉnh này sẽ làm tăng số lượng các đại biểu được hỏi và tập trung vào các vấn đề chính nên thời lượng cho mỗi đại biểu hỏi là 1 phút và người trả lời chất vấn 3 phút, thay vì nội quy là 5 phút đối với mỗi câu hỏi, qua đó, tạo điều kiện cho nhiều đại biểu Quốc hội có thể đặt câu hỏi và cũng để cho người trả lời chất vấn đi thẳng vấn đề.
Ông Lê Bộ Lĩnh đánh giá qua thí điểm tại Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đổi mới về thời lượng hỏi và trả lời chất vấn được cử tri đánh giá cao vì không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn thể hiện năng lực của người hỏi và người trả lời, đi thẳng vào vấn đề chứ không dàn trải. Bởi thực tế có đại biểu hỏi nhưng lại dẫn giải nhiều rồi mới đi đến câu hỏi, sự thay đổi này đòi hỏi đại biểu đặt thẳng câu hỏi và người trả lời phải trả lời vào nội dung chính thuộc trách nhiệm của mình.
[Kỳ họp thứ 5: Tăng đối thoại, tranh luận trong hoạt động nghị trường]
Phiên trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, các Bộ trưởng trả lời rất tốt, mang tính đối thoại cao, không khí chất vấn sôi động.
Theo ông Lê Bộ Lĩnh, khi cải tiến này được áp dụng trên hội trường làm cho không khí chất vấn sôi động hơn và được sự quan tâm của cử tri. Việc cải tiến để rút ngắn thời gian hỏi và trả lời sẽ tạo điều kiện cho nhiều đại biểu được chất và được trả lời.
Để tăng hiệu quả trong chất vấn, theo ông Lê Bộ Lĩnh, người hỏi phải nắm rõ phạm vi chất vấn, chủ đề chất vấn và đặc biệt trong phạm vi và chủ đề chất vấn phải nắm rõ quy định pháp luật về thẩm quyền, trách nhiệm của người được chất vấn, hạn chế đi vào sự việc, sự vụ./.