Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV: Đổi mới, hành động vì lợi ích nhân dân

Sau một tháng làm, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành tốt đẹp chương trình nghị sự, tiếp tục ghi dấu ấn đổi mới mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Sáng 21/6, sau một tháng làm việc với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành tốt đẹp chương trình nghị sự, tiếp tục ghi dấu ấn đổi mới mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.


Đổi mới từ cách thức hoạt động

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã kéo dài thời gian thảo luận tại hội trường về những nội dung quan trọng, được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước cùng theo dõi.

Việc tăng thời gian các phiên thảo luận về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước đã giúp có thêm nhiều đại biểu Quốc hội được trao đổi, nêu quan điểm, đề xuất các phương án giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước.

Không khí thảo luận dân chủ, cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm, không chỉ trong khuôn khổ hội trường Diên Hồng mà thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, được truyền tải tới toàn dân. Có thể nhận thấy, hoạt động của Quốc hội công khai, dân chủ ngày càng được mở rộng, toàn dân cùng tham gia bàn việc nước.

Ngay tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã quyết định dành ngày nghỉ (thứ Bảy) của tuần làm việc đầu tiên để thảo luận thêm về dự án Bộ luật Hình sự - nội dung đặc biệt quan trọng, động chạm tới nhiều vấn đề của cuộc sống xã hội.

Sau phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, vẫn còn 24 đại biểu Quốc hội đăng ký nhưng chưa được phát biểu và nhiều đại biểu vẫn muốn tiếp tục thảo luận để làm sáng tỏ một số vấn đề trước khi Ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo Bộ luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại cuối kỳ họp này.

Thể theo nguyện vọng này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức thảo luận thêm tại Hội nghị góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trực tiếp chủ trì Hội nghị quan trọng này.

Chú trọng chất lượng xây dựng luật

Công tác lập pháp luôn là một nội dung quan trọng trong hoạt động của Quốc hội. Việc đổi mới để nâng cao chất lượng công tác xây dựng luật pháp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn tiếp tục được đặt ra tại Kỳ họp này. Quy trình, cách thức "làm" luật được tuân thủ các quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phát huy những kết quả tích cực tại kỳ họp trước, việc thảo luận các dự án luật tiếp tục có sự tham gia của các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan. Cuối mỗi phiên thảo luận, bộ trưởng, trưởng ngành trả lời, giải đáp các nội dung đại biểu Quốc hội còn băn khoăn, qua đó tạo sự thống nhất, đồng thuận cao giữa các đại biểu và cơ quan xây dựng pháp luật.

Không chỉ tranh luận với ban soạn thảo, các đại biểu Quốc hội khi không đồng quan điểm với nhau về một nội dung, vấn đề, có thể giơ bảng để đăng ký tranh luận trở lại. Hình thức này tuy đã được thực hiện tại kỳ họp trước nhưng vẫn được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao bởi đã góp phần làm sáng tỏ vấn đề.

Đề cao chất lượng các văn bản luật được ban hành, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thống nhất chưa biểu quyết thông qua dự thảo Luật Quy hoạch như dự kiến ban đầu của Chương trình nghị sự. Qua thảo luận, tranh luận của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy dự án Luật Quy hoạch vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, có nhiều vấn đề liên quan đến quy định của nhiều luật hiện hành, cần có sự tham gia của các bộ, ngành chịu sự tác động trực tiếp của dự án Luật này. Vì vậy, dự án Luật Quy hoạch cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, nâng cao chất lượng để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.


Thực chất và hiệu quả

Trong ba ngày chất vấn và trả lời chất vấn, 58 lượt đại biểu Quốc hội đã tham gia tranh luận, bằng gần 30% tổng số lượt đại biểu Quốc hội chất vấn (196 lượt). Phần tranh luận đã làm cho sinh hoạt nghị trường trở lên sôi động hơn. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài ba ngày (tăng nửa ngày so với các kỳ họp trước đây) đã giúp làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề trong công tác quản lý, điều hành, giải đáp nhiều băn khoăn, thắc mắc, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Tiếp nối những đổi mới tích cực và hữu hiệu trong các phiên chất vấn lần trước, tại Kỳ họp này, quyền tranh luận của đại biểu Quốc hội tiếp tục được thực hiện và phát huy, với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng. Qua phần trả lời của các thành viên Chính phủ, đại biểu nào chưa hài lòng với câu trả lời có thể chất vấn lại, phản biện hoặc tranh luận thêm, làm rõ hơn nội dung chất vấn, đề cập sâu sắc từ nhiều góc độ và đi đến tận cùng của vấn đề.

Cũng qua phần tranh luận, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ có thể giải trình cặn kẽ hơn những việc đã làm, đang làm hoặc chưa làm được, những khó khăn đặt ra, định hướng sắp tới và giải pháp khả thi. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong lời phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 3 đã đánh giá "không khí thảo luận, tranh luận tại kỳ họp sôi nổi, thẳng thắn, thể hiện sự chuyển biến từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận với số lượt tranh luận tăng lên đáng kể".

Một điểm nhấn của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này là với mỗi nhóm vấn đề chất vấn, cùng với phần trả lời của các tư lệnh ngành, các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực đã trực tiếp tham gia giải trình, làm rõ những nội dung vượt quá thẩm quyền quản lý của một bộ, thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng phân định rõ trách nhiệm như vậy là để có giải pháp đúng tầm hơn.

Trong nửa ngày cuối cùng của phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã thay mặt Chính phủ, trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ, qua đó giúp cử tri, nhân dân hiểu rõ hơn các quyết sách của Chính phủ, những công việc sẽ triển khai trong thời gian tới...

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV tiếp tục ghi dấu tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Tâm tư, nguyện vọng của người dân đã được các đại biểu Quốc hội thẳng thắn phản ánh tại nghị trường.

Các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm đã được các đại biểu trao đổi, tranh luận, gửi gắm trong một tháng làm việc của Quốc hội, thể hiện trên tất cả các mặt xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Đây chính là tiền đề cho những hoạt động hiệu quả tiếp theo của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục