Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, sáng 16/11, Quốc hội biểu quyết Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau nội dung này, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này gồm 6 chương, 102 điều, quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.
[Đại biểu Quốc hội chia sẻ quan điểm về việc tách Luật Giao thông]
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, có ý kiến đề nghị không tách nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ ra khỏi dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất.
Tuy nhiên, đa số ý kiến cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008 theo hướng tách các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ thành luật riêng, trong đó, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tập trung điều chỉnh các nội dung cơ bản về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.
Trong phiên họp chiều, Quốc hội biểu quyết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo đề xuất của Chính phủ, việc ban hành Luật nhằm tạo ra bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông; giảm ùn tắc giao thông gắn với bảo vệ môi trường; xây dựng văn hóa giao thông văn minh.
Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến gồm 8 chương, 72 điều, được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Nội dung dự thảo Luật chủ yếu quy định về: quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Nội dung của dự thảo Luật đã được điều chỉnh để bảo đảm không trùng chéo với nội dung cụ thể trong các chính sách của dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và các Luật, dự án Luật khác có liên quan (như Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Cụ thể, về phương tiện tham gia giao thông đường bộ, dự thảo Luật chỉ quy định về điều kiện tham gia giao thông, đăng ký xe, không quy định về quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới; tổ chức an toàn giao thông “động” tách bạch với tổ chức giao thông gắn với kết cấu hạ tầng; công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, không quy định về xử lý vi phạm hành chính./.