Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều 4/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế-xã hội.
Một số đại biểu đã nêu ý kiến về các chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nguyễn Văn Chiến đã giải trình với Quốc hội về những nội dung này.
Cần có cơ chế đặc thù trong xây dựng nông thôn mới đối với các địa bàn khó khăn
Thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn có sự chuyển dịch tích cực; hạ tầng nông thôn được hoàn thiện, nông thôn phát triển theo quy hoạch; kiến trúc, cảnh quan không bị pha tạp; bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp được giữ gìn và khôi phục; đời sống người dân dần được nâng lên.
Tính đến tháng 8/2020, có 5.350 xã (đạt 60,23%), 152 đơn vị cấp huyện thuộc 46 tỉnh, thành phố trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, đối với một số địa phương còn khó khăn, đặc biệt là các vùng, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, kết quả xây dựng nông thôn mới còn chênh lệch khá lớn so với các vùng, miền của cả nước.
Báo cáo của Chính phủ đã nêu 2 vùng có tỷ lệ xã đạt nông thôn mới thấp nhất là miền núi phía Bắc (33,4%) và Tây Nguyên (44,2%).
Theo đại biểu Ma Thị Thúy, để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, việc có cơ chế hỗ trợ nguồn lực từ Trung ương theo hướng ưu tiên cho các địa phương gặp khó khăn là cần thiết.
Trong phân bổ vốn từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, cần ưu tiên hệ số hỗ trợ cao hơn đối với tỉnh, vùng còn nhiều khó khăn.
Đồng quan điểm với đại biểu Ma Thị Thúy, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình hợp lòng dân, sát với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo đại biểu Trần Văn Mão, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở một số địa phương trong thời kỳ đầu chưa quyết liệt; ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội huy động cho chương trình còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế.
Bên cạnh đó, việc lồng ghép các chương trình, dự án khác trong thực hiện Chương trình nông thôn mới gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao...
Đại biểu Trần Văn Mão kiến nghị, trong quá trình hướng dẫn lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình dự án khác để góp phần xây dựng nông thôn mới, cần có hướng dẫn cụ thể về huy động nguồn lực trong nhân dân để tránh huy động quá sức dân, đặc biệt là giai đoạn khó khăn, khắc nghiệt như hiện nay.
Cùng với đó, có cơ chế chính sách cụ thể về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hướng dẫn về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp với quy mô trang trại sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn.
Đại biểu cũng cho rằng, cần có cơ chế đặc thù đối với các địa bàn khó khăn trong xây dựng nông thôn mới; bố trí nguồn lực theo hướng ưu tiên tiêu chí nâng cao đời sống nhân dân ở nông thôn; chỉ đạo các địa phương lập dự án, kế hoạch triển khai đồng bộ theo lộ trình và từng bước đi thích hợp.
Đại biểu đề nghị cần coi trọng ưu tiên chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với tái cơ cấu kinh tế; công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn lực đầu tư của Trung ương đúng quy định, sát thực tế, linh hoạt, tạo động lực thúc đẩy để các địa phương hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới.
Tích hợp ban hành các chính sách hỗ trợ giảm nghèo
Nêu ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đại biểu Ma Thị Thúy đánh giá, chương trình đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội và phát triển bền vững, giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2019.
Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm đều qua các năm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống còn 3,75% vào cuối năm 2019; bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm.
Tại các huyện nghèo, tỷ lệ này cũng giảm đều qua các năm, từ 50,43% cuối năm 2015 còn 27,85% cuối năm 2019; bình quân trong 4 năm giảm 5,65%/năm.
[Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số]
Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nêu, kết quả giảm nghèo một số nơi chưa bền vững, chưa đồng đều.
Chênh lệch về giàu nghèo, về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; hiện tỷ lệ nghèo tại một số huyện vẫn trên 50%.
Nguyên nhân, theo đại biểu, là do điều kiện kinh tế-xã hội của các khu vực miền núi có xuất phát điểm thấp, mặt bằng dân trí còn hạn chế, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa đảm bảo...
Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện các hoạt động sản xuất, đào tạo, hỗ trợ việc làm, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở vùng có điều kiện khó khăn.
Để chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 triển khai thực hiện có hiệu quả ở những khu vực này, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tích hợp các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trong các chính sách phát triển kinh tế-xã hội theo hướng hỗ trợ các điều kiện hoặc hỗ trợ trực tiếp đối với các chính sách có ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, như giáo dục, y tế.
Các chính sách khác sẽ được hỗ trợ bằng hình thức cho vay có hoàn trả.
Đại biểu cũng đề nghị tăng mức cho vay tín dụng ưu đãi, kéo dài thời gian vay vốn với lãi suất ưu đãi cho một số loại hình sản xuất có chu kỳ sản xuất chăn nuôi dài như trồng rừng; chăn nuôi trâu, bò; các cơ sở hộ sản xuất kinh doanh ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn.
Cùng với đó, phân cấp tổ chức thực hiện cho địa phương, cơ sở theo phương thức hỗ trợ trọn gói, giao quyền cho địa phương…
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được đặc biệt quan tâm
Giải trình một số nội dung, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định, ý kiến của các đại biểu nêu là đúng với thực tế. Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã nhiều lần đề cập những nội dung này.
Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc và ban hành Kết luận số 65 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.
[Phát triển nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số, miền núi]
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án tổng thể và tại Kỳ họp thứ 10 đã ban hành Nghị quyết số 120 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Ngay sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị quyết kèm theo kế hoạch chi tiết để thực hiện.
Hiện nay, đã thành lập xong Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia này do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Trưởng ban; hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi; thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý 4/2020.
Ủy ban Dân tộc-cơ quan thường trực cũng đã hoàn thành xây dựng một số tiêu chí về phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định giữa nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và nhóm dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù, trình với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồng bộ để tổ chức thực hiện.
Trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp và dự toán kinh phí ngân sách của giai đoạn 2021-2025 trình với Quốc hội.
Nguồn vốn này đã được bố trí trong giai đoạn 2021 và vốn trung hạn 2021-2025. Ủy ban Dân tộc đã thông báo nguồn vốn công khai đến 51 tỉnh. Trên cơ sở tiếp nhận lại thông tin của các tỉnh, Ủy ban Dân tộc đã làm việc với 15 tỉnh; từ đó có đánh giá, đây là một quyết sách hết sức đúng đắn.
“Khi chúng ta thực hiện có hiệu quả mục tiêu chương trình quốc gia này, sẽ giải quyết căn cơ những nội dung, những khó khăn và chắc chắn đời sống của đồng bào sẽ được nâng lên một bước,” Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định.
Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nhận định, trong lúc tình hình đất nước còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ dành 104.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một sự quan tâm rất đặc biệt.
Cũng theo Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến, trước sự đau thương, mất mát của đồng bào miền Trung trong cơn bão lũ, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã dành sự quan tâm rất đặc biệt. “Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cân đối lại nguồn vốn phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo hướng ưu tiên tăng thêm cho các tỉnh bị lũ lụt ở miền Trung để góp phần giải quyết nhà ở và phục hồi sinh kế cho đồng bào sớm ổn định cuộc sống,” Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết./.