Kỳ họp HĐND Thành phố Hồ Chí Minh: Thảo luận một số vấn đề cấp bách

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị Hội đồng Nhân dân thành phố tập trung thảo luận sâu, kỹ nội dung nhiệm vụ, giải pháp năm 2022, trong đó có tốc độ tăng trưởng GRDP từ 6-6,5%.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 4, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khóa X. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Sáng 7/12, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã khai mạc Kỳ họp thứ 4, thảo luận và giải quyết một số vấn đề quan trọng, cấp bách của thành phố cho mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, đại biểu Quốc hội khóa XV cùng dự phiên khai mạc.

Chỉ đạo tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng liên quan đến việc phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thành phố giai đoạn 2021-2025, hướng đến mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI.

Bí thư Thành ủy đề nghị Hội đồng Nhân dân thành phố tập trung thảo luận sâu, kỹ nội dung nhiệm vụ, giải pháp năm 2022; mục tiêu tổng quát và 20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu, trong đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 từ 6-6,5%.

Hội đồng Nhân dân cần quan tâm thảo luận, cho ý kiến cụ thể việc xây dựng và triển khai chiến lược y tế, trọng tâm là củng cố hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; tăng cường nhân lực y tế; nâng cao ý thức xã hội, làm cho từng cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị và mỗi người dân là một chủ thể của chiến lược phòng, chống dịch.

Các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố bàn bạc, xem xét kỹ Đề án nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 trong điều kiện tổ chức chính quyền đô thị.

Hội đồng Nhân dân thành phố cần có giải pháp đổi mới hình thức và phương thức giám sát, bảo đảm tính thực chất, chọn những vấn đề trọng tâm, nhất là công tác xây dựng chính quyền đô thị, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính và giải quyết những vấn đề bức thiết của cử tri và người dân.

Ghi nhận, đánh giá cao các đại biểu Hội đồng nhân dân nỗ lực thực hiện chức năng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện vai trò giám sát xã hội, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị các đại biểu tiếp tục nêu cao vai trò dân cử, tập trung chất vấn có trọng tâm, trọng điểm trong phiên chất vấn và trả lời chất tại kỳ họp, giúp Ủy ban Nhân dân thành phố, các sở, ban, ngành, quận, huyện nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, thực thi các công việc, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp ngày càng kịp thời, hiệu quả hơn.

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố cho biết Kỳ họp thứ 4 sẽ đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện những nỗ lực, cố gắng của thành phố trong thời gian qua  đồng thời tìm ra hướng đi mới phù hợp, nhất là trong giai đoạn Thành phố Hồ Chí Minh tích cực hoàn thành việc xây dựng kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 thời gian tới; tập trung phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2025.

[TP.HCM: Củng cố hệ thống chính trị, hệ thống y tế đáp ứng yêu cầu]

Kỳ họp thứ 4, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X thảo luận, xem xét cho ý kiến về tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thành phố 5 năm 2021-2026; công tác quyết toán ngân sách thành phố năm 2020, ước thực hiện thu chi ngân sách năm 2021 và dự toán phân bổ ngân sách năm 2022.

Các đại biểu thảo luận, xem xét thông qua Nghị quyết phát triển liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, đô thị, văn hóa-xã hội, giáo dục, y tế, biên chế-tổ chức trong những năm tới như: Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021 - 2025; Kế hoạch đầu tư công năm 2022; cơ chế chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở trong giai đoan thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19...

Các đại biểu cũng thảo luận về báo cáo nhiệm vụ lập quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch biên chế hành chính, số lượng người làm việc và hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP) tại các đơn vị sự nghiệp, Hội có tính chất đặc thù trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022...

Bên cạnh đó, Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ nghe báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ sau Kỳ họp thứ nhất đến trước Kỳ họp thứ ba, Hội đồng nhân dân thành phố khóa X; báo cáo kết quả giám sát chuyên đề: hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch trên địa bàn...

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khóa X. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh xác định chủ đề năm 2022 là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp."

Đồng thời, thành phố đề ra 19 chỉ tiêu, trong đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt 6-6,5%, duy trì tỉ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; tạo việc làm mới cho 140 nghìn lao động, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%...

Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết do tác động của dịch COVID-19, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố không đạt theo kế hoạch. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố năm 2021 ước giảm 6,78% so với năm trước (cùng kỳ tăng 1,39%) và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (6%).

Thành phố Hồ Chí Minh đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh; thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội; củng cố quốc phòng-an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; duy trì các hoạt động đối ngoại làm cơ sở để thành phố chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” từ quý 4. Các hoạt động kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại; các chỉ tiêu kinh tế-xã hội có dấu hiệu dần phục hồi.

Kỳ họp thứ 4, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục