Kỳ họp 2 Quốc hội khóa XIV: Tăng cường thảo luận về tái cơ cấu kinh tế

Tại kỳ họp này, thời gian thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội sẽ tăng lên để thảo luận về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế; việc trình bày quá nhiều báo cáo trong cùng một buổi sẽ được hạn chế.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 6/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Chỉ trình những dự án Luật đáp ứng đủ quy định của pháp luật

Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự kiến chương trình chi tiết kỳ họp thứ 2 được bố trí như thông lệ; tuy nhiên, để hạn chế việc trình bày quá nhiều báo cáo trong cùng một buổi, dự kiến tại một số phiên họp sẽ bố trí trình bày tờ trình, báo cáo tại hội trường trước khi thảo luận tại tổ.

Thời gian thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội sẽ tăng từ 1 ngày lên 1,5 ngày để thảo luận về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế; bố trí muộn hơn thảo luận ở tổ các nội dung về kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu tài liệu.

Dự kiến thời gian tiến hành kỳ họp là 24 ngày làm việc và dự kiến bế mạc vào ngày 19/11/2016.

Tổng Thư ký đề nghị Thường vụ Quốc hội cho bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 (theo quy định tại Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016); rút 2 nội dung: dự án Luật công an xã để tiếp tục hoàn thiện và dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để sau khi tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” sẽ có cơ sở đầy đủ, toàn diện cho việc sửa đổi Luật. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ chuẩn bị nội dung giải trình về vấn đề này để báo cáo Quốc hội.

Một số nội dung trong các báo cáo trình Quốc hội cần tiếp tục được làm rõ, cụ thể là: “Bài học kinh nghiệm và các giải pháp để bảo vệ môi trường” trong Báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường liên quan đến Formosa; “Việc chỉ đạo thực hiện các giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” và “tình hình biến đổi khí hậu gây thiệt hại cho kinh tế-xã hội, giải pháp khắc phục trong thời gian tới” trong Báo cáo về kinh tế-xã hội; "Công tác quản lý và hiệu quả sử dụng vốn ODA giai đoạn 2011-2015” trong Báo cáo về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công.

Về việc xem xét, phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổng Thư ký cho biết đây là nội dung thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét, quyết định, tuy nhiên hiện nay chưa nhận được Tờ trình của Chủ tịch nước.

Qua thảo luận, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với Báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội về một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Về đề nghị bỏ nội dung “Bộ trưởng báo cáo, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội” tại phiên họp thảo luận dự án luật tại hội trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và nhiều ý kiến khác trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm đây là trách nhiệm của Bộ trưởng (đại diện cơ quan trình dự án, dự thảo) trong việc giải trình các vấn đề liên quan đến dự án, dự thảo mà đại biểu Quốc hội nêu lên, tạo cơ sở quan trọng để Quốc hội xem xét, quyết định. Vì vậy đề nghị giữ nguyên như dự kiến, Bộ trưởng báo cáo, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên họp thảo luận dự án luật tại hội trường.

Nhận định công tác xây dựng pháp luật là nội dung đặc biệt quan trọng của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh Quốc hội là cơ quan lập pháp nên Quốc hội phải tuân thủ các quy định của pháp luật, cụ thể là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đối với các dự án Luật không tuân thủ quy định của luật pháp, không đủ hồ sơ, không tuân thủ trình tự, thời gian, đề nghị kiên quyết không xem xét, không được "du di."

Quan điểm này nhận được sự đồng tình của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhiều ý kiến nêu các Ủy ban của Quốc hội trong quá thẩm tra dự án Luật cần phải thể hiện chính kiến của mình về chất lượng dự án Luật có đảm bảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét hay không...

Một nội dung khác về cách thức tiến hành kỳ họp cũng nhận được sự quan tâm của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm cá nhân, tại các phiên họp buổi chiều, nếu vẫn còn ý kiến đại biểu phát biểu thì cần kéo dài thời gian để đại biểu có thể thể hiện quan điểm, chính kiến của mình, nhưng chỉ kéo dài thời gian trong ngày hôm đó, không sang ngày hôm sau.

Nhiều ý kiến trong Thường vụ Quốc hội không tán thành quan điểm này, cho rằng chỉ nên họp đến hết giờ quy định như mọi kỳ, các ý kiến chưa phát biểu được gửi tới cơ quan chức năng xem xét; nếu cần thiết thì kéo dài thời gian của kỳ họp. Nhiều ý kiến cũng cho rằng Quốc hội không nên họp vào ngày Thứ 7, đây là khoảng thời gian để các Ủy ban của Quốc hội làm việc, hoàn thiện báo cáo, hồ sơ; đây cũng là khoảng thời gian để các đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm về điạ phương để giải quyết công việc tại địa phương.

Kết luận phần thảo luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh trong hoạt động lập pháp, Quốc hội phải tuân thủ quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật về quy trình, thời gian xây dựng pháp luật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý để hoàn thiện văn bản; tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp trong kỳ họp, nhưng phải tuân thủ kỷ cương, kỷ luật, Luật báo chí. Chủ tịch cũng đề nghị báo chí quan tâm tuyên truyền đưa tin về kỳ họp, bình luận đúng bản chất sự việc.

Cho ý kiến về dự án Luật quy hoạch

Thời gian còn lại của phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật quy hoạch

Thẩm tra dự án Luật, Thường trực ủy ban Kinh tế nhận thấy Cơ quan soạn thảo đã thực hiện rà soát danh mục các quy định hiện hành cần sửa đổi sau khi ban hành Luật quy hoạch và bổ sung Điều 67 về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các điều, khoản tại các luật quy định về quy hoạch gồm 43 khoản theo đó sửa đổi, bổ sung 43 luật, pháp lệnh có quy định về quy hoạch.

Tuy nhiên, phần thuyết minh mới chỉ nêu chung chung lý do sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh này do mâu thuẫn, chồng chéo và xung đột với nhau hoặc với dự thảo Luật quy hoạch về loại và cấp quy hoạch; nguyên tắc lập quy hoạch; nội dung quy hoạch; thẩm quyền lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch; quản lý quy hoạch... mà chưa có thuyết minh cụ thể cho từng nội dung sửa đổi. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo cần bổ sung thuyết minh cụ thể, chi tiết cho từng nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung để thuyết phục hơn.

Về “Quy hoạch sử dụng đất quốc gia,” do tính chất quan trọng và đa ngành, đa mục đích của nguồn tài nguyên này đối với việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và phù hợp với quy định của Điều 45 Luật đất đai về thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ quy hoạch sử dụng đất ở cấp quốc gia, đồng thời quy định theo hướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia.

Về “Quy hoạch không gian biển quốc gia," do tính chất quan trọng và vị trí của biển trong phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, đề nghị nghiên cứu, xem xét quy định quy hoạch không gian biển quốc gia phải do Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp lập quy hoạch và trình Quốc hội phê duyệt. Quy hoạch phải gắn với chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường biển, hải đảo ở cấp quốc gia.

Cho ý kiến về dự án luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá quy hoạch là vấn đề rất lớn. Theo chương trình, dự án luật này đưa vào chương trình kỳ họp thứ hai, nhưng Phó Chủ tịch còn băn khoăn và đề nghị đại diện ban soạn thảo phải giải trình rõ với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại sao lại có quy hoạch tổng thể quốc gia, tại sao lại có quy hoạch vùng, quy hoạch biển quốc gia; Lợi ích và tác động của quy hoạch này sẽ như thế nào so với quy hoạch hiện nay.

Về thẩm quyền cũng phải làm rõ, trong Luật Đất đai, quy hoạch tổng thể đất đai quốc gia thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định như dự thảo luật này thì quy định Chính phủ phê duyệt và quyết định, điều này đúng không, có phù hợp với Hiến pháp không... Chính phủ phải có báo cáo giải trình làm rõ những nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu.

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng sẽ trình dự án Luật quy hoạch ra Quốc hội để xin ý kiến lần đầu theo đúng chương trình kỳ họp. Tuy nhiên, ban soạn thảo và Ủy ban Kinh tế cũng cần lưu ý, rà soát thật kỹ với các luật có liên quan. Quy hoạch là ở tầm chiến lược, Quốc hội phải quyết định vấn đề này.

Với quan điểm Luật sẽ mở ra một tầm nhìn mới, một quy hoạch mới theo đúng tinh thần của cơ chế mới tuy nhiên phải nghiên cứu thật kỹ để luật không có khoảng trống pháp lý. Cùng với đó, Ủy ban Kinh tế phải thẩm tra trước và thể hiện rõ chính kiến trước khi đặt trên bàn Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo mà đại diện là Bộ trưởng phải giải trình rõ nội dung của các đại biểu Quốc hội nêu trong quá trình thảo luận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục