Liên quan đến kỳ án mẹ đi đòi lại con tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, các luật sư sau đều cho rằng: Ngay từ khi tách bé D.A ra khỏi mẹ, anh Ngọc đã vi phạm nghiêm trọng một loạt các điều Luật. Đặc biệt, khi không chấp hành thi hành án, nhất là trong trường hợp đã có biện pháp cưỡng chế cần thiết, đương sự này rất có thể sẽ đối mặt với việc bị truy tố trách nhiệm hình sự và có thể chịu mức hình phạt cao nhất lên tới 3 năm tù.
Sai luật và trái đạo đức
Trước đó, như VietnamPlus đã thông tin, từ gần 1 năm nay, chị Bùi Thị Hằng (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã bắt đầu hành trình đằng đẵng đi đòi lại bé gái do mình mang nặng đẻ đau từ tay người chồng không hôn thú. Bất chấp việc Tòa án nhân dân huyện đã ra quyết định giao quyền nuôi con cho chị, đương sự Lương Ngọc vẫn không chấp hành án và liên tục đưa bé D.A di chuyển khắp nơi.
Nhìn nhận sự việc trên góc độ pháp lý, Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Interla cho rằng: Hành động của đương sự Ngọc đã vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của bé D.A cũng như chị Hằng. Ông Hòe phân tích: “Dù có thỏa thuận hay không thỏa thuận về việc nuôi con thì chị Hằng cũng là người có quyền trực tiếp nuôi dưỡng bé con. Hành vi tách bé khi mới được 7 tháng tuổi, độ tuổi mà sự sinh trưởng hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn sữa mẹ cũng như sự chăm sóc, nuôi dưỡng của người mẹ là đã xâm phạm vào quyền lợi ích, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của bé D.A. Hành vi này của anh Ngọc không chỉ vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình mà còn thể hiện thái độ tiêu cực, trái với đạo đức xã hội.”
[Người đàn bà khắc khoải trong hành trình tìm con]
Bên cạnh đó, theo Luật sư Hòe, việc anh Ngọc tách bé D.A khỏi mẹ khi cháu chưa được 1 tuổi đồng thời cũng vi phạm Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
“Tại Điều 13 của Luật này quy định: Trẻ em có quyền sống chung với cha mẹ. Không ai có quyền buộc trẻ em phải cách ly cha mẹ, trừ trường hợp vì lợi ích của trẻ em. Như vậy, rõ ràng, người có quyền nuôi dưỡng chăm sóc bé D.A là chị Hằng. Và theo quy định trên thì không ai được phép buộc bé D.A cách ly chị Hằng,” Luật sư Hòe nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cũng tại khoản 6 Điều 7 Luật đã nghiêm cấm các hành vi: Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em... Căn cứ vào điều này, luật sư Hòe đánh giá: Việc anh Ngọc đưa bé rời khỏi nơi cư trú, vào miền Nam mà không được sự cho phép của chị Hằng, đồng thời cũng không cho chị Hằng biết được địa chỉ của bé có tính chất của hành vi chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em – một hành vi đã bị nghiêm cấm theo khoản 6 Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nêu ở trên.
[Hành trình gần 1 năm đi tìm đứa con mang nặng đẻ đau]
Cùng chung quan điểm, Luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú) chia sẻ: Việc đương sự Ngọc tách bé D.A khỏi mẹ có khả năng gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe và sự phát triển của bé. Mặc dù với tư cách là bố đẻ, anh Ngọc có quyền được thăm nuôi nhưng anh Ngọc đã có hành vi “vượt quá” quyền và nghĩa vụ của mình.
Có thể bị truy cứu hình sự
Liên quan đến việc đương sự Ngọc kiên quyết không chấp hành phán quyết của Tòa án nhân dân huyện Tĩnh Gia, các luật sư đều đồng nhất quan điểm: Nếu tiếp tục bảo lưu quan điểm trên, đương sự rất có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, theo Luật sư Trương Quốc Hòe, trong vụ việc kể trên, rõ ràng Tòa án đã có quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên về việc giao con cho mẹ nuôi dưỡng. Vì vậy, việc anh Ngọc không chấp hành có thể bị xử lý theo khoản 3, Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
c) Không thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận theo quyết định công nhận sự thỏa thuận của Tòa án nhân dân.
[Vụ án “đòi con” chậm thực thi: Cơ quan công an cần vào cuộc]
Bên cạnh đó, tại Điều 304 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 cũng quy định: “Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Theo quy định này, trong trường hợp chấp hành viên đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết mà anh Ngọc vẫn không giao con cho mẹ theo như Quyết định của Tòa án thì anh Ngọc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án với mức hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Trong khi đó, Luật sư Tú cho hay: Đối với vụ việc này, nếu cơ quan thi hành án đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế cần thiết mà vẫn không có kết quả thì người mẹ vẫn nên thực hiện việc trình báo cơ quan công an khởi tố anh Ngọc về tội không chấp hành án theo quy định tại Điều 304 Bộ luật hình sự.
VietnamPlus sẽ tiếp tục cập nhật những diễn biến mới nhất tới bạn đọc./.