Kỳ 2: Đưa bộ gõ Unikey chinh phục nền tảng di động

Sau UniKey, Phạm Kim Long cùng một đồng nghiệp bắt tay xây dựng bộ gõ tiếng Việt Laban Key dành cho di động.

Bỏ chức giám đốc trung tâm nghiên cứu phát triển tại một công ty viễn thông lớn, chàng “Hiệp sỹ công nghệ thông tin” trở lại với niềm đam mê thời sinh viên của mình là làm bộ gõ tiếng Việt miễn phí.

Năm 2007, sau 10 năm nghiên cứu và làm việc tại Cộng hòa Séc, Phạm Kim Long về nước và được mời làm việc tại IBM Việt Nam với dự án về điện toán đám mây.

Thế nhưng, sau hai năm, dường như công việc của một kỹ sư tại IBM không đem lại những thách thức cần thiết cho Long. Anh chuyển sang một công ty viễn thông lớn của Việt Nam, theo lời mời từ người bạn học đang làm việc tại đây. Ba năm làm giám đốc trung tâm nghiên cứu phát triển, Long khá thoải mái với công việc nhưng dường như chàng “Hiệp sỹ công nghệ thông tin” vẫn thấy thiếu một cái gì đó.

Cái thiếu đó chính là sự say mê điên cuồng trong việc tạo ra và đưa một phần mềm như UniKey. “Mình yêu thích tạo ra những sản phẩm với hàng triệu người dùng và không thích các công việc quản lý hành chính, giấy tờ lắm. Nếu cứ vướng vào các việc quản lý, sự vụ hàng ngày, mình sẽ khó theo đuổi niềm đam mê làm sản phẩm và trở thành một người ‘già, béo, xấu’ trong lĩnh vực này," Long tâm sự.

Trong một lần tình cờ gặp Vương Quang Khải, người sáng tạo ra Zing và Zalo, Phạm Kim Long được chia sẻ về giấc mơ tạo ra sản phẩm hàng triệu người dùng trên Internet. Ngay lập tức, Khải đã bày tỏ mong muốn tác giả UniKey cùng biến giấc mơ này thành hiện thực.

Bị thuyết phục bởi mong ước lãng mạn này, Long quyết định rời chức giám đốc, về với làm cùng Khải để xây dựng nhóm sản phẩm tiện ích dành cho di động với tên gọi chung là Laban.

"Trận chiến" đặc biệt


Sản phẩm đầu tiên mà Phạm Kim Long cùng Vương Quang Khải bắt tay xây dựng là Laban Key, cũng là bộ gõ tiếng Việt, nhưng dành cho di động.

Không giống với với UniKey trên máy tính (chỉ có đối thủ là VietKey), thị trường điện thoại di động có hàng loạt phần mềm cạnh tranh sừng sỏ đến từ nước ngoài. Bên cạnh nhiều hãng phần mềm tham gia làm bộ gõ, các hãng điện thoại di động lớn nhất thế giới cũng đầu tư hàng triệu USD phát triển sản phẩm bàn phím hỗ trợ cho nhiều ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt. Đây là chưa kể đến đối thủ trong nước ra đời trước vài năm cũng đã có tới cả triệu lượt tải.

“Những kinh nghiệm thành công trên UniKey chỉ giúp tôi hình dung trước những khó khăn khi xây dựng một sản phẩm đại chúng. Trên di động mọi việc rất khác. Trước đây, các đại gia như Microsoft không quan tâm nhiều đến người dùng Việt Nam. Còn bây giờ, Laban Key phải cạnh tranh với rất nhiều phần mềm cả trong và ngoài nước," Long chia sẻ.

Thực tế, không có nhiều người hiểu rõ về mục đích thực sự của những sản phẩm “họ” Laban mà Phạm Kim Long cùng các cộng sự của mình thực hiện. Tranh đấu quyết liệt với những đối thủ công nghệ sừng sỏ trên thế giới, mục tiêu của Laban Key và sản phẩm cùng “họ” là đem đến những tiện ích có tính địa phương hóa cao nhất cho người dùng Việt Nam.

Thế giới Internet đã trở thành ngôi làng toàn cầu, đa số các lập trình viên đều muốn làm ra những sản phẩm mang tính thời thượng, được dư luận chú ý một cách nhanh chóng. 

Trong khi đó, Phạm Kim Long không hề nôn nóng, vội vã vẫn miệt mài, kiên nhẫn và thầm lặng với sản phẩm của mình.

Sau bốn tháng ra mắt trên kho ứng dụng Google Play, từ tháng 9/2013, đúng như dự đoán của chàng “Hiệp sỹ bộ gõ," sản phẩm có khởi đầu khá chật vật bởi nhiều lý do như người dùng chưa quen, phần mềm nước ngoài có nhiều công nghệ tiên tiến, bản thân nội tại cũng còn nhiều nhược điểm…

Tương tự như UniKey trước đây, việc thu nhận và cải tiến liên tục từ góp ý của người sử dụng khiến cho Laban Key có những cải tiến vượt bậc. Điển hình như khi cung cấp thêm tính năng chọn chủ đề bàn phím, số lượng download ứng dụng này trên Google Play tăng vọt… Tháng 3/2014, sáu tháng kể từ khi ra đời, Laban Key đã có mặt trong top ứng dụng được xếp hạng cao nhất trên Google Play, với hơn 500.000 lượt tải.

Theo đánh giá của các chuyên gia về công nghệ, so với bộ gõ tiếng Việt khác trên thị trường, Laban Key nổi trội hơn nhờ tương thích với các hệ điều hành mới nhất của Android. Bên cạnh đó, sản phẩm của Phạm Kim Long còn có tính năng đoán từ thông minh và đáp ứng được nhiều nhu cầu đa dạng của người dùng.

Với các bàn phím đa ngôn ngữ của đối thủ ngoại, bộ gõ này có ưu điểm ở khả năng bản địa hóa cho riêng người Việt Nam và sát với nhu cầu thực tế, đáp ứng được thói quen gõ tiếng Việt như trên PC của người dùng...

Tuy nhiên, để thật hoàn thiện thì Laban Key còn đang thiếu một số tính năng cao cấp ở các bộ gõ ngoại như khả năng quét tay trên bàn phím để nhập liệu, khả năng học thói quen của người dùng.

Với bối cảnh như vậy, mặt trận mới này của “Hiệp sỹ” sẽ khó khăn gấp bội, cơ hội để Laban Key có thể tạo nên kỳ tích như UniKey quả thật rất mong manh. Bản thân Phạm Kim Long là người hiểu rõ hơn ai hết vấn đề này.

Nhưng với Long, “Laban Key cũng như nhiều sản phẩm khác trong 'họ' Laban làm ra không phải để tạo nên kỳ tích mà để cộng đồng có thêm những sản phẩm hữu ích, thiết thực." Và tương tự, tiếp tục kế thừa tinh thần của UniKey, các sản phẩm thuộc họ Laban sẽ là những sản phẩm chất lượng và hoàn toàn miễn phí, Long khẳng định!/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục