Mạng tin Al-Monitor mới đây đăng bài phân tích đánh giá Kuwait đang phải đối mặt với làn sóng phá sản doanh nghiệp mới trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 làm tổn thương sâu sắc nền kinh tế quốc gia vùng Vịnh này.
Quốc vương Kuwait Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah qua đời hôm 29/9 vừa qua, để lại di sản ngoại giao và những tình cảm tích cực ở Kuwait, Trung Đông và trên toàn thế giới.
Ông nổi tiếng là "nhà thông thái" của khu vực, và trong những năm gần đây đã làm việc không mệt mỏi để chấm dứt những rạn nứt trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC).
Một tuần trước khi ông qua đời, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trao tặng cho vị Quốc vương 91 tuổi này một trong những giải thưởng danh giá và hiếm hoi của Nhà Trắng, vốn chỉ được trao tặng lần gần nhất cách đây ba thập kỷ.
Washington ca ngợi những nỗ lực trung gian hòa giải không ngừng của Quốc vương Sabah đối với hòa bình khu vực.
Quốc vương Sabah qua đời trong bối cảnh Kuwait ghi nhận hơn 100.000 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời quốc gia này cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế được coi là tồi tệ nhất trong số các nước vùng Vịnh.
Ngân hàng Deutsche Bank ước tính nền kinh tế trị giá 140 tỷ USD của Kuwait có thể sụt giảm tới 7,8% trong năm nay.
Quốc vương kế nhiệm, Nawaf Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah, 83 tuổi, đã tuyên thệ hôm 30/9 vừa qua, song cuộc khủng hoảng quan trọng nhất trong lịch sử Kuwait có lẽ còn lâu mới chấm dứt.
[Kuwait sắc phong ông Sheikh Meshal al-Ahmad làm tân Thái tử]
Nhà phân tích kinh tế Geoffrey Martin có trụ sở tại Kuwait dẫn một số nguồn tin đáng tin cậy cho rằng tỷ giá đồng nội tệ của Kuwait có thể sụt giảm tới 25% trong thời gian tới, và điều này sẽ có tác động rất lớn đến điều kiện sống của người dân nước này.
Doanh nghiệp bên bờ vực phá sản
Hồi tháng Tư vừa qua, Kuwait đã thông qua gói kích thích trị giá 5,2 tỷ USD nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng rất miễn cưỡng cung cấp các khoản vay trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là nhiều SME tại Kuwait đang trên bờ vực phá sản.
Đáng chú ý, Kuwait vẫn chưa công bố kế hoạch cụ thể nhằm giải cứu nhóm các doanh nghiệp khu vực tư nhân hay hỗ trợ tích cực cho 25.000-30.000 SME đang hoạt động tại quốc gia này.
Giới phân tích đã cảnh báo về khả năng khu vực tư nhân của Kuwait sẽ phải tự thích ứng để tồn tại và vượt qua cuộc khủng hoảng này.
Theo James Swanston, một nhà kinh tế học chuyên về khu vực Trung Đông và Bắc Phi tại Capital Economics, cải cách kinh tế là những thứ cần phải thực hiện ở Kuwait nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác tại vùng Vịnh. Môi trường kinh doanh của Kuwait được đánh giá tồi tệ nhất trong số tất cả các quốc gia thuộc GCC.
Tuy nhiên, Kuwait là một quốc gia quân chủ lập hiến, và Quốc hội thường tìm cách cản trở những nỗ lực cải cách nhằm bảo vệ phúc lợi xã hội hào phóng và tiền lương của khu vực công. Ước tính, tiền lương và trợ cấp của khu vực công chiếm tới 71% chi tiêu của Kuwait trong tài khóa 2020-2021.
Trong khi tất cả các quốc gia GCC nhất trí áp dụng mức thuế giá trị gia tăng (VAT), Kuwait vẫn chưa có kế hoạch chính thức triển khai loại thuế này. Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) lần đầu tiên áp dụng thuế VAT mới vào tháng 1/2018, tiếp theo đó là Bahrain một năm sau đó.
Nhà phân tích Geoffrey Martin lưu ý rằng chính Quốc hội Kuwait là "vấn đề" trên phương diện thông qua các cải cách kinh tế. Không ai bỏ phiếu cho một dự luật nếu biết rằng điều này sẽ khiến họ bị cắt giảm 30% lương. Hiện 8/10 người Kuwait đang làm việc trong khu vực công.
Bên cạnh đó, Quốc hội Kuwait cũng đã nhiều lần ngăn chặn một đạo luật vay nợ quan trọng, cho phép Kuwait khai thác các thị trường nợ quốc tế để tài trợ cho thâm hụt ngân sách của mình. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính thâm hụt ngân sách của Kuwait có thể lên tới 11% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay.
Nhu cầu dầu mỏ sụt giảm
59 năm sau khi Kuwait giành được độc lập hoàn toàn từ Anh, quốc gia vùng Vịnh này vẫn đang phải đối mặt với thách thức đầy khó khăn trong việc chuyển hướng nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp dầu mỏ. Năm ngoái, dầu mỏ chiếm tới 89% nguồn thu ngân sách của Kuwait.
Theo các nghiên cứu được tập đoàn dầu khí Anh (BP) và Total công bố trong tháng Chín vừa qua, nhu cầu "vàng đen" dự kiến sẽ giảm sâu hơn do thị trường dầu mỏ toàn cầu chưa thể phục hồi sau tác động kinh tế và xã hội của cuộc khủng hoảng COVID-19.
Mặc dù các quốc gia GCC có chi phí sản xuất dầu mỏ thuộc hàng thấp nhất thế giới và có thể là những nhà sản xuất dầu thô cuối cùng trụ vững trong khủng hoảng, song tác động đối với thị trường dầu mỏ vẫn sẽ được cảm nhận trong dài hạn.
Giống như những quốc gia vùng Vịnh khác khác, Kuwait chủ yếu dựa vào nguồn lao động nước ngoài có thu nhập thấp. Tuy nhiên, lực lượng lao động này gần như không được đảm bảo các quyền lợi xã hội và thường được coi là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả trước bất kỳ sự suy giảm kinh tế nào tại Kuwait.
Trong giai đoạn bùng phát đại dịch COVID-19, nhiều lao động nhập cư ở nước này không được trả lương hoặc bị mất việc làm.
Dù các công nhân nước ngoài có tay nghề thấp và bán chuyên nghiệp vẫn còn cơ hội bám trụ trong nền kinh tế Kuwait thời kỳ hậu dầu mỏ, song điều đó chỉ có thể diễn ra nếu quốc gia này có thể chặn đứng làn sóng phá sản doanh nghiệp đang chực chờ bùng phát./.