Kon Tum: Tăng cường phát huy di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số

TỈnh Kon Tum vừa ban hành văn bản về tăng cường công tác bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Cộng đồng người dân tộc thiểu số (thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) trình diễn cồng chiêng. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)
Cộng đồng người dân tộc thiểu số (thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) trình diễn cồng chiêng. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum yêu cầu các sở ngành liên quan rà soát, kiểm kê, sưu tầm di sản không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc của 7 dân tộc thiểu số cư trú lâu đời trên địa bàn tỉnh.

Đây là một trong những nội dung của văn bản số 3106/UBND-KGVX về tăng cường công tác bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số vừa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành.

Theo văn bản, Ủy ban Nhân dân tỉnh KonTum yêu cầu các sở, ngành liên quan, chính quyền các huyện, thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Hướng dẫn các địa phương trong công tác bảo tồn, phục dựng và xây dựng nhà rông đảm bảo giữ nguyên bản đặc trưng văn hóa của các dân tộc nhằm tôn vinh, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống; phù hợp với tình hình nguyên vật liệu hiện có nhưng vẫn đảm bảo truyền thống.

Các sở ngành phát triển các nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng, lễ hội, dân ca, dân vũ, dân nhạc và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tham mưu, triển khai các giải pháp gìn giữ tên làng truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh nhằm gìn giữ tối đa không gian văn hóa truyền thống.

Tỉnh nghiêm cấm các hành vi làm mai một, biến đổi, đồng hóa về văn hóa các dân tộc thiểu số trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Hàng năm, theo phân cấp ngân sách hiện hành, ưu tiên bố trí kinh phí chi sự nghiệp của từng đơn vị, địa phương, kết hợp nguồn kinh phí hợp pháp khác thực hiện để công tác bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo quy định.

Năm 2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU “về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2025, định hướng 2030”; triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020-2025.”

Đến nay, công tác bảo tồn và phát huy văn hóa cộng đồng các dân tộc ở Kon Tum đã tạo ra hệ giá trị văn hóa mang tính bền vững trên địa bàn tỉnh.

TTXVN_0409nharong.jpg
Nhà Rông truyền thống là biểu tượng trong văn hóa của đồng bào Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Đối với văn hóa vật thể, đến nay, toàn tỉnh có 409/622 làng đồng bào dân tộc thiểu số có nhà Rông, đạt tỷ lệ 65,8%. Nhìn chung, nhà rông, nhà dài của các dân tộc thiểu số tại chỗ đã góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa của địa phương và đó cũng là những địa chỉ thu hút khách du lịch, các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa truyền thống khi đến với tỉnh Kon Tum.

Tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả Đề án trưng bày bảo tàng ngoài trời về không gian văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ - giải pháp bảo tồn sống có sức lan tỏa và hiệu quả cao.

Đối với văn hóa phi vật thể, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức phục dựng các loại hình di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ, như Lễ cưới truyền thống của người Rơ Măm; Lễ ăn lúa mới của dân tộc Brâu; Lễ bắc máng nước và Lễ kiêng làng của dân tộc Xơ Đăng; Lễ ăn than của dân tộc Giẻ Triêng; Lễ hội nước giọt của dân tộc Ba Na; Lễ cầu an- Kâm bul của dân tộc Gia Rai.

0409cungtrialuaKonTum.jpg
Thầy cúng và già làng người Brâu làm lễ cúng trỉa lúa. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức kiểm kê di sản văn hóa dân tộc Brâu; kiểm kê, sưu tầm văn hóa truyền thống điển hình của dân tộc Xơ Đăng.

Đáng nói, với di sản không gian văn hóa cồng chiêng, các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh đều có hoạt động sinh hoạt văn hóa cồng chiêng; sinh hoạt văn hóa cồng chiêng được thực hành gắn liền với các nghi lễ, lễ hội của cộng đồng và thường tổ chức tại nhà rông, nhà sàn, nhà mồ.

Đối với công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm, chỉ đạo, quyết tâm phấn đấu mỗi làng dân tộc thiếu số có ít nhất 01 bộ cồng chiêng để sinh hoạt cộng đồng.

Triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020,” đến nay, trên địa bàn tỉnh có 502/622 làng đồng bào dân tộc thiểu số có cồng chiêng; đã mở trên 200 lớp truyền dạy các lớp cồng chiêng, múa xoang, nghề dệt, nghề đan lát, chế tác nhạc cụ truyền thống... với trên 5.000 học viên tham gia, góp phần khôi phục, gìn giữ văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020-2025”, một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể nói chung, nghề dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống nói riêng.

Sử thi dân tộc Ba Na- Rơ Ngao tỉnh Kon Tum được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy hệ thống di sản văn hóa phi vật thể Sử thi tỉnh Kon Tum./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục