Kon Tum: Phát triển làng du lịch cộng đồng đầu tiên ở huyện Đăk Hà

Ngày 9/1, UBND huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ ra mắt Làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi - làng du lịch cộng đồng đầu tiên của huyện và ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Đăk Hà năm 2021.
Làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Ngày 9/1, Ủy ban Nhân dân huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ ra mắt Làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi - làng du lịch cộng đồng đầu tiên của huyện và Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Đăk Hà năm 2021.

Làng Kon Trang Long Loi là làng dân tộc thiểu số duy nhất của thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, với 99% là người Rơ Ngao (một nhánh của người dân tộc Banar).

Những năm trước đây, kinh tế của người dân trong làng chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, nên đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, người dân trong làng vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Rơ Ngao, như nhà Rông, nghề dệt thổ cẩm, các bộ cồng chiêng hay nhiều ngôi nhà vẫn giữ được kiến trúc văn hóa truyền thống như nhà sàn…

Trước lợi thế đó, Ủy ban Nhân dân huyện Đăk Hà đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động để phối hợp, rà soát, đề xuất các điểm du lịch. Trong đó, huyện tập trung đầu tư, sửa chữa, hình thành điểm du lịch cộng đồng làng Kon Trang Long Loi; tăng cường liên kết, hợp tác, phát triển sản phẩm du lịch nhằm quảng bá hình ảnh, khôi phục kinh tế sau dịch bệnh, xây dựng làng Kon Trang Long Loi trở thành làng văn hóa du lịch cộng đồng - điểm đến cho du khách trong và ngoài nước.

Đến với làng Kon Trang Long Loi, du khách không chỉ được thưởng thức các loại hình văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc truyền thống, mà còn được trải nghiệm các hoạt động gắn với sông nước bên lòng hồ thủy điện Plei Krông như các món ăn dân gian truyền thống (cơm lam, gà nướng, rượu cần,…); được hòa mình trong không gian văn hóa cồng chiêng với những điệu múa, những bài ca đậm chất Tây Nguyên; được tham quan, tham gia chế tác và sử dụng các nhạc cụ dân tộc hay tham gia đan lát, dệt thổ cẩm…

[Trải nghiệm các dịch vụ du lịch cộng đồng đặc sắc tại Kon Tum]

Không những vậy, du khách còn được chìm đắm trong những lễ hội truyền thống của người Rơ Ngao, được phục dựng lại trong buổi lễ như Lễ nước giọt, Lễ mừng lúa mới, Lễ mừng nhà mới, Lễ thổi tai, Lễ trỉa lúa… Đây đều là các lễ hội được chính quyền địa phương và bà con trong làng lưu giữ, tổ chức thường xuyên. Các lễ hội này đều mang tính nguyên vẹn và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống, thẩm mỹ nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo của người dân bản địa.

Anh Nguyễn Công Văn, du khách đến từ huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cho biết khi đến tham quan làng Kon Trang Long Loi, anh và gia đình đã được chiêm ngưỡng những nét văn hóa đặc trưng của người dân bản địa. Qua đó, giúp anh hiểu thêm về đời sống, sản xuất, văn hóa của người Rơ Ngao nói riêng và người Banar nói chung.

Còn chị Nguyễn Thị Nhu, du khách đến từ tỉnh Bình Dương cho biết thông qua người thân trong gia đình, chị đã biết đến làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi. Lần đầu tiên đến với Tây Nguyên, được trực tiếp theo dõi các nghệ nhân chế tác nhạc cụ, dệt thổ cẩm, tạc tượng, chị và gia đình đã có một ngày trải nghiệm bổ ích.

“Trước đây, gia đình mình chỉ nhìn thấy những nhạc cụ, thổ cẩm, múa cồng chiêng trên truyền hình. Hôm nay mình và các con đã được tận mắt nhìn thấy và được tham gia chế tác cùng các nghệ nhân. Đây sẽ là một chuyến du lịch trải nghiệm thú vị, giúp cho mình và đặc biệt là các con của mình được tiếp cận thực tế, hiểu rõ hơn về văn hóa của người dân tộc bản địa nơi đây,” chị Nhu chia sẻ.

Theo già A Thui, già làng Kon Trang Long Loi, để các nét văn hóa đặc trưng của người Rơ Ngao được bảo tồn và phát huy, già làng và Bí thư Chi bộ làng đã thường xuyên vận động người dân trong làng lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, việc gìn giữ những lễ hội, nghề dệt thổ cẩm hay dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ luôn được chú trọng. Nhờ đó, các thế hệ trẻ lớn lên đều biết đến các giá trị truyền thống, các bài đánh, múa chiêng. Đây chính là mấu chốt trong việc phát triển làng Kon Trang Long Loi trở thành làng du lịch cộng đồng.

Ông Nguyễn Xuân Truyền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết việc ra mắt làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi là sự kiện quan trọng của địa phương trong việc góp phần phát triển kinh tế-xã hội của huyện và đóng góp điểm đến đối với du khách trong bản đồ du lịch Kon Tum.

Các nghệ nhân dệt thổ cẩm, phục vụ nhu cầu du lịch trải nghiệm của du khách. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Ông Truyền cho rằng để xây dựng làng Kon Trang Long Loi trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân thì việc gìn giữ và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc thiểu số địa phương và phát triển du lịch nông thôn là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Vì vậy, người dân trong làng cần phải ý thức xây dựng cảnh quan văn minh, sạch sẽ; bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Qua đó, tạo chuyển biến về cảnh quan, môi trường, đời sống văn hóa, tinh thần để làng trở thành “vùng quê đáng sống.”

“Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cũng như các cơ quan quản lý du lịch sẽ tiếp tục đồng hành cùng Ủy ban Nhân dân các địa phương, điểm du lịch và với các doanh nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp, hướng dẫn, tổ chức, tuyên truyền quảng bá, liên kết, kết nối, đầu tư với nhân dân để phát triển du lịch,” ông Nguyễn Xuân Truyền nhấn mạnh.

Trước đó, tháng 7/2020, Ủy ban Nhân dân thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ ra mắt làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu. Có mặt tại đây, nhà nghiên cứu Linh Nga Niê Kdam cho rằng, Kon Tum là tỉnh có rất nhiều thuận lợi về sự đa dạng văn hóa của bà con các dân tộc tại chỗ.

Bà cũng nhấn mạnh nếu tất cả những địa điểm khác của Kon Tum cũng phát huy được giá trị văn hóa của các dân tộc bản địa như J’Rai, K’Dong, H’rê, Giẻ Triêng, B’râu, Banar… đó sẽ là điều vô cùng tốt đẹp trong việc gìn giữ kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc đẩy mạnh du lịch cộng đồng của tỉnh Kon Tum được xem là hướng đi đột phá trong việc nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Cùng với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn trước dịch COVID-19, du lịch cộng đồng sẽ góp phần khôi phục và phát triển kinh tế tại Kon Tum./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục