Kon Tum: Nghề chổi đót giúp người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống

Không an phận trong cuộc sống, anh Lê Văn Thạch - một người khuyết tật ở Kon Tum - đã thành lập nhóm sản xuất chổi đót cùng 10 người khuyết tật khác và mỗi năm đạt doanh thu từ 150-250 triệu đồng.
Nhóm nghề làm chổi đốt do anh Lê Văn Thạch (xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) thành lập đã trở thành điểm tựa về mặt vật chất và tinh thần cho những người khuyết tật trên địa bàn. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Anh Lê Văn Thạch (38 tuổi, trú xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) bị khuyết tật teo chân bẩm sinh từ nhỏ. Với sự cố gắng không ngừng, anh kiên trì học hỏi mô hình làm chổi đót và từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, mô hình làm chổi đót của anh Lê Văn Thạch còn tạo việc làm cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, góp phần vào sự phát triển của địa phương.

Hành trình đến với chổi đót

Anh Lê Văn Thạch lớn lên với đôi chân khuyết tật nên rất khó khăn trong việc đi lại và lao động. Giống như nhiều người khuyết tật khác, anh đi bán vé số để kiếm sống qua ngày. Tuy nhiên, khi ba đứa con thơ đến tuổi đi học mà gia đình lại khó khăn, anh Thạch quyết tâm tìm công việc khác để nâng cao thu nhập, giúp các con yên tâm đến trường.

May mắn đến với anh Lê Văn Thạch khi vào đầu năm 2016, thành phố Kon Tum triển khai dự án “Hòa nhập người khuyết tật trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và đa dạng hóa thu nhập” nhằm hướng dẫn, gợi mở định hướng làm kinh tế phù hợp thực tế và nhu cầu của người khuyết tật.

Anh Lê Văn Thạch chia sẻ, khi tham gia vào dự án, anh cảm thấy hứng thú với mô hình làm chổi đót vì đây là công việc không quá nặng nhọc và có đầu ra ổn định. Các thành viên trong dự án nhiệt tình giúp đỡ anh trong việc định hướng và phát triển nghề chổi đót theo hướng bền vững. Nhờ đó, anh đã nắm chắc kiến thức và ấp ủ khát vọng lập nghiệp với mô hình làm chổi đót.

Anh Lê Văn Thạch (xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đầu tư tâm huyết và công sức để làm ra chiếc chổi đót chất lượng cho người tiêu dùng. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Được sự hỗ trợ của chính quyền xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum), cuối năm 2016, nhóm làm chổi đót của anh Lê Văn Thạch đã thành lập với 10 thành viên. Thời gian đầu do tay nghề chưa cao, sản phẩm chưa đẹp, chi phí nguyên liệu nhập vào đắt nên nhóm nghề của anh Thạch gặp nhiều khó khăn.

Anh Lê Văn Thạch cho biết, có thời điểm, nhóm của anh bị lỗ hơn 10 triệu đồng. Vợ anh khuyên anh nên từ bỏ vì gia đình quá khó khăn.

[Tạo điều kiện cho người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ xã hội]

Không bỏ cuộc, anh đã vay mượn người thân để vượt qua giai đoạn khó khăn và tiếp tục trau dồi tay nghề, làm ra sản phẩm ngày càng chất lượng hơn. Đến nay, các sản phẩm của anh đã hoàn thiện và được nhiều thương lái, người dân đón nhận.

Theo chị Cao Thị Bích Liên (thương lái tại thành phố Kon Tum), mỗi tháng chị nhập khoảng 200 cây chổi từ nhóm của anh Thạch về bán.

Hầu hết khách hàng mua và sử dụng đều đánh giá sản phẩm này rất bền. Thời gian tới, chị dự định sẽ đặt hàng lâu dài, một phần để ủng hộ cộng đồng người khuyết tật, một phần cung cấp sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng.

Hiện, nhóm làm chổi đót của anh Thạch làm được khoảng 10.000 cây chổi/năm. Với giá bán hiện tại khoảng 35.000-60.000 đồng/cây, trừ đi chi phí sản xuất, doanh thu của nhóm đạt từ 150-250 triệu đồng/năm.

Khát vọng giúp cộng đồng người khuyết tật vươn lên

Để phát triển nhóm làm nghề chổi đót, anh Lê Văn Thạch đã liên hệ để tuyển thêm lao động; trong đó, khuyến khích người khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn tham gia vào mô hình để cùng nhau phát triển.

Chị Nguyễn Thị Kim Dung (trú thôn 5, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum) cho biết, bản thân chị bị tật ở tay nên rất khó khăn để làm việc. Tuy nhiên, anh Thạch vẫn tạo điều kiện và chỉ bảo tận tình, giúp chị tự tin hơn. Giờ đây, chị đã thành thạo một số bước làm chổi như tước lạc, bó chổi, chà bông, đan và cắt tỉa.

Đối với trường hợp đặc biệt khó khăn, năng suất làm chổi không cao, anh Lê Văn Thạch sẵn sàng bớt đi một phần thu nhập của mình để chia sẻ, động viên người làm. Điều này giúp người khuyết tật không còn mặc cảm về bản thân, tự tin hơn trong cuộc sống và gắn bó với nhau như một gia đình.

Anh Lê Văn Thạch (xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) kiểm tra đơn hàng 5.000 cây chổi trước khi xuất đi nước ngoài. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Đơn cử trường hợp em A Quanh (22 tuổi, trú xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum) mắc bệnh động kinh từ khi mới sinh ra, không làm được việc nặng nhọc. Anh Lê Văn Thạch đã đến động viên, khuyên em thử sức với việc làm chổi đót.

Em A Quanh chia sẻ, mỗi tháng, vì lý do bệnh tật, em chỉ làm được khoảng 30-50 cây chổi. Do đó, em chỉ được gần 900.000 đồng/tháng, song anh Thạch đã bớt lại lợi nhuận của mình để trả thêm cho em 2 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, em đã thấy tự tin hơn trong cuộc sống.

Hiện, mô hình làm chổi đót của anh Lê Văn Thạch đã tạo việc làm cho 10 lao động đều là người khuyết tật. Đặc biệt, nhóm được một người ở nước ngoài đặt đơn hàng 5.000 cây chổi với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng.

Đây được xem như “trái ngọt” cho những công sức và nỗ lực mà nhóm của anh Lê Văn Thạch đã bỏ ra.

Bà Bùi Thị Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum) cho biết, trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, xã kêu gọi trường học, cán bộ, nhân viên tiêu thụ hơn 2.000 sản phẩm chổi đót giúp nhóm của anh Lê Văn Thạch.

Thời gian tới, xã tiếp tục hỗ trợ nhóm người khuyết tật tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất. Qua đó, giúp cộng đồng người khuyết tật có thêm niềm tin và động lực trong cuộc sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục