Kon Tum: Gần 80m3 gỗ tang vật sắp thành phế liệu trong khi chờ xử lý

Gần 77m3 gỗ tròn là tang vật của vụ phá rừng cách đây hơn 10 năm, được tập kết tại bãi đất trống dưới bìa rừng đã nằm phơi nắng, mưa cả thập kỷ, dần bị mục, nứt toác, nhiều khúc gỗ gần như hỏng hoàn.
Nhiều lóng gỗ lớn nằm phơi nắng, mưa nhiều năm qua. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum đang lúng túng trong xử lý hàng chục m3 gỗ tang vật của các vụ án xảy ra cách đây khoảng 10 năm ở huyện Đăk Tô, khiến số gỗ quý này dần thành gỗ mục.

Cụ thể, tại tiểu khu 278 xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô thuộc lâm phần của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô đang bảo vệ gần 77m3 gỗ tròn.

Đây là tang vật của vụ phá rừng cách đây hơn 10 năm, được tập kết tại bãi đất trống dưới bìa rừng. Gần 77m3 gỗ trên đã nằm phơi nắng, mưa cả thập kỷ, dần bị mục, nứt toác. Nhiều khúc gỗ gần như hỏng hoàn toàn.

Để tránh hư hỏng, mất toàn bộ số gỗ là tài sản của Nhà nước, với trách nhiệm là đơn vị bảo vệ, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô đã có đơn kiến nghị lực lượng chức năng trong tỉnh, huyện chỉ đạo cơ quan chức năng có liên quan xây dựng phương án bán đấu giá toàn bộ khối lượng gỗ trên để thu hồi, nộp ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên đến nay, việc thanh lý số gỗ trên vẫn chưa làm được, trong khi gần 77m3 gỗ phơi dưới nắng, mưa ngày một hư hỏng nặng.

Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô, cho biết số gỗ này xuất phát từ vụ án tòa xử năm 2014. Theo quy định, số tang vật này là tài sản của cơ quan chức năng của huyện Đăk Tô.

Cơ quan Công an cũng đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Đăk Tô chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý gỗ này nhưng đối chiếu theo quy định, gần 77m3 thì lại vượt quá thẩm quyền của huyện. Công ty đã hỏi nhiều nơi, trong đó Sở Tài chính trả lời theo quy định là huyện xử lý; doanh nghiệp không thể xử lý mà chỉ bảo vệ, không để mất.

Công ty cũng đã họp nhiều lần với các phòng, ban của huyện như kế hoạch tài chính, thi hành án, tòa án… để xây dựng phương án xử lý nhưng đến giờ vẫn chưa xử lý được.

Ngoài số gỗ tang vật gần 77m3, tại bãi còn hàng chục lóng gỗ để chung gỗ tang vật cũng bị hư hỏng nặng do để ngoài trời. Theo ông Nguyễn Thành Chung đây là số gỗ đã thanh lý nhưng người mua bỏ không lấy.

[Kon Tum: Khẩn trương điều tra, làm rõ vụ phá rừng ở xã Đăk Pxi]

Trước đó, ngày 1/3, lực lượng chức năng (Công an tỉnh Kon Tum chủ trì, phối hợp với Kiểm lâm huyện Đăk Hà và chính quyền xã Đăk Pxi) phát hiện trong bãi chứa cát của điểm mỏ khai thác cát, sỏi 87 (thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn 87) trên sông Đăk Pxi, đoạn qua thôn 7, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà có gỗ lậu.

Tại hiện trường, gỗ lậu được "lâm tặc" giấu dưới “núi” cát. Chỉ những thanh gỗ dài được nhận định là trục vớt dưới sông và các lóng gỗ tròn vừa khai thác là lộ thiên, còn lại các hộp gỗ lớn được giấu dưới “núi” cát lớn.

Khi lực lượng chức năng yêu cầu cào lớp cát che phủ mới lộ ra. Lực lượng chức năng phát hiện tại bãi tập kết này có 2 mặt phản, 4 hộp gỗ, 11 lóng gỗ tròn và 5 cây gỗ có dấu hiệu ngâm dưới nước lâu ngày.

Khu vực tập kết gỗ do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô bảo vệ. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Để che kín bên trong, chủ mỏ đã dựng tôn cao khoảng 2 mét nhằm che tầm nhìn từ bên ngoài vào. Lối vào mỏ, có camera giám sát từ ngoài cổng và thường xuyên có người trực gác. Khi có người lạ qua lại khu vực, sẽ có người đi theo giám sát. Mặt tiền còn lại của điểm mỏ cát sỏi này là dòng sông Đăk Pxi.

Ngoài ra, khi mở rộng khu vực tìm kiếm, phát hiện có 2 điểm tập kết gỗ lậu ở trong rừng cao su, đối diện bãi tập kết ban đầu.

Tại đây, có 11 hộp gỗ lớn, nhỏ khác nhau, trong đó có những hộp gỗ đường kính rộng 1 mét, dài khoảng 3,5 mét. Trong 2 điểm tập kết gỗ mới, có một điểm chứa 4 miếng gỗ không có dấu hiệu đã được lực lượng chức năng thống kê, kiểm đếm.

Nhiều khả năng đây là số gỗ "lâm tặc" đã cho tẩu tán ra ngoài khu vực mỏ cát 87 (nơi tập kết gỗ lậu) trước khi lực lượng chức năng (Công an, Kiểm lâm và chính quyền) vào kiểm tra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục