Kon Tum: Đại biểu bức xúc về công tác tái định cư thủy điện Đăk Mi 1

Ngày 11/7, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 8, Hội đồng Nhân dân tỉnh Kon Tum khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2021, đại biểu bày tỏ bức xúc về công tác tái định cư của Nhà máy thủy điện Đăk Mi 1 (huyện Đăk Glei).
Kon Tum: Đại biểu bức xúc về công tác tái định cư thủy điện Đăk Mi 1 ảnh 1Nhiều nhà ở khu tái định cư của làng Vương xã Đăk Nên huyện Kon Plông (Kon Tum) bỏ hoang. (Ảnh minh họa: Cao Nguyên/TTXVN)

Ngày 11/7, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 8, Hội đồng Nhân dân tỉnh Kon Tum khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2021, đại biểu bày tỏ bức xúc về công tác tái định cư của Nhà máy thủy điện Đăk Mi 1 (huyện Đăk Glei).

Theo đại biểu Y Thanh, tổ đại biểu huyện Đăk Glei, nhà máy thủy điện Đăk Mi 1, do Công ty cổ phần Quang Đức Kon Tum thực hiện tại xã Đăk Choong (huyện Đăk Glei) từ năm 2009 đến nay, đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của dân ở 2 thôn Kon Năng và Bê Rê.

Cụ thể, hiện 32 hộ dân không có mặt bằng để làm nhà, muốn làm nhà tại vị trí cũ nhưng đã quy hoạch cho thủy điện, trong khi đó nhà ở hiện tại bị xuống cấp.

Năm 2017, Ủy ban Nhân dân xã Đăk Choong đã phối hợp với Công ty thống nhất địa điểm, làm thủ tục đề nghị phê duyệt quy hoạch khu tái định cư thôn Kon Năng, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt và thực hiện.

Ngoài ra, gần 2 năm qua, lãnh đạo công ty không có mặt tại công trường nên rất khó khăn trong việc phối hợp giải quyết các ý kiến, kiến nghị, khiến nhân dân bức xúc.

Trả lời ý kiến của đại biểu Y Thanh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum Lê Như Nhất cho biết, Nhà máy thủy điện Đăk Mi 1 ban đầu có công suất 49 MW, sau nâng lên thành 84 MW nên việc thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế cơ sở, hồ sơ kỹ thuật, báo cáo đánh giá tác động môi trường… liên quan đến nhiều bộ, ngành, vì vậy thời gian thực hiện kéo dài.

Đến nay, dự án đã được Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) thẩm định thiết kế cơ sở và kết luận thiết kế cơ sở đủ để trình phê duyệt, triển khai các bước tiếp theo. Hiện chủ đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật.

Nhằm ổn định cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, Sở Công Thương đã nhiều lần trao đổi với chủ đầu tư về việc thực hiện dự án đầu tư và tái định cư cho 32 hộ dân. Tuy nhiên, đơn vị đang trong giai đoạn chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông, nên Sở Công Thương liên lạc với chủ đầu tư rất khó khăn.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết, đến cuối năm 2019, chủ đầu tư không giải quyết dứt điểm những tồn tại thì Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân huyện Đăk Glei đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét thu hồi chủ trương đầu tư.

[Gần 70 tỷ đồng xây khu tái định cư cho dân vùng sạt lở ở Kon Tum]

Dự kiến, ngày 23/7, Ủy ban Nhân dân huyện Đăk Glei và các sở, ngành có liên quan sẽ có buổi làm việc với chủ đầu tư về vấn đề này để khẳng định cam kết triển khai tiến độ đầu tư và thực hiện công tác tái định canh, tái định cư. Sau cuộc làm việc này Sở sẽ có báo cáo đầy đủ với các đại biểu và cử tri.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cũng cho biết trên địa bàn huyện Đăk Glei còn có 11 dự án thủy điện với công suất hơn 150 MW. Tuy nhiên chỉ có 1 dự án đã hoàn thành (công suất 7 MW), các dự án còn lại đang tạm dừng thi công do huyện Đăk Glei chưa có hệ thống lưới điện đường dây và trạm biến áp 110 kV để đấu nối điện.

Trong thời gian tới, Sở Công Thương tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Trung xem xét bố trí kinh phí đầu tư đường dây và trạm biến áp theo đúng tiến độ quy hoạch (trước năm 2020) để phục vụ đấu nối các công trình thủy điện trên địa bàn huyện Đăk Glei…

Tuy nhiên, đến nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn chưa có kế hoạch đầu tư đường dây và trạm biến áp 110 kV trước năm 2020.

Liên quan đến vấn đề trên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hùng đề nghị, Sở Công Thương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Ủy ban Nhân dân huyện Đăk Glei tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh chủ trì xử lý việc này.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Kon Tum nhấn mạnh: "Chủ đầu tư phải trả lời khi nào triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, Sở Công Thương tham mưu Ủy ban Nhân dân kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực làm trạm biến áp, đường dây là không khả thi. Hiện cả nước, điện mặt trời mấy nghìn MW không có đường tải, yêu cầu các nhà máy phát giảm thiểu công suất nên không có tiền làm đường dây đấu nối cho các doanh nghiệp nghiệp đầu tư."

Ông Nguyễn Văn Hùng đề nghị Sở Công Thương tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh mời tất cả những đơn vị có công trình thủy điện chưa triển khai trên địa bàn huyện Đăk Glei và toàn tỉnh họp thống nhất làm đường dây tải điện kết nối, nếu không thì dừng, thu hồi dự án và tiến hành tìm kiếm nhà đầu tư khác có thể làm cụm các công trình, đồng thời phải làm đường dây tải điện, trong đó cam kết bồi thường, giải phóng mặt bằng dù công trình nhỏ lẻ.

Kỳ họp thứ 8, Hội đồng Nhân dân tỉnh Kon Tum diễn ra trong 2 ngày từ 10-11/7./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục