Kon Tum: Đặc sắc 120 món ăn được chế biến từ đẳng sâm

Với việc có đến 120 món ăn được chế biến từ sâm dây tại hội thi ẩm thực quốc tế, huyện Tu Mơ Rông đã được Công ty Cổ phần Tổ chức kỷ lục Việt Nam Vietkings trao công bố xác lập kỷ lục Việt Nam.
Các đội trình bày món ăn được chế biến từ sâm dây tại Hội thi ẩm thực quốc tế tổ chức ở làng Tu Thó, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Tại Hội thi ẩm thực quốc tế và xác lập kỷ lục Việt Nam 120 món ăn chế biến từ đẳng sâm được tổ chức ở làng Tu Thó, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, diễn ra trong 2 ngày (25-26/4), 21 đội tham gia đã mang đến cho du khách trong và ngoài tỉnh nhiều món ăn độc đáo, thú vị từ đẳng sâm (còn gọi là sâm dây).

Đến với hội thi, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, đã chế biến 6 món ăn từ những thực phẩm đặc trưng của núi rừng kết hợp với sâm dây như củ sâm dây chiên giòn; gỏi gà sâm dây; cá bống đuôi đỏ nhồi củ sâm dây nướng ống; ếch rừng hầm củ sâm dây; lẩu cá suối sâm dây và món tráng miệng là bánh, trà sâm dây.

Anh A Dũng, dân tộc Xơ Đăng, xã Đăk Na, chia sẻ đội tập trung chế biến những món ăn truyền thống của dân tộc Xơ Đăng kết hợp với sâm dây để du khách có thể thưởng thức. Qua đó, vừa phát huy bản sắc dân tộc, vừa giúp du khách có những trải nghiệm gần gũi, thú vị.

Ngoài 11 đội đến từ các xã trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, Hội thi năm nay còn thu hút 10 đội đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước và các nước Lào, Trung Quốc và Thụy Sỹ. Điều này mang đến cho hội thi những món ăn hiện đại, song không kém phần đặc sắc bởi những nguyên liệu, hương vị rất gần gũi với người dân Việt Nam.

Bà Vông Đươn, Đội tỉnh Attapeu của Lào, cho biết: “Hiện, tỉnh Attapư cũng trồng sâm dây nhưng mục đích chính là dùng để nấu canh và ngâm rượu. Người dân vẫn chưa biết sâm dây có thể được dùng để chế biến các món ăn. Thông qua hội thi, tôi được học hỏi thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm về chế biến các món ăn bằng sâm dây.

Đây là cơ hội hiếm có và khi trở về nước, tôi sẽ vận dụng vào việc phục vụ món ăn cho gia đình và khách hàng của mình.” Trải qua 2 ngày thi đấu, 21 đội đã chế biến 120 món ẩm thực có nguồn gốc từ sâm dây tại huyện Tu Mơ Rông.

Nhiều món ăn được Ban tổ chức, du khách gần xa đánh giá cao, khen ngợi nhờ hương vị độc đáo, nhiều chất dinh dưỡng. Chị Nguyễn Lê Hải Tú, du khách đến từ Đà Nẵng, chia sẻ được thưởng thức những món ăn từ sâm dây là một trải nghiệm thú vị bởi hương vị rất thơm ngon, đậm đà. Đặc biệt, các đầu bếp tại hội thi sẵn sàng chia sẻ bí quyết nấu ăn và cách tạo nên những món ăn từ sâm dây để du khách có thể áp dụng tại nhà là điều tuyệt vời.

Với việc có đến 120 món ăn được chế biến từ sâm dây tại hội thi, huyện Tu Mơ Rông đã được Công ty Cổ phần Tổ chức kỷ lục Việt Nam Vietkings trao công bố xác lập kỷ lục Việt Nam. Đây là tín hiệu tích cực góp phần nâng tầm giá trị cây sâm dây, hướng đến tạo sinh kế bền vững cho đồng bào Xơ Đăng tại huyện Tu Mơ Rông.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh khẳng định thời gian qua, huyện đang khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng sâm dây; đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp có tiềm lực vào đầu tư.

Hiện đã có doanh nghiệp vào liên kết với người dân và mở nhà máy. Khi nhà máy được xây dựng sẽ có thêm nhiều đồ uống, thực phẩm khác từ sâm dây ra đời, góp phần nâng cao sức khỏe cho người sử dụng. Đây là điều kiện để huyện khẳng định giá trị, chất lượng sâm dây được trồng tại đây.

Huyện sẽ in thành sách công thức chế biến các món ăn từ sâm dây Tu Mơ Rông; sau đó phát hành rộng rãi để mọi người có thể tự tay chế biến cho người thân sử dụng.

Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho Câu lạc bộ Ẩm thực Việt; giải Nhì thuộc về Chi hội Đầu bếp Kon Tum; giải Ba là Câu lạc bộ Bếp bánh; các đội còn lại đồng giải Khuyến khích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục