Kịp thời ứng phó ngập nước cục bộ trên đảo Phú Quốc

Ban Chỉ huy quân sự thành phố Phú Quốc phối hợp với các đơn vị, kịp thời sơ tán nhiều người dân và di dời tài sản của 12 hộ dân bị ngập nước đến nơi an toàn, đảm bảo sức khỏe và tính mạng người dân.
Cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy quân sự thành phố Phú Quốc cùng với lực lượng tại địa phương ứng cứu, sơ tán người dân đến nơi an toàn. (Ảnh: TTXVN phát)

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong 2 ngày 13-14/7/2024, trên địa bàn thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang xuất hiện mưa lớn kéo dài đã gây ngập nước cục bộ trên đảo.

Địa bàn ấp Cây Thông Trong, Cây Thông Ngoài và Bến Tràm thuộc xã Cửa Dương là khu vực bị ngập khá sâu. Đặc biệt, tại khu vực đồi dốc xảy ra hiện tượng lũ quét cuốn trôi gia súc, gia cầm và đồ đạc của người dân.

Ứng phó với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy quân sự thành phố Phú Quốc phối hợp với các đơn vị chức năng huy động cán bộ, chiến sỹ đến hiện trường các khu vực bị ngập nước sâu, xảy ra lũ quét phối hợp cùng lực lượng tại chỗ của địa phương kịp thời sơ tán nhiều người dân và di dời tài sản của 12 hộ dân bị ngập nước đến nơi an toàn, đảm bảo sức khỏe và tính mạng người dân.

Thượng tá Lê Đức Hải, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự thành phố Phú Quốc, chia sẻ trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, đơn vị đã chỉ đạo các lực lượng ứng trực phòng ngừa, kịp thời ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Nhờ đó, khi nhận được tin báo về tình trạng ngập nước cục bộ do mưa lớn kéo dài tại một số khu vực trên địa bàn thành phố Phú Quốc, cán bộ, chiến sỹ của đơn vị đã kịp thời đến hiện trường sơ tán người già và trẻ em, di dời đồ đạc, gia súc của người dân đến nơi an toàn. Rất may là thiên tai không gây thiệt hại tính mạng người dân.

Thành phố Phú Quốc cùng với các đơn vị chức năng đóng trên địa bàn tập trung khắc phục hậu quả thiên tai như: khơi thông cống rãnh, kênh rạch những khu vực ngập nước sâu để thoát nước nhanh; thăm hỏi những hộ dân bị ảnh hưởng và thống kê những thiệt hại do thiên tai.

Tăng cường tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng, chống và chủ động ứng phó với thiên tai để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, nhất là trong giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão; rà soát, điều chỉnh phương án phòng, chống thiên tai sát hợp với thực tế địa phương, triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục