Kịp thời theo dõi, dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm, giảm nhẹ thiên tai

Tổng cục Khí tượng Thủy văn yêu cầu hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia, thực hiện nghiêm túc quy định về Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm.

Mưa lớn, nước sông dâng cao gây ngập cục bộ, các phương tiện di chuyển khó khăn trên tuyến đường từ thành phố Lào Cai đi khu du lịch quốc gia Sa Pa. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Mưa lớn, nước sông dâng cao gây ngập cục bộ, các phương tiện di chuyển khó khăn trên tuyến đường từ thành phố Lào Cai đi khu du lịch quốc gia Sa Pa. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Từ chiều tối 24/6 đến ngày 27/6, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến ở Bắc Bộ từ 50-120mm, có nơi trên 200mm, ở Bắc Trung Bộ 30-70 mm, có nơi trên 150mm, gây thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng tại một số địa phương như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Tuyên Quang, Thanh Hóa...

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Dự báo thời tiết thuộc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết nguyên nhân mưa lớn là do rãnh áp thấp đi qua Bắc Bộ và áp cao nhiệt đới cũng như khối không khí biển di chuyển vào đất liền gây hội tụ rải rác trên cả khu vực miền Bắc, có những điểm hội tụ mạnh gây mưa lớn.

Mưa lớn chủ yếu tập trung về đêm và sáng, ngày mưa giảm về cường độ; chiều tối, đêm và sáng lặp lại tình trạng mưa lớn.

Nhiều thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, đêm 24, ngày 25/6, mưa lớn kèm theo dông, sét xảy ra ở một số nơi trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã gây nhiều thiệt hại về nhà ở, sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, nhiều tuyến đường giao thông tại các địa bàn vùng cao bị sạt lở, ngập úng cục bộ khiến lưu thông của người dân gặp khó khăn.

Các huyện Bát Xát, Bắc Hà, thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai chịu thiệt hại nặng nề. Cụ thể, 13 nhà ở tại thị xã Sa Pa và huyện Bắc Hà bị ảnh hưởng; trong đó có 1 nhà tại xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa) bị sập đổ hoàn toàn. Ngoài ra, 20 nhà dân tại tổ 23, 26, 27, 28, phường Pom Hán (thành phố Lào Cai) bị ngập úng cục bộ, làm hư hỏng một số thiết bị, vật dụng gia đình; 28ha ngô và hoa màu tại thành phố Lào Cai và huyện Bát Xát cũng bị ngập úng. Mưa lớn gây hư hỏng một số ao nuôi cá nước lạnh của các hộ dân tại xã Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa).

Trận mưa lũ này khiến cơ sở hạ tầng tại địa phương của Lào Cai bị thiệt hại nặng như Quốc lộ 4D (km 94+600) địa phận phường Ô Quý Hồ (thị xã Sa Pa) bị sạt lở taluy dương; Quốc lộ 4E địa phận xã Lùng Phình (huyện Bắc Hà) bị ngập úng cục bộ 0,3m; đường tỉnh 155 đoạn thôn Cán Tỷ (xã Bản Xèo, huyện Bát Xát) bị sạt taluy dương, khối lượng đất sạt 200m3; đường tỉnh 153 thôn Nậm Khánh (xã Bản Liền) bị sạt taluy dương; đường tỉnh 152, 155 (thị xã Sa Pa) sạt taluy dương nhiều điểm...

ttxvn_lao cai1.jpg
Lực lượng chức năng điều máy xúc nạo vét lòng đường đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường từ thành phố Lào Cai đi khu du lịch quốc gia Sa Pa. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Từ chiều 25/6 đến ngày 26/6, nhiều khu vực trong tỉnh Yên Bái có mưa vừa, mưa to đến rất to kèm theo dông, gây nhiều thiệt hại về nhà và tài sản của nhân dân trên địa bàn các huyện: Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn và thành phố Yên Bái.

Mưa lớn kèm theo dông đã làm sập đổ, hư hỏng 37 ngôi nhà; 27,5ha lúa tại huyện Văn Yên và Trấn Yên bị ngập úng; 79 con gia cầm bị chết. Cùng với đó, tuyến tỉnh lộ 175, tuyến Khe Hóp đi Khe Lóng 2, Khe Lóng 3 (xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên) có nhiều điểm sạt lở nguy hiểm. Đường giao thông tại các xã: Lương Thịnh, Hồng Ca, Kiên Thành (huyện Trấn Yên) bị sạt lở, ngập 13 điểm; khu vực ngã ba Mỵ (xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn) bị ngập nước cục bộ làm tắc nghẽn giao thông khoảng 3 giờ. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 800 triệu đồng.

Ngày 25/6, mưa lớn kéo dài gây sạt lở một phần khu nhà dịch vụ thuộc khu vực cửa hầm của Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây, tỉnh Lai Châu. Do mưa lớn kéo dài, lượng nước lớn đầu nguồn đổ xuống phía dưới khu dịch vụ, nhà chờ khách. Nước kèm theo cây cối, rác chảy xuống làm sập mái tôn, cột chống của khu nhà dịch vụ. Nhiều hàng hóa, vật tư, xe máy… bị đất đá làm hư hỏng.

Tại hiện trường đường lên khu vực nhà chờ khách, đất, đá bị trôi xuống đường. Thông tin về mưa ở Bắc Bộ và Trung Bộ thời gian tới, ông Vũ Anh Tuấn cho hay khu vực Bắc Bộ khoảng tháng 7-8 lượng mưa xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, tuy nhiên từ tháng 9-11 sẽ tăng lên khoảng 10-30%. Từ tháng 7-9, lượng mưa ở Trung Bộ tăng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng từ 10-20% và từ tháng 10-12 có khả năng tăng từ 20-40%. Như vậy, mưa lớn sẽ dồn dập về cuối năm, đặc biệt là khu vực Trung Bộ, làm gia tăng nguy cơ ngập úng kéo dài, lũ lụt trên diện rộng, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực này.

Tăng cường theo dõi, dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai, từ nay đến hết ngày 27/6, trên địa bàn Lào Cai tiếp tục có mưa, mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to đến rất to. Hiện, đất đã ngấm no nước, liên kết yếu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét rất cao.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai đề nghị các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh, ứng phó kịp thời với mưa, lũ nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản và chủ động trước diễn biến của mưa lũ, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết; triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

ttxvn_tuyen_quang_cong_bo_tinh_huong_khan_cap_ve_thien_tai.jpg
Mưa lớn làm sạt trượt mái taluy dương làm thiệt hại về nhà ở, tài sản và nguy hiểm đến cuộc sống của các hộ gia đình tại tổ dân phố Vĩnh Hưng, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: TTXVN phát)

Các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng, thấp thường xuyên xảy ra ngập úng để sẵn sàng phương án ứng phó; chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt…

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, cũng đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan chỉ đạo kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi, đặc biệt là vị trí xung yếu, công trình đang thi công dở dang. Từ đó bố trí lực lượng thường trực và sẵn sàng xử lý các tình huống và triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi có mưa, lũ xảy ra…

Nhằm đảm bảo công tác dự báo, cảnh báo phục vụ ứng phó với các tình huống thiên tai, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã có Công văn số 723/TCKTTV-QLDB gửi các đơn vị trực thuộc Tổng cục về tăng cường theo dõi, dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn yêu cầu hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia, thực hiện nghiêm túc quy định về Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, tác động của của mưa lớn, dông lốc, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đá…; cập nhật, cung cấp đầy đủ, kịp thời bản tin dự báo thiên tai và dự báo tác động phục vụ tốt công tác chỉ đạo phòng chống, khắc phục hậu quả của thiên tai cho Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết chủ động phòng, tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại của thiên tai.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia chủ trì công tác dự báo mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đá, dông, tố, lốc, sét…, thông báo đầy đủ, kịp thời.

Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn Quốc gia, theo dõi, giám sát và bảo đảm hệ thống mạng lưới các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, radar thời tiết hoạt động bình thường; chủ trì, phối hợp với Trung tâm Thông tin và Dữ liệu khí tượng thủy văn và các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực bảo đảm hoạt động truyền số liệu từ các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, ra đa thời tiết, đo mưa tự động phục vụ tốt công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Trung tâm Thông tin và Dữ liệu Khí tượng Thủy văn, duy trì và bảo đảm đường truyền, thông tin liên lạc phục vụ công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, dữ liệu phục vụ dự báo, cảnh báo thiên tai…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục