Kịp thời gỡ khó về tín dụng cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm

Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho biết ngoài việc bố trí ăn, ở, ngủ… các doanh nghiệp phải bổ sung thêm phụ cấp đặc biệt cho lao động tham gia sản xuất “3 tại chỗ” khiến chi phí lương tăng gấp đôi.
Bố trí nơi ăn nghỉ cho công nhân theo phương án "3 tại chỗ." (Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN)

Việc duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và kéo dài khiến các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh gặp rất nhiều khó khăn và kèm theo đó là áp lực tài chính gia tăng.

Theo các chuyên gia, các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là tín dụng nên được ưu tiên hơn nữa cho nhóm đối tượng này, để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Doanh nghiệp cần được ưu tiên hấp thụ vốn

Sau hơn một tháng triển khai phương án sản xuất “3 tại chỗ” và “2 cung đường, 1 điểm đến,” nhiều doanh nghiệp lương thực, thực phẩm cho biết, áp lực tài chính hiện nay với doanh nghiệp là rất lớn.

Các doanh nghiệp phải tự bỏ tiền để xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần cho nhân viên, lao động và thực hiện quy định về 5K cho người lao động… Chưa kể, một số doanh nghiệp còn xuất hiện các ca F0 trong quá trình triển khai “3 tại chỗ” khiến chi phí đội lên cao.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (FFA), ngoài việc bố trí ăn, ở, ngủ…, các doanh nghiệp phải bổ sung thêm phụ cấp đặc biệt cho lực lượng lao động tham gia sản xuất “3 tại chỗ.”

Điều này làm tổng chi phí lương của doanh nghiệp tăng gấp đôi so với trước, trong khi tổng sản lượng sản xuất lại giảm hơn 50%.

Với vai trò là ngành đặc thù, thời điểm này, việc ổn định nguồn nguyên liệu sản xuất cũng như dự trữ trong nước là rất cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết, để đảm bảo cho sản xuất, cung ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân theo chỉ đạo, đại diện FFA cho biết, các doanh nghiệp trong ngành đang phải cầm cự kinh doanh không có lợi nhuận khi hầu hết các chi phí đầu vào đều tăng cao, nhất là giá nguyên liệu đầu vào của ngành từ nội địa đến nhập khẩu đều tăng mạnh từ 15-30%.

Trong khi đó, sức mua thị trường còn yếu, doanh nghiệp phải giữ nguyên giá bán để chia sẻ khó khăn cùng người tiêu dùng. Chưa kể, doanh nghiệp bắt buộc phải thu mua, nhập thêm nguồn nguyên phụ liệu mới dự trữ.

[TP.HCM: Doanh nghiệp với "cuộc chiến" vừa sản xuất, vừa chống COVID-19]

Do đó, “các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm đang thật sự rất cần được ưu tiên hấp thụ nguồn vốn từ ngân hàng thông qua hỗ trợ cho vay mới và giảm lãi suất cho vay để gia tăng, tiếp tục ổn định sản xuất, tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng,” bà Lý Kim Chi nói.

FFA đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung các doanh nghiệp ngành nghề đặc thù như: lương thực thực phẩm vào đối tượng được hỗ trợ các chính sách về vay mới, miễn giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay... từ Nhà nước, qua đó, giúp doanh nghiệp bổ sung nguồn vốn nhằm dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm, góp phần bình ổn thị trường, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

FFA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép áp dụng việc điều chỉnh nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp hiện hữu đối với những doanh nghiệp đang làm ăn có uy tín, có khả năng thu hồi vốn trong tương lai, giúp tăng giá trị vốn vay lưu động cho doanh nghiệp từ 70% như hiện nay lên 85%.

Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực phải tìm thêm tài sản thế chấp.

Song song đó, FFA cũng đề nghị ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn vay trung, dài hạn và ngắn hạn đối với doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm trong giai đoạn này. Theo đó, ưu tiên các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay dài hạn nhiều hơn vốn ngắn hạn như tỷ lệ hiện nay…

Sửa đổi chính sách theo hướng có lợi cho doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong tình hình hiện nay, khả năng các nhà cung cấp nguyên phụ liệu phải dừng hoạt động khi xuất hiện trường hợp F0 có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Khi đó, doanh nghiệp không nhập được nguyên liệu và phải ngừng sản xuất, dẫn đến hàng hóa tiêu dùng, lương thực thực phẩm thiết yếu sẽ bị thiếu.

Việc tăng dự trữ nguồn nguyên liệu sản xuất cũng như dự trữ trong nước được xem là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Điều này nhằm ổn định giá, đảm bảo cho sản xuất, cung ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân.

Tổ chức tiêm vaccine miễn phí 100% cho hơn 5.500 công nhân "3 tại chỗ" tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singaore. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Thành phố đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp duy trì, ổn định sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp lương thực, thực phẩm và các doanh nghiệp sản xuất vật tư tiêu hao phục vụ ngành y tế trên địa bàn thành phố; miễn giảm lãi suất vay và cho vay mới với hạn mức tín dụng cao hơn.

Đồng thời, đẩy nhanh quá trình giải ngân các khoản vay; chủ động về nguồn vốn gắn với các chương trình tín dụng ưu đãi, gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi để bổ sung nguồn vốn thu mua dự trữ nguyên liệu, vật tư hàng hóa dành cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu để bình ổn thị trường và phục hồi sản xuất sau khi dịch được kiểm soát.

Dưới góc độ của ngành ngân hàng, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện ngành ngân hàng thành phố cũng đang tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm.

Tập trung hỗ trợ cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi phí… cho doanh nghiệp theo nội dung của Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020 ngày 13/3/2020 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo ông Minh, vấn đề quan trọng hiện nay là nhiều doanh nghiệp lương thực, thực phẩm kiến nghị được cơ cấu lại các khoản nợ phát sinh sau ngày 10/6/2020 do dịch COVID-19 kéo dài. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 03, các ngân hàng chỉ được cơ cấu lại khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020.

Nếu chiếu theo quy định này, các ngân hàng sẽ không thể hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; đồng thời, các khoản nợ giải ngân từ ngày 10/6/2020 sẽ bị chuyển nợ xấu ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Do đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện đơn vị này đang tổng hợp ý kiến và sẽ đề xuất với Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi nội dung Thông tư 03 theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp, kể cả liên quan đến vấn đề tiếp cận chính sách tín dụng và xem xét giảm thêm lãi suất cho vay hơn nữa.

Hiện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các tổ chức tín dụng đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp; chương trình bình ổn giá.

Đồng thời, nắm bắt thông tin tình hình khó khăn doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ kịp thời, đặc biệt là các thủ tục về tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tiếp cận và cập nhật các chính sách hỗ trợ mới…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục