Kinh tế vùng Vịnh có gặp rủi ro khi thế giới xoay trục khỏi dầu mỏ?

Kể từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước, các nhà phân tích đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về "peak oil" - tức là thời điểm khi sản xuất dầu mỏ toàn cầu đạt mức tối đa, sau đó sản lượng sẽ giảm dần.
Kinh tế vùng Vịnh có gặp rủi ro khi thế giới xoay trục khỏi dầu mỏ? ảnh 1Một cơ sở lọc dầu ở Shuaiba, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo asiatimes.com, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào khoảng năm 2041, và sau đó giảm xuống, nhưng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và các quốc gia khác đã sẵn sàng.

Kể từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước, các nhà phân tích đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về "peak oil" - tức là thời điểm khi sản xuất dầu mỏ toàn cầu đạt mức tối đa, sau đó sản lượng sẽ giảm dần.

Điều này không có nghĩa là sự cạn kiệt tài nguyên hydrocarbon - trên thực tế, những khám phá về trữ lượng mới tiếp tục được công bố. Thay vào đó, nó ngụ ý thời điểm mức độ khai thác dầu khí bắt đầu giảm khi nhu cầu giảm - chủ yếu là do sự gia tăng của năng lượng thay thế.

Trong một báo cáo mới, IFM cho rằng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào khoảng năm 2041, và sau đó sẽ giảm. Nếu vậy, giá mỗi thùng dầu cũng có thể có xu hướng giảm.

Không phải là một thiên tài cũng nhận thấy rằng vị thế của dầu mỏ như là nguồn năng lượng lựa chọn sẽ nhanh chóng bị thách thức vì những lo ngại về biến đổi khí hậu và sự cải thiện nhanh chóng trong công nghệ năng lượng thay thế.

Quan điểm của IMF về "peak oil" chú trọng vào hậu quả của nó đối với các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn như những quốc gia nằm bên bờ vịnh Persian.

"Peak oil" có thể tạo ra một tình trạng căng thẳng lớn đối với các quốc gia này do sự phụ thuộc nặng nề của họ vào việc bán hydrocarbon.

Các quốc gia này - những nước xây dựng các kế hoạch tiết kiệm quốc gia dưới hình thức quỹ tài sản quốc gia từ các hoạt động bán dầu khí - có nguy cơ tiêu vào các quỹ này khi gặp khó khăn. Do đó, sẽ có một cuộc khủng hoảng theo thuyết hiện sinh chỉ sau hai thập kỷ nữa.

Có lẽ, sẽ không phải như vậy.

[Giá dầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm]

Cảnh báo đáng sợ về tình hình tài chính của các quốc gia vùng Vịnh là một câu chuyện cũ rích trên báo chí phương Tây, vốn đã phần nào không đề cập đến chiến lược kéo dài hàng thập kỷ trong các nền kinh tế Arab nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu hydrocarbon để chuyển sang các ngành công nghiệp địa phương bền vững hơn.

Họ đang chi tiêu bằng các quỹ tài sản quốc gia - hiện nay chứ không phải 20 năm sau - để không cần đến chúng trong tương lai.

Nếu chỉ xem xét sự phát triển kinh tế ở UAE, rõ ràng là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, sản xuất và dịch vụ đang bắt đầu thu lợi đáng kể, đặc biệt là trong các lĩnh vực thiên về công nghệ và thậm chí cả năng lượng tái tạo.

UAE đã nhanh chóng nhận ra sức mạnh đột phá tiềm tàng của Internet, và đã đưa ra 2 quyết định quan trọng để đảm bảo sự tăng trưởng nội địa trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ.

Họ đã xây dựng một cơ sở hạ tầng tầm cỡ thế giới và chỉ đạo các cơ quan chính phủ nắm bắt công nghệ để tổ chức quản trị tốt hơn.

Từ kế hoạch "Smart Dubai" năm 2013 đến việc thành lập Bộ Trí tuệ nhân tạo hồi năm 2017, vương quốc này đã thực hiện mọi bước có thể để thúc đẩy nền kinh tế tri thức thực sự, thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu hydrocarbon.
Thật dễ dàng bác bỏ những hành động chỉ đơn thuần là "chiêu trò để PR," song thực tế môi trường công nghệ ở UAE tin vào câu chuyện này.

Sáng kiến từ các cơ quan chính quyền tiểu vương quốc và chính quyền trung ương đã khuyến khích các khoản đầu tư tiếp theo của khu vực tư nhân.

Hãy xem xét điều này: Hai vụ mua lại công nghệ lớn nhất trong lịch sử

Trung Đông có sự tham gia của các công ty có trụ sở tại UAE. Việc Amazon mua lại Souq.com và vụ Uber mua lại Uberem cho thấy 2 điều: quy mô lớn của các công ty công nghệ trong hệ thống kinh doanh của UAE và sự tinh tế của họ - thể hiện ở sự hấp dẫn của họ đối với các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu.

Điều này, đổi lại, đang tạo ra một nhóm có cùng quyền lợi, khi ngày càng có nhiều công ty công nghệ bị hút về UAE, trung tâm mới thu hút các thị trường mới nổi của thế giới.

Nếu bạn là một nhà phát triển công nghệ ở Uganda hoặc Kazakhstan hoặc Thái Lan, Dubai có thể là điểm dừng chân thường xuyên trong các chuyến công tác của bạn.

Tiếp đó, sau công nghệ là du lịch, chăm sóc y tế, dịch vụ tài chính,v.v..., và rõ ràng cả Dubai và Abu Dhabi đều không chỉ đơn thuần là một "quốc gia Arập nhiều dầu mỏ."

Thay vào đó, họ là những trung tâm đô thị mới của sự đa dạng kinh tế đang được nuôi dưỡng đến khi trưởng thành trước khi "peak oil" đạt đến đỉnh.

Quốc gia láng giềng Saudi Arabia - một trong những nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới - đang đầu tư đáng kể theo cách của UAE. Họ đã đầu tư nghiêm túc vào cơ sở hạ tầng nền kinh tế tri thức và cho phép nền kinh tế mới có các sáng kiến phần mềm như các quy tắc nới lỏng về thị thực nhập cảnh và quan điểm tự do hơn đối với các chuẩn mực xã hội.

Sẽ mất thời gian để đưa hệ sinh thái công nghệ của Saudi Arabia đến cấp độ của UAE, chủ yếu là do quy mô của nền kinh tế Saudi Arabia.

Nhưng bằng cách sao chép các bước của UAE trong việc xây dựng một hệ sinh thái công nghệ, ban lãnh đạo Saudi Arabia đang chứng tỏ rằng họ không muốn lãng phí thời gian trong việc xây dựng nền tảng cần thiết để chuyển đổi nền kinh tế.

Với quy mô dân số và nền kinh tế của Saudi Arabia, việc tái xây dựng này sẽ có tác động kiến tạo thậm chí còn lớn hơn ở UAE.

Các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm Qatar, đang áp dụng các bước tương tự, với mức độ khẩn cấp khác nhau. Với dân số chỉ hơn 300.000 người, nhưng là một trong những quỹ tài sản quốc gia lớn nhất thế giới, Qatar đang tiến tới quá trình chuyển đổi với tốc độ không nhanh như các quốc gia láng giềng, nhưng xu hướng tương tự đang phát triển liên quan đến đầu tư vào nền kinh tế mới này.

Lập luận cho rằng các quốc gia Arab vùng Vịnh đang gặp rủi ro khi thế giới xoay trục khỏi dầu mỏ - rằng họ sẽ tiêu vào quỹ tiết kiệm quốc gia - là không đếm xỉa đến những gì đã được chuẩn bị để chuyển sang mô hình kinh tế mới và bền vững. Việc chuyển đổi có thể chậm trong một số trường hợp, nhưng nó đang diễn ra.

Có lẽ IMF nên để các nhà phân tích của họ có nhiều thời gian hơn ở vùng Vịnh, thay vì tìm cách phân tích dựa trên các tin tức đăng trên báo chí ở nước họ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục