Kinh tế vũ trụ: Chìa khóa tìm lại thời hoàng kim của "chú hổ Malaysia"

Việc đi đầu trong các nước ASEAN và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo trong một ngành công nghiệp vũ trụ mới sẽ tạo ra một bước nhảy vọt trong hành trình trở lại của "chú hổ Malaysia."
Kinh tế vũ trụ: Chìa khóa tìm lại thời hoàng kim của "chú hổ Malaysia" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: theguardian.com)

Theo chuyên gia Zakie Shariff, Chủ tịch điều hành tập đoàn tư vấn chiến lược Kiarafics (Malaysia), đồng thời là Giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Quản lý công nghiệp, Đại học Pahang, Malaysia, quốc gia Đông Nam Á này dường như đang lạc nhịp trong hành trình trở lại tầm vóc của "chú hổ châu Á."

Hai năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát là cả một hành trình đối với Malaysia. Giờ đây, "chú hổ châu Á" dường như đã lạc nhịp. Tác động của đại dịch COVID-19 và những bất ổn chính trị đã đẩy nền kinh tế Đông Nam Á vào tình trạng giảm phát trong năm 2020, khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng âm 5,6%.

Các chuyên gia đều nhận định rằng Malaysia chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều thăng trầm hơn nữa trong những năm tới. Người dân bắt đầu mất niềm tin vào tinh thần "Malaysia Boleh" (Malaysia có thể) nổi tiếng, đổ lỗi cho tất cả và những thứ nhỏ nhặt dẫn tới tình trạng khó khăn của mình.

Tuy nhiên, hy vọng đã nhóm lên khi tăng trưởng GDP trong năm 2021 đạt 3,1%. Mặc dù không phải kỳ tích nhưng tín hiệu này đến vào lúc Malaysia phải chiến đấu với các biến thể Delta và Omicron của virus SARS-CoV-2, cùng những tác động dai dẳng của dịch COVID-19.

Sự phục hồi kinh tế đã mang lại hy vọng dù chỉ là một tia sáng. Quốc gia Đông Nam Á sẽ cần làm nhiều hơn nữa để tiếp tục thành công trong nỗ lực thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khó nắm bắt trong khu vực.

Một động cơ kinh tế mới

Trên thực tế, Malaysia cần một động cơ kinh tế mới để bổ sung cho những động lực hiện có. Theo chuyên gia Zakie Shariff, quốc gia Đông Nam Á cần một khái niệm được gọi là "Chiến lược đại dương Xanh." Tất nhiên, cách tiếp cận này đã trở lên cực kỳ phổ biến và thịnh hành khi cựu Thủ tướng Najib Razak coi đây là một trong những trụ cột để tái tạo kinh tế.

Tuy nhiên, mô hình này đã làm mất lòng các nhà hoạch định chính sách khi nhiệm kỳ của ông Najib Razak kết thúc trong hoàn cảnh có phần u ám vào năm 2018. Bản chất, "Chiến lược đại dương Xanh" đề cập đến một thị trường cho một sản phẩm nơi có rất ít hoặc không có sự cạnh tranh. Chiến lược này xoay quanh việc tìm kiếm một lĩnh vực kinh doanh trong đó có rất ít công ty hoạt động và không có áp lực về giá cả.

Gần đây, khái niệm kinh tế vũ trụ mới được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông Malaysia, đặc biệt là với những tiêu đề bắt mắt bao gồm những người nổi tiếng thực hiện các chuyến đi trong ngày vào vũ trụ. Tuy nhiên, kinh tế vũ trụ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực du lịch vũ trụ dành cho những người giàu có.

[NASA quan ngại về dự án của SpaceX phóng 30.000 vệ tinh vào quỹ đạo]

Mặc dù có thể có nhiều cách để mô tả tình trạng hiện tại của ngành công nghiệp vũ trụ, nhưng để hữu ích nhất, hãy so sánh lĩnh vực này với những gì tồn tại trong quá khứ. Nền kinh tế vũ trụ ban đầu được thống trị bởi các chính phủ như Mỹ và Liên Xô với ngân sách lớn để tài trợ cho các nghiên cứu tốn kém, trong đó đặc điểm nổi bật là tập trung và mang tính quốc gia.

Trong khi đó, nền kinh tế vũ trụ mới mang tính toàn cầu, kinh doanh và dễ tiếp cận khi khái niệm này ngày càng đa dạng và mở rộng, với những đơn vị tham gia là tư nhân trên nhiều lĩnh vực phụ khác nhau.

Toàn cảnh ngành kinh tế này hiện đã thay đổi với 75% chi tiêu đến từ các công ty tư nhân. Trong một thời gian dài, các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp vũ trụ đã bán vệ tinh hoặc công nghệ nhưng người dân thường không thể kết nối điều này với nhu cầu của họ.

Vì vậy, một số nhà cung cấp đã đưa ra thông tin về dữ liệu thay vì nói về các vệ tinh. Mặc dù vậy, khách hàng cũng không thể hiểu được điều đó bằng trực giác. Hiện nay, ngày càng nhiều nhà cung cấp trong lĩnh vực này nhận ra rằng đó không phải là về dữ liệu mà đó là về việc gặp gỡ khách hàng ở nơi họ đang ở và đưa ra câu trả lời.

Xu hướng này đã chứng kiến sự tham gia từ các liên doanh mới, các quốc gia mới nổi và các khoản đầu tư phi chính phủ đã thúc đẩy tăng trưởng. Kết quả là ngành này đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 5,6% trong giai đoạn 2018-2021.

Theo Báo cáo vũ trụ quý 2/2021, nền kinh tế vũ trụ được định giá khoảng 447 tỷ USD vào năm 2020, cao hơn 55% so với một thập kỷ trước. Đây thực sự là mức tăng trưởng vượt trội và đáng lưu ý hơn là kinh tế vũ trụ mới đang được kết nối với nền kinh tế ở phạm vi lớn hơn.

Chính sự cải thiện trong tâm lý lấy khách hàng làm trung tâm đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư khiến ngành công nghiệp này trở nên dễ đầu tư hơn. Các nhà đầu tư cuối cùng cũng đang tìm hiểu các thuật ngữ đầu tư như "tăng trưởng hữu cơ thực sự," "lợi thế theo quy mô" và "con đường dẫn đến lợi nhuận" đối với nền kinh tế vũ trụ.

Vốn tăng lên có nghĩa là ngày càng có nhiều đơn vị đưa công nghệ hơn thị trường. Tất cả những điều này giúp làm giảm chi phí, giảm rào cản gia nhập, rút ngắn thời gian ra mắt và có nhiều dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm hơn.

Các công ty hiện đang phóng và thu hồi tàu vũ trụ và tàu con thoi, cung cấp khả năng kiểm soát mặt đất và sứ mệnh cụ thể, thực hiện quan sát Trái đất và tiến hành nghiên cứu khoa học vũ trụ. Danh sách sẽ được kéo dài khi con người triển khai các hoạt động của cảng vũ trụ.

Cơ hội để Malaysia tiến về phía trước

Theo Chủ tịch điều hành tập đoàn tư vấn chiến lược Kiarafics, cơ hội tận dụng nền kinh tế vũ trụ toàn cầu mới - từ nhiều lĩnh vực khác nhau như dịch vụ vệ tinh, sản xuất vệ tinh, công nghiệp phóng, thiết bị mặt đất và ngành công nghiệp phi vệ tinh liên quan - hiện nằm trong tay Malaysia.

Nhiều trường đại học như Đại học Tun Hussein Onn Malaysia, Đại học Kuala Lumpur, Đại học Kebangsaan Malaysia và Đại học Sains Malaysia đã có các viện nghiên cứu về Trái đất và vũ trụ, cung cấp các tư liệu, nội dung liên quan tới địa phương mình.

Đáng chú ý, các trung tâm nghiên cứu này không hề đơn độc. Triển lãm Hàng hải và Hàng không Quốc tế Langkawi năm 2019 (LIMA 2019) đã chứng kiến một nhóm các công ty vũ trụ của Malaysia và quốc tế bày tỏ sự ủng hộ đối với sáng kiến ngành công nghiệp vũ trụ do chính phủ nước này hậu thuẫn khi sáng kiến này được hình thành về mặt chiến lược. Những công ty này có các doanh nghiệp nổi tiếng từ Trung Quốc, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Cơ quan Vũ trụ Italy và các nhà cung cấp.

Nằm trên đường xích đạo, Malaysia cung cấp bệ phóng hoàn hảo cho các dịch vụ phóng vệ tinh thả ngang bằng máy bay với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với loại tên lửa thẳng đứng truyền thống. Và đảo Langkawi sẽ là một địa điểm tốt không thua kém bất kỳ nơi nào trên thế giới để xây dựng một sân bay vũ trụ với đầy đủ chức năng - một địa điểm mang tính biểu tượng để phóng và tiếp nhận các tàu vũ trụ thương mại và thử nghiệm quỹ đạo phụ.

Điều này được minh chứng từ trường hợp của Puerto Rico, quốc đảo nằm trên đường xích đạo và cách Langkawi hơn 17.000km với sân bay vũ trụ thành công, đầy đủ chức năng. Do Langkawi và Puerto Rico cách đều nhau quanh chu vi Trái Đất nên các chuyến bay theo quỹ đạo phụ từ Puerto Rico có thể hạ cánh an toàn ở Langkawi và ngược lại.

Những người phản đối sẽ đưa ra câu chuyện về sân bay vũ trụ ở New Mexico, Mỹ và cho rằng ngay cả sự hợp tác giữa một bang của Mỹ và Tập đoàn bay vũ trụ Virgin Galactic cũng không thể bay như dự đoán. Tuy nhiên, chuyên gia Zakie Shariff chỉ ra rằng sân bay vũ trụ New Mexico chỉ dành cho du lịch vũ trụ, nơi mọi người trả 250.000 USD đến 500.000 USD để quan sát Trái Đất từ độ cao 25.000 km, lơ lửng trong không trọng lực trong vài phút.

Tuy nhiên, du lịch vũ trụ chỉ là một dịch vụ nhỏ trong nền kinh tế vũ trụ mới. Mô hình của Malaysia có thể cung cấp nhiều hơn, từ dịch vụ mặt đất và dịch vụ trung tâm điều khiển các sứ mệnh, các chuyến bay quỹ đạo phụ tới các nghiên cứu khoa học, quan sát Trái đất, dịch vụ phóng từ máy bay và khoa học vũ trụ.

Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Pahang khuyến nghị rằng để có biện pháp tốt, Malaysia thậm chí có thể có thành lập Cung thiên văn vũ trụ, được thiết kết như một bảo tàng giáo dục và mô phỏng du hành vũ trụ cho những người thích khám phá về vũ trụ. Chìa khóa thành công và lợi nhuận của liên doanh này cũng sẽ dựa vào điện thoại vệ tinh và các dịch vụ thu thập cũng như phổ biến dữ liệu làm nền tảng cho các dịch vụ này.

Ông Zakie Shariff cũng nhấn mạnh rằng nhiều nghiên cứu khả thi tiếp tục cần được tiến hành để đánh giá mô hình kinh doanh mới này. Trong "Chiến lược đại dương Đỏ," một tổ chức phải lựa chọn giữa việc tạo ra nhiều giá trị hơn cho khách hàng và một mức giá thấp hơn. Ngược lại, những người theo đuổi "Chiến lược đại dương Xanh" cố gắng đạt được cả hai, đó là sự khác biệt và chi phí thấp, mở ra một không gian thị trường mới.

Việc đi đầu trong các nước ASEAN và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo trong một ngành công nghiệp vũ trụ mới, nơi mà sự cạnh tranh hầu như không tồn tại, sẽ tạo ra một bước nhảy vọt trong hành trình trở lại của "chú hổ Malaysia" cũng như tiếng gầm tự hào trong sứ mệnh tiến về phía trước.

Ông Shariff kết luận rằng kinh tế vũ trụ mới là miền đất đầy hứa hẹn để Malaysia đi tiên phong trong khu vực này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục