Kinh tế Việt Nam qua góc nhìn quốc tế: Nhiều chỉ dấu tích cực

Theo IMF, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo sẽ phục hồi ở mức gần 6% trong năm 2024, được hỗ trợ bởi nhu cầu bên ngoài tiếp tục mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định và chính sách nới lỏng.

Kho bãi chứa container tại cảng Tân Vũ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Kho bãi chứa container tại cảng Tân Vũ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Tháng 6/2024, kinh tế Việt Nam đón nhận nhiều thông tin tích cực. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 2 dự kiến tăng trưởng vừa phải, nhờ sự khởi sắc trong xuất khẩu và sản xuất công nghiệp.

Thị trường trái phiếu cũng đang từng bước phục hồi. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đối mặt với một số rủi ro liên quan đến áp lực giá cả, tỷ giá và nhu cầu suy giảm.

GDP tăng trưởng vừa phải

Nhận định về kinh tế Việt Nam trong đợt tham vấn theo Điều IV năm 2024, Trưởng phái đoàn phụ trách Việt Nam tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Paulo Medas, cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo sẽ phục hồi ở mức gần 6% trong năm 2024, được hỗ trợ bởi nhu cầu bên ngoài tiếp tục mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định và các chính sách nới lỏng.

Dự kiến, tăng trưởng cầu trong nước vẫn còn yếu do doanh nghiệp phải “chèo chống” với mức nợ cao trong khi thị trường bất động sản chưa hoàn toàn phục hồi. Lạm phát dự kiến sẽ dao động quanh mức mục tiêu 4-4,5% của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay.

ttxvn-0801detmay1-4454.jpg
Sản xuất hàng may mặc tại Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Quận Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: Anh Tuấn/ TTXVN)

Tuy nhiên, thông cáo của IMF cũng cho rằng rủi ro vẫn tồn tại. Xuất khẩu, động lực chính của nền kinh tế Việt Nam, có thể yếu hơn nếu tăng trưởng toàn cầu không được như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị toàn cầu dai dẳng hoặc tranh chấp thương mại gia tăng.

Ở trong nước, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp suy yếu có thể tác động mạnh hơn dự kiến đến khả năng cấp tín dụng của ngân hàng, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế cũng như làm suy yếu sự ổn định tài chính.

Trong bối cảnh đó, IMF hoan nghênh việc Việt Nam sửa đổi Luật Đất Đai và các luật liên quan đến bất động sản khác nhằm giải quyết những nút thắt về pháp lý trong lĩnh vực này.

Chuyên gia Medas cho rằng Việt Nam cần tiếp tục tái cơ cấu các doanh nghiệp phát triển bất động sản yếu kém và thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh.

Cũng với những nhận định rất tích cực về kinh tế Việt Nam, báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất của ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ đạt 5,3% trong quý 2/2024.

Theo các chuyên gia, tăng trưởng doanh số bán lẻ được dự báo ở mức 8,2% so với cùng kỳ năm trước trong tháng Sáu (so với mức 9,5% của tháng Năm), tăng trưởng xuất khẩu ở mức 14,2% (từ mức 15,8% của tháng Năm).

Xuất khẩu điện tử sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm nay.Tăng trưởng nhập khẩu và sản xuất công nghiệp có khả năng đạt lần lượt các mức 26,0% và 5,2% trong tháng Sáu. Lạm phát có thể tăng lên 4,5% từ mức 4,4% của tháng Năm, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp lạm phát ở trên mức 4%.

Nguyên nhân là do giá dịch vụ giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng, chăm sóc sức khỏe và thực phẩm gia tăng. Xu hướng này có thể duy trì trong những tháng tới.Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered, chia sẻ: “Mặc dù tăng trưởng trong quý 2 có khả năng chậm lại nhưng chúng tôi cho rằng Việt Nam vẫn giữ đà phục hồi rất khả quan. Nền kinh tế có thể phải đối mặt với những thách thức trong quý 3, trong bối cảnh áp lực giá cả, tỷ giá và nhu cầu suy giảm trên toàn cầu.”

Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể sẽ tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản trong quý 4 trong bối cảnh lạm phát gia tăng.

Thu hút FDI tiếp tục khả quan

Đồng quan điểm với Standard Chartered, trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam được công bố ngày 19/6, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định kinh tế Việt Nam đã có nhiều chỉ dấu tích cực.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng Năm tăng 2,6% so với tháng trước đó, được thúc đẩy chủ yếu bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo như máy móc và thiết bị, máy tính và sản phẩm điện tử.Xuất khẩu và nhập khẩu cũng tăng.

TTXVN_2205xuatkhaugo.jpg
Đóng gói sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu tại Bình Dương. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo WB, tăng trưởng đáng kể trong nhập khẩu các sản phẩm đầu vào trung gian cho thấy nhu cầu từ các đối tác thương mại tăng lên và do đó xuất khẩu sẽ có thể cao hơn trong thời gian tới.Trong khi đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tích cực.

Cam kết FDI đạt 11,07 tỷ USD tính đến cuối tháng 5/2023, cao hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Giải ngân FDI lũy kế cũng đạt 8,3 tỷ USD, cao hơn 7,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong số đó, phần lớn vốn FDI tiếp tục tập trung các ngành chế biến, chế tạo và bất động sản.Về việc doanh số bán lẻ dù tăng so với tháng trước đó nhưng vẫn ở mức yếu so với cùng kỳ năm ngoái, WB cho rằng trong khi nhu cầu quốc tế đang phục hồi thì nhu cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng, vẫn còn yếu.

Theo WB, chính phủ đã thực hiện một số biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên trước bối cảnh đồng USD mạnh lên, việc giảm lãi suất để hỗ trợ đầu tư có thể làm tăng áp lực tỷ giá. Do vậy, WB cho rằng Việt Nam cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư.

Thị trường trái phiếu dần phục hồi

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam đã phục hồi với mức tăng trưởng 7,7% trong quý 2/2024 so với quý trước đó, nhờ lượng phát hành trái phiếu chính phủ tăng và quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm nối lại việc phát hành tín phiếu ngân hàng trung ương vào tháng Ba.

Trái phiếu kho bạc và trái phiếu chính phủ khác tăng 3,3% trong quý II, để hỗ trợ các yêu cầu tài trợ của chính phủ. Trái phiếu doanh nghiệp giảm 0,9% do khối lượng lớn trái phiếu đáo hạn và lượng phát hành thấp.

Thị trường trái phiếu bền vững ở Việt Nam đạt quy mô 800 triệu USD vào cuối tháng Ba. Thị trường này bao gồm trái phiếu xanh và các công cụ trái phiếu bền vững do các doanh nghiệp phát hành riêng lẻ và hầu hết có kỳ hạn ngắn.

Lãi suất trái phiếu tại khu vực Đông Á mới nổi đã tăng, trong bối cảnh giảm phát chậm hơn kỳ vọng đã củng cố khả năng lãi suất tăng cao hơn trong thời gian dài hơn. Điều này đã thúc đẩy lãi suất trái phiếu ngắn hạn và dài hạn tại cả các nền kinh tế phát triển và các thị trường khu vực.

Theo báo cáo của ADB, lãi suất trái phiếu chính phủ tăng trung bình 56 điểm cơ bản đối với tất cả các kỳ hạn do lạm phát trong nước gia tăng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn cắt giảm lãi suất điều hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục