Kinh tế Việt Nam bị tác động thế nào sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ?

Chuyên gia Nguyễn Thanh Lâm cho rằng mặc dù có những thách thức từ nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump song sự kiện này cũng đem lại những cơ hội cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam.

Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại nhà máy sản xuất các chi tiết phần động cơ, trợ lực lái, hộp số ôtô tại một doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại nhà máy sản xuất các chi tiết phần động cơ, trợ lực lái, hộp số ôtô tại một doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã kết thúc, mọi ánh mắt đang đổ dồn vào những gì chính quyền mới của ông Donald Trump sẽ làm khi nhậm chức vào tháng 1/2025. Đã có không ít lo ngại về tác động của sự kiện này đối với các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt là thương mại toàn cầu.

Với nền kinh tế mở lớn, Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng nhất định khi ông Trump đắc cử. Tuy nhiên, bên cạnh thách thức, các chuyên gia cũng cho rằng sự kiện này cũng đem lại những cơ hội cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam.

Lo ngại lạm phát, thuế quan tăng cao

Theo ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore), các chính sách mà ông Trump mong muốn đều mang theo rủi ro lạm phát.

Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump đã ủng hộ một loạt các biện pháp thuế quan leo thang. Những mức thuế này dao động từ mức tăng đáng kể thuế quan thương mại đối với Trung Quốc lên 60%, đến mức thuế trừng phạt 200% đối với xe nhập khẩu từ Mexico. Những mức thuế này sẽ được cộng vào mức thuế quan chung đề xuất là 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ…

Tuy nhiên, “các chính sách này ngay cả khi chỉ được thực hiện một phần, cũng có thể gây ra lạm phát cho nền kinh tế Mỹ. Viện Kinh tế Quốc tế Peterson đã cảnh báo rằng các đề xuất thuế quan của Trump có thể khiến một hộ gia đình Mỹ điển hình phải trả hơn 2.600 USD/năm. Mức lạm phát cao hơn này có thể dẫn đến một lộ trình cắt giảm lãi suất ít hơn từ FED so với dự đoán của thị trường," ông Heng Koon How bình luận.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Maybank, cũng cho rằng việc ông Trump tái đắc cử có khả năng tạo ra những tác động mạnh mẽ lên chuỗi cung ứng toàn cầu, bằng cách tăng thuế nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc lên 60% và từ các quốc gia khác lên 10%.

Theo ông Lâm, điều này không chỉ tác động mạnh lên các quốc gia xuất khẩu như Việt Nam mà cũng làm tăng giá trị của đồng USD trên toàn cầu do dòng vốn tiếp tục chảy vào các tài sản an toàn. Bên cạnh đó, các chính sách của ông Trump có thể khiến lạm phát Mỹ tăng trở lại và Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng sẽ không cắt giảm lãi suất mạnh như dự kiến, dẫn đến tạo áp lực đến tỷ giá.

Thách thức là khó tránh khỏi, tuy nhiên ở góc độ lạc quan hơn, ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital cho rằng những rủi ro này đã bị đẩy lên quá mức cần thiết và không có lý do gì để lo ngại chiến thắng của ông Trump sẽ làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

ttxvn-linh-kien-dien-tu-2731.jpg
Sản xuất linh kiện điện tử. (Nguồn: TTXVN)

Theo ông Michael Kokalari, cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ vừa qua ghi nhận rất nhiều tuyên bố thái quá và thông tin cường điệu từ truyền thông. Điều này khiến nhiều cử tri cảm thấy như đó là thông tin để vận động tranh cử, thay vì thông tin công bằng, khách quan nhưng cũng chính điều này dẫn đến những quan ngại thái quá về tác động kinh tế của nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.

"Mối đe dọa về thuế quan chủ yếu đang bị phóng đại. Mức thuế cao có thể chỉ là “quân bài” để thu hút sự ủng hộ từ một trong những nhóm cử tri chủ chốt của ông Trump là tầng lớp công nhân lao động và trong các cuộc đàm phán, đặc biệt với Trung Quốc," ông Michael Kokalari bình luận.

Thực tế, ông Trump đã tập hợp một đội ngũ cố vấn kinh tế rất am hiểu và tài năng, họ hoàn toàn hiểu rõ các hậu quả tiêu cực của việc áp thuế quá nặng lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Những hậu quả tiêu cực này bao gồm việc cản trở quá trình đưa công việc sản xuất trở lại Mỹ, vì thuế cao sẽ đẩy giá trị đồng USD lên.

Hơn nữa, Phó Tổng thống đắc cử JD Vance cũng thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về kinh tế khi chỉ ra rằng vai trò của đồng USD như một đồng tiền dự trữ toàn cầu đã dẫn đến việc đồng USD bị định giá quá cao - điều này khiến việc đưa công việc sản xuất trở lại Mỹ không khả thi về mặt kinh tế.

Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng “lạm phát đình trệ” (có nghĩa là lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế thấp) tồi tệ nhất kể từ những năm 1970. Việc áp thuế nặng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát mạnh mà nền kinh tế Mỹ rất có thể sẽ gặp phải vào năm tới.

Tìm cơ hội trong thách thức

Bất chấp triển vọng không chắc chắn từ cuộc bầu cử Mỹ, các chuyên gia của Ngân hàng UOB nhận định khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sẽ vẫn là khu vực ổn định cho tăng trưởng kinh tế và các cơ hội thương mại mạnh mẽ.

UOB dự báo dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đông Nam Á sẽ tăng thêm 38% lên 312 tỷ USD vào năm 2027 và lên 373 tỷ USD vào năm 2030. Trong bối cảnh bất ổn sắp tới đối với thương mại toàn cầu phát sinh từ cuộc bầu cử Mỹ, điều quan trọng là phải lưu ý đến mối quan hệ thương mại mạnh mẽ và hỗ trợ được thiết lập bởi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Đối với quan hệ thương mại Việt Nam-Mỹ dưới thời ông Trump, ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital nhận định không có lý do gì để ông Trump nhắm vào Việt Nam khi không có sự phản đối đáng kể nào đối với việc tiêu thụ các sản phẩm "made in Vietnam" từ người tiêu dùng Mỹ.

Trên thực tế, Việt Nam có thể giúp Mỹ thoát khỏi việc phụ thuộc vào hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Việt Nam có thể sản xuất những mặt hàng mà người tiêu dùng Mỹ muốn mua nhưng quá đắt để sản xuất tại Mỹ.

Vị chuyên gia của VinaCapital tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định dưới chính quyền ông Trump. Chính sách "ngoại giao cây tre" khéo léo của Việt Nam trong việc duy trì quan hệ tốt với các cường quốc đã giúp đất nước đạt được nhiều thành tựu, và không có lý do gì để tin rằng điều này sẽ thay đổi. Mặc dù Mỹ có thể áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu, nhưng khả năng áp thuế cao (20-30%) đối với hàng hóa Việt Nam là rất thấp.

ttxvn_che bien nong san.jpg
Chế biến nông sản xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

“Thậm chí, nếu Mỹ áp thuế toàn diện (5-10%) đối với hàng hóa từ tất cả các quốc gia ngoài Trung Quốc, Việt Nam vẫn giữ được lợi thế về dòng vốn FDI so với các đối thủ. Tuy nhiên, Việt Nam cần chủ động xem xét cách giảm thặng dư thương mại với Mỹ trước khi vấn đề này trở thành mối lo ngại lớn đối với chính quyền mới," ông Michael Kokalari phân tích.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Maybank, cũng cho rằng mặc dù có những thách thức từ nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, song sự kiện này cũng đem lại những cơ hội cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam.

“Vốn FDI vào Việt Nam có thể tăng thêm, tương tự như trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump bởi 10% thuế nhập khẩu vẫn tốt hơn nhiều so với mức 60%. Bên cạnh đó, sẽ có những cơ hội kinh doanh mới có thể xuất hiện trong các ngành năng lượng, công nghệ thông tin và logistics hàng không, khi Việt Nam có thể tìm cách nhập khẩu nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn từ Mỹ (như LNG, phần mềm…) nhằm làm hạ nhiệt căng thẳng với đối tác của mình," ông Lâm cho biết.

Chia sẻ tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025, do Vietnambiz và Vietnammoi tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 8/11, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng nhận định việc ông Trump đắc cử chắc chắc sẽ ảnh hưởng đến thương mại thế giới, dù thực hiện các cam kết trong quá trình tranh cử vẫn còn là ẩn số.

Do đó, Việt Nam với độ mở kinh tế lớn, có tỷ lệ xuất khẩu trên GDP ở mức cao, sẽ gặp thách thức không nhỏ trong chính sách thương mại toàn cầu, nhất là ở thị trường Mỹ.

“Bên cạnh việc tiếp tục phát huy lợi thế về kinh tế đối ngoại, chúng ta cần có các giải pháp cân bằng với kinh tế nội địa. Cần có biện pháp tập trung kích cầu nội địa, kích thích nền kinh tế trong nước phục hồi, phát triển tốt hơn và biến thành động lực cân bằng cho tăng trưởng kinh tế," ông Nguyễn Bá Hùng đề xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục