Kinh tế Ukraine vẫn còn nhiều khó khăn

Kinh tế Ukraine vẫn còn nhiều khó khăn trong năm 2014

Tuy đã vượt qua được nguy cơ suy thoái trong năm 2013, song nền kinh tế Ukraine vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2014.

Tuy đã vượt qua được nguy cơ suy thoái trong năm 2013, song nền kinh tế Ukraine sẽ vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2014.

Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov, trong bài phát biển ngày 30/12 mới đây, đã kết luận rằng năm 2013 đối với Ukraine là một năm khó khăn, nhưng nước này vẫn vượt qua một cách lạc quan, và những thành tựu chính đạt được trong năm qua là chính phủ đã giữ được nền kinh tế trong nước khỏi suy thoái, duy trì được đồng nội tệ và mức thuế ổn định.

Theo ông Azarov, trong năm 2013, Ukraine đã phải thông qua một quyết định khá khó khăn là ngừng ký kết Hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu (EU). Tuy vậy, ông Azarov khẳng định đường lối hội nhập châu Âu của Ukraine vẫn không hề thay đổi. Ukraine đang tiếp tục phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp và cùng có lợi với cả các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và cả EU.

Khép lại năm 2013 biến động

Các nhà phân tích nhận định, trong năm 2013 vừa qua, Ukraine đã đạt được những thỏa thuận lịch sử với Nga, trong đó có việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý chi 15 tỷ USD mua lại các khoản nợ chính phủ của Ukraine (tương đương khoảng 8% Tổng sản phẩm quốc nội của nước này), và công ty năng lượng nhà nước Gazprom của Nga sẽ giảm giá khí đốt từ mức 406 USD/1.000m3 hiện nay xuống còn 268,50 USD/1.000m3, giúp nước này tiết kiệm khoảng 2 tỷ USD/năm.

Sự giúp đỡ của Nga có thể giúp Ukraine ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng cán cân thanh toán và suy thoái đang ở phía trước, trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm từ nửa cuối năm ngoái.

Ông Yanukovych cho biết Ukraine và Nga cần tiếp tục phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược và đặc biệt hy vọng ở Nga trong việc giúp đỡ cho nền kinh tế Ukraine.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay Nga coi Ukraine là một trong những đối tác chiến lược và nói rằng "nếu chúng tôi chưa thể ký thỏa thuận này trong hiện nay thì chắc chắn sẽ ký trong tương lai gần và sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác."

Ngoài ra, Ukraine và Nga cũng đã đạt được đồng thuận về việc khôi phục hoàn toàn mối quan hệ kinh tế-thương mại song phương, khoản hỗ trợ tài chính của Nga cho nền kinh tế Ukraine, giúp năm 2014 của nước này sẽ trở thành năm phát triển và tăng trưởng.

Mới đây, Nga đã mua 3 tỷ USD trái phiếu quốc gia của Ukraine, một phần trong cam kết của Chính phủ Nga sử dụng 495 tỷ rúp (15 tỷ USD) từ Quỹ Phúc lợi quốc gia, giúp Kiev tránh rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính.

Trước đó, hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) ngày 25/12 đã nâng mức đánh giá kinh tế Ukraine từ "tiêu cực" lên "ổn định" và cho rằng khoản hỗ trợ tài chính nhiều tỷ USD từ Nga sẽ giúp Kiev đáp ứng các nhu cầu tài trợ vốn trong năm tới.

Với sự thay đổi này, nhiều khả năng S&P sẽ không tiếp tục hạ tín nhiệm nợ nước ngoài hiện ở mức B-/B của Ukraine.

S&P cho rằng đồng nội tệ của Ukraine sẽ không tiếp tục mất giá nếu Nga vẫn duy trì các khoản hỗ trợ nhưng trợ giúp của Nga dường như lệ thuộc vào mức độ tốt đẹp của mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

S&P cũng cho rằng nhờ gói cứu trợ của Nga, Ukraine có thể sẽ không thực hiện các cam kết cải cách kinh tế sâu rộng, trong đó có việc xây dựng một thị trường khí đốt nội địa cạnh tranh, xử lý các khoản nợ xấu, tăng sự linh hoạt tỷ giá và thắt chặt tài khóa, theo đề nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và EU.

Tuy vậy, S&P cho biết vẫn sẽ nâng mức tín nhiệm của Ukraine nếu nước này thực hiện các cải cách nhằm giảm thâm hụt thương mại và tài chính.

Năm 2014 còn khó khăn

Thỏa thuận hợp tác mà Ukraine đạt được với Nga diễn ra chỉ vài ngày sau khi các quan chức EU tạm hoãn vòng đàm phán đã kéo dài nhiều tháng.

Các nhà ngoại giao châu Âu yêu cầu Ukraine cam kết cải cách mạnh mẽ hơn và Tổng thống Yanukovych cuối cùng quyết định từ bỏ một thỏa thuận đối tác mang tính bước ngoặt với EU và tìm kiếm quan hệ hợp tác với đối tác truyền thống là Nga.

Sau quyết định tăng cường hợp tác với Nga của Ukraine, nhiều quan chức EU cho rằng trong nhiều năm tới Ukraine khó có cơ hội mới ký kết hiệp ước liên kết với EU vì năm 2014 thành phần Ủy ban châu Âu (EC) sẽ có nhiều thay đổi và Ukraine tiến hành bầu cử tổng thống mới trong năm 2015.

IMF cảnh báo đề nghị cho Ukraine vay 15 tỷ USD và giảm giá khí đốt tự nhiên của Nga tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tương lai.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 19/12 đã lên tiếng khuyến cáo về tình hình tài chính của Ukraine, theo đó cho rằng chính phủ nước này đã bỏ qua phần lớn các cải cách kinh tế cần thiết mà họ đã đồng ý trước đây khi ký kết thỏa thuận năm 2010 để được vay hơn 15 tỷ USD.

Hiện tại, Ukraine đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế ngày càng lớn và đã tiến hành đàm phán với IMF nhằm đề xuất viện trợ bổ sung. Tuy vậy, cuộc đàm phán đã thất bại vì Ukraine từ chối các điều khoản kèm, bao gồm tăng tỷ lệ tiêu dùng của hộ gia đình và giới hạn chi tiêu của chính phủ.

Trong khi đó, Nga mang gói cứu trợ đến cho Ukraine mà không kèm theo các điều khoản khắt khe như của IMF.

Tuy vậy, IMF cho rằng nếu không cải cách toàn diện - bao gồm bao gồm giảm bớt thâm hụt tài khoản tài chính trong và ngoài nước, giảm dần trợ cấp năng lượng, vực dậy lĩnh vực ngân hàng và nâng cao khả năng cạnh tranh của các công ty - thì tiền cứu trợ cho Chính phủ Ukraine sẽ không mang lại hiệu quả.

Theo IMF, vấn đề nghiêm trọng nhất của Ukraine là lĩnh vực năng lượng. Giảm giá khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga có thể khiến vấn đề lãng phí năng lượng, nhất là ở các hộ gia đình trở nên nghiêm trọng hơn.

IMF đã kêu gọi Ukraine tăng tỷ lệ tiêu dùng hộ gia đình, kết hợp với hỗ trợ các hộ gia đình nghèo. IMF mặc dù hy vọng Ukraine sẽ thoát khỏi tình trạng suy thoái 2014 song cũng cảnh báo rằng “triển vọng này phụ thuộc nhiều vào các rủi ro, bắt nguồn từ các chính sách không phù hợp, bất ổn chính trị và kinh tế của Ukraine trong những tuần gần đây."

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục