Kinh tế Trung Quốc tiếp tục đánh mất động lực tăng trưởng

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 2/2019 thấp nhất trong 3 tháng, cho thấy những khó khăn mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tiếp tục đối mặt do nhu cầu trong nước và nước ngoài giảm.
Ôtô xuất khẩu được xếp tại cảng ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, ngày 31/12/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong tháng 2/2019, hoạt động sản xuất của Trung Quốc ở mức thấp nhất trong ba tháng, khi đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cho thấy những khó khăn mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tiếp tục đối mặt do nhu cầu trong nước và nước ngoài suy giảm.

Theo thống kê của Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc, chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) của nước này trong tháng Hai đã giảm từ 49,5 xuống 48,2, dưới ngưỡng 50, báo hiệu sự sụt giảm của hoạt động sản xuất.

Đây là tháng thứ ba liên tiếp chỉ số này giảm và là lần đầu tiên hoạt động sản xuất của Trung Quốc sụt giảm kể từ tháng 1/2009, thời điểm toàn cầu chìm trong cuộc khủng hoảng tài chính.

[Trung Quốc sẽ thu hút vốn đầu tư nước ngoài kỷ lục trong năm 2019?]

Trong khi đó, các đơn hàng xuất khẩu mới cũng giảm tháng thứ chín liên tiếp trong bối cảnh nhu cầu thế giới yếu.

Chỉ số phụ đo tiêu chí này trong tháng 2/2019 giảm từ mức 46,9 của tháng trước đó xuống 45,2, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2009. Tuy nhiên, tổng đơn hàng mới cho thấy hoạt động sản xuất trong tương lai đã quay trở lại đà tăng, cho thấy sự cải thiện của nhu cầu trong nước.

Chỉ số phụ đo tiêu chí này tăng nhẹ từ 49,6 lên 50,6, sau khi giảm hai tháng liên tiếp.

Các số liệu mới đã củng cố quan điểm cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang mất động lực sau khi tăng trưởng ở mức thấp nhất trong gần ba thập niên vào năm ngoái, chỉ đạt 6,6%.

Ngay cả khi chính phủ gia tăng kích thích nhằm thúc đẩy hoạt động của nền kinh tế, có những lo ngại rằng kinh tế Trung Quốc có thể còn giảm tốc mạnh hơn nếu đàm phán thương mại với Mỹ không làm giảm bớt sức ép.

Theo nhà phân tích Zhao Qinghe của NBS, mặc dù hoạt động chế tạo giảm, nhu cầu của thị trường đã phần nào cải thiện.

Ông cho rằng do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, hoạt động ngoại thương của Trung Quốc đối mặt với sức ép tương đối lớn.

Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã gây ra những thiệt hại, khi hai nước áp thuế trừng phạt lẫn nhau lên hơn 360 tỷ USD hàng hóa.

Tuy nhiên, hai bên cho biết các cuộc thương lượng tuần trước đã đạt những tiến triển lớn, nhờ đó Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoãn tăng thuế lên hàng hóa của Trung Quốc và hy vọng có thể sớm ký thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục